Tình yêu - cội nguồn của sự sống, cội nguồn của nghệ thuật!
Mùa thu - tình yêu và nỗi nhớ Hoa nào đẹp bằng em... Hạnh phúc là sự đồng điệu con tim Tự sự cùng trăng Nhiều cung bậc cảm xúc trong bài thơ về trăng |
Thơ đời và đời thơ
13 tuổi đã chớm yêu
Mà như thủy triều ùa vào sông cạn
Mẹ linh cảm thờ dài
Em lắc đầu ngúng nguẩy...
16 tuổi, em viết bài thơ YÊU
Trong đêm trăng nồng nàn đắm đuối
Bài hút hồn con trai, con gái
Thì thầm truyền nhau chép tay!
Rồi đợt thi giỏi văn toàn tỉnh
Viết về cảm nghĩ mái trường
Tin vui xao động cả vùng:
Em đạt giải nhì duy nhất!
Phượng thắp lửa gọi hè
Sông trăng lấp lóa về khuya
Bên bờ cỏ mượt
Em trao nụ hôn đầu…
Cột mốc ấy in dấu văn chương
Ngời ngợi trong thơ ca, tiểu thuyết
Trang viết xiêu lòng bao chàng trai mới lớn
Thư tình bay về ngày đêm…
Thơ em có tiếng rao bánh mì đêm đêm
Cảnh người lang thang nằm vỉa hè đêm lạnh
Có nồi cháo giúp người nghèo nằm viện
Và cảnh cứu sống người bị đất vùi trong mưa…
Hạnh phúc và khổ đau
Em dồn vào trang viết
Lay thức lương tâm
Những ai quay lưng với con người lương thiện
Đời thơ ghềnh gập
Thơ đời qua giông bão nở hoa
Sống là sự công - trừ, được - mất
Cội nguồn những Tình ca!
Cuối thu 2023
Mở đầu bài thơ như một sự làm yên lòng những bậc phụ huynh có con “yêu sớm”: “13 tuổi đã chớm yêu / Mà như thủy triều ùa vào sông cạn / Mẹ linh cảm thờ dài / Em lắc đầu ngúng nguẩy...”.
Đây là một thực tế có từ trước, ở ngày hôm nay càng đúng vậy. Trẻ em yêu sớm không có tội, chẳng có lỗi, vì tình yêu luôn là điều tốt đẹp. Điều cần băn khoăn chính là người lớn, bằng cách nào đó giúp các em điều chỉnh tình yêu đi đúng hướng trong sáng, thánh thiện.
Ở bài thơ này, bậc “phụ huynh” đã làm tốt điều ấy, thế nên không cấm đoán, không ngăn cản. Gói trong cái “thờ dài” của “mẹ” là sự trân trọng tình cảm của con gái. Nhờ vậy mà “16 tuổi, em viết bài thơ YÊU / Trong đêm trăng nồng nàn đắm đuối / Bài hút hồn con trai, con gái / Thì thầm truyền nhau chép tay!”.
Nhiều bậc đại thụ văn chương thời 1932 - 1945 đã có tác phẩm để đời lúc 16 tuổi, thế nên “em” 16 viết bài thơ YÊU chưa có gì đặc biệt. Cái đáng trân trọng, nâng đỡ là tiếng thơ ấy nói lên được thế giới tâm trạng tình yêu tuổi đầu đời thơ mộng, mời gọi. Chắc đó cũng là thơ hay nên bạn bè mới “thì thầm truyền nhau chép tay”…
Bước đi đầu tiên rất quan trọng với mỗi con người, đó là hạnh phúc ban đầu trong sự khởi đầu của quá trình khẳng định mình trong lao động, đó cũng là tín hiệu báo trước một hướng đi, một sự nghiệp. Với người nghệ sỹ thì quan trọng nhất là gắn bó với cái nôi đầu tiên quê hương xứ sở, người “em” này là như vậy: “Rồi đợt thi giỏi văn toàn tỉnh / Viết về cảm nghĩ mái trường / Tin vui xao động cả vùng: / Em đạt giải nhì duy nhất!”.
Chưa phải là thành công lớn nhưng là sự hứa hẹn đáng ca ngợi. Tình yêu đầu đời cũng đến như là lẽ tự nhiên, thơ mộng, đẹp đẽ: “Phượng thắp lửa gọi hè / Sông trăng lấp lóa về khuya / Bên bờ cỏ mượt / Em trao nụ hôn đầu…”. Điều đáng quý là “em” biết hướng tình yêu ấy vào tình yêu văn chương: “Cột mốc ấy in dấu văn chương / Ngời ngợi trong thơ ca, tiểu thuyết / Trang viết xiêu lòng bao chàng trai mới lớn / Thư tình bay về ngày đêm…”.
Càng quý hơn khi tình yêu cá nhân lồng vào tình yêu con người: “Thơ em có tiếng rao bánh mì đêm đêm/ Cảnh người lang thang nằm vỉa hè đêm lạnh / Có nồi cháo giúp người nghèo nằm viện / Và cảnh cứu sống người bị đất vùi trong mưa…”. Tìm đến những người bất hạnh, có thể chưa phải là tài năng nhưng chắc chắn đó là người tử tế, biết thấu hiểu để thấu cảm tình người, tình đời.
Với văn chương, tình yêu thương con người luôn là nền móng trong cấu trúc ngôi nhà nghệ thuật, đó cũng là tiền đề của tư tưởng nghệ thuật, vì trước nay nghệ thuật có bao giờ xa con người đâu: “Hạnh phúc và khổ đau / Em dồn vào trang viết / Lay thức lương tâm / Những ai quay lưng với con người lương thiện”. Sứ mệnh của văn chương là vậy, là “lay thức lương tâm”. Đó là một triết lý nghệ thuật!
Khổ cuối bài thơ mang tính chất “tổng kết” một đời thơ để đưa ra những chiêm nghiệm về đời, về thơ, cao hơn là về nghệ thuật:
Đời thơ ghềnh gập
Thơ đời qua giông bão nở hoa
Sống là sự công - trừ, được - mất
Cội nguồn những Tình ca!
Thì ra thơ và nghệ thuật nói chung là sự chắt lọc, là sự kết tinh những “gập ghềnh”, những “cộng trừ”, “được mất” của cuộc đời, nhà thơ như cây xanh cắm sâu cội rễ vào mảnh đất cuộc đời để có trái cây tác phẩm, mà hương vị của nó chính là sự tổng hòa hương vị cuộc đời: Có cả vị mặn, vị đau, vị ngọt ngào, vị chua cay, vị ngọt bùi... Nghệ thuật là vậy, cắm sâu vào cuộc đời để trổ ra những cây xanh làm bóng mát che cho cuộc đời.
Đây là bài thơ hay hiếm hoi nói về quan hệ cuộc đời và nghệ thuật!