Tag

Nhiều cung bậc cảm xúc trong bài thơ về trăng

Văn học 25/11/2023 15:37
aa
TTTĐ - Tôi đã đọc rất chậm bài thơ “Tự sự cùng trăng” của Nguyễn Hồng Vinh đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô mới đây. Cảm nhận bao trùm bài thơ là sự chất chứa tâm trạng vui - buồn - dứt day trước thân phận người (là “em” trong bài) vốn nuôi hy vọng sự nghiệp văn chương mà mình đang dồn sức theo đuổi, đắp vun, nhưng nay chỉ nhận về nỗi chán chường, thất vọng!
Mùa thu - tình yêu và nỗi nhớ “Hỏi sông” hay những điều “nghịch lý” trong tình yêu? Hoa nào đẹp bằng em... Hạnh phúc là sự đồng điệu con tim Miệt mài ươm những hạt mầm cho đời nở hoa Tự sự cùng trăng
Nhiều cung bậc cảm xúc trong bài thơ về trăng
Ảnh minh họa: IT

TỰ SỰ CÙNG TRĂNG

Nguyễn Hồng Vinh

Ở nơi em bóng nắng đã lùi xa

Nhường cho vầng trăng lưỡi liềm mùa gặt

Em đê mê tựa mình vào khúc hát

Giữa cánh rừng nghiêng ngả trăng xiên

Thời gian cứ lấn bóng đêm

Khoảng sáng trùm biển rộng

Sóng nằm im bất động

Ngắm chị Hằng đang rải lân tinh

Giờ này anh ở đâu, mà em mải miết tìm

Trăng sáng quá, càng thấy mình đơn độc

Hỏi đồi thông, chỉ có vi vút nhạc

Hay có ai mê dụ dẫn anh đi?!

Nhiều cung bậc cảm xúc trong bài thơ về trăng
Ảnh minh họa: IT

Bài thơ lúc này chỉ lặp lại mấy từ:

Trăng, trăng, anh, em - như đèn cù thơ trẻ

Trái tim như bị ai cào xé

Con chim tìm đàn đã bị trúng tên!

Một chồi non vừa kịp nhú lên

Ai đang tâm vò nát

Xót xa nào cứu vãn

Một đời thơ và cả đời văn?!

Trăng lẻ loi, càng nhân rộng cô đơn

Đàn cá dưới sông ngẩn ngơ chẳng quẫy

Cá có sẻ chia cùng ta không đấy

Phận người, nay bỗng vụn mộng mơ...

Bãi cát mịn còn lưu dấu chân

Trăng khuất, bình minh lên

Chút hi vọng mong manh sẽ đến

Ru ta phút bình yên…

Cuối thu, 2023

Nhiều cung bậc cảm xúc trong bài thơ về trăng
Ảnh minh họa: IT

Xưa nay từ cổ chí kim, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, trăng được ngàn vạn nhà văn, nhà thơ đề cập khi miêu tả vẻ đẹp lắng sâu lòng người trước thiên nhiên tươi đẹp long lanh: “Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” (Ca dao). Hay diễn tả tình yêu lứa đôi vào độ chín: “Anh cùng em múc nước sân đình / Trăng soi bóng chúng mình lung linh/ Đêm về tương tư tiếp nối / Năm sau rạp cưới góc đình” (thơ Văn Nguyên).

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng trăng miêu tả nỗi buồn man mác khi Kim Trọng phải xa cách Thúy Kiều: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. Đến phong trào Thơ mới, Hàn Mặc Tử, một trong những nhà thơ dùng rất nhiều hình tượng trăng để diễn tả tâm trạng con người với bao chiều cạnh, bao góc khuất trong bức tranh thiên nhiên đa dạng với lòng người đa sầu, đa cảm. Đây là sự phấp phỏng chờ đợi đến nao lòng khi nhớ đến trăng:“Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?”. Khi tâm trạng với thực - hư dồn nén, họ Hàn bật lên những vần thơ xót xa mạnh mẽ: “Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng em/ Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực”.

Nhiều cung bậc cảm xúc trong bài thơ về trăng
Ảnh minh họa: IT

Với bài thơ “Tự sự cùng trăng”, những cung bậc vui - buồn, khổ đau, thất vọng, được Nguyễn Hồng Vinh diễn đạt theo cách riêng, đi từ thấp tới cao, từ cái cụ thể đến cái trừu tượng; từ cái trừu tượng tác giả lại gửi đi “thông điệp” về đạo lý và lẽ sống ở đời.

Trong khổ thơ đầu là thiên nhiên một vùng đất hữu tình đang truyền cảm hứng cho em: Bóng nắng lùi xa, trăng lưỡi liềm mùa gặt xuất hiện, cuộc sống thanh bình bật lên tiếng hát làm em đê mê “giữa cánh rừng nghiêng ngả trăng xiên”. Rồi từ rừng ra biển rộng, những con sóng nằm im “Ngắm chị Hằng đang rải lân tinh”. Có thể nói, khổ thơ này đậm đà chất nhạc. Nhưng trước cảnh non nước lộng lẫy có một không hai ấy, em bỗng thấy đơn độc vì đi tìm anh khắp vùng chẳng thấy, chỉ có “đồi thông vi vút”, và một câu hỏi cộm lên “Hay có ai mê dụ dẫn anh đi?!”. Từ khổ thơ thứ tư là mở đầu cao trào đau đớn giày vò khi một mình cùi cũi trong hư vô: “Trái tim đang bị ai cào xé / Con chim tìm đàn đã bị trúng tên”.

Nhiều cung bậc cảm xúc trong bài thơ về trăng
Ảnh minh họa: IT

Đến khổ thứ năm, người đọc nhận ra nguyên nhân của nỗi đau ấy, được tác giả diễn tả bằng hình tượng “một chồi non vừa kịp nhú lên”, nhưng ai đó đã “đang tâm vò nát”. Ở câu thơ này thực - hư, hư - thực đan xen: Rất có thể là ước vọng làm điều gì đó đẹp hơn cho văn chương mà “em” ấp ủ đã bị tiêu tan vì sự đố kỵ, ghét ghen thường có ở đời; hoặc cũng có thể hiểu rằng, tình yêu của “em” với “anh” vừa chớm nở, đã bị anh chà đạp, lẳng lặng chia tay để mình em vò võ đi tìm dưới ánh trăng cô quạnh, khiến “Đàn cá ngẩn ngơ chẳng quẫy / Phận người nay bỗng vụn mộng mơ”. Cũng có thể đan quyện cả hai lý do tâm trạng!

Trong đau khổ tột cùng, Nguyễn Hồng Vinh bao giờ cũng tìm được sự “giải mã” lý tình, không để nhân vật “em” gục ngã, chìm trong biển thở than tuyệt vọng, mà thổi niềm hy vọng cho nhân vật đứng vững, tìm lại chính mình để vững tin đi tiếp: “Trăng khuất bình minh lên / Chút hy vọng mong manh sẽ đến / Ru ta phút bình yên…”.

Nhiều cung bậc cảm xúc trong bài thơ về trăng
Ảnh minh họa: IT

Tôi đã đọc lại nhiều bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh, dù viết về người lính ở mặt trận, hay cảnh mưa lũ miền Trung sạt đất vùi người, những đoạn kết bài thơ loại này đều truyền niềm lạc quan, tin yêu và hy vọng vào cuộc đời, mà truyền thống nhân ái, nhân văn của dân tộc ta bao giờ cũng là điểm tựa, giúp tình người không hề cạn vơi giữa giông gió cuộc đời. Đó là nét đáng trân quý trong thơ Hồng Vinh - như một nhà thơ đã cùng cảm nhận: “Hết khổ là vui vốn lẽ đời!”.

Tháng 11/2023

Đọc thêm

“Học tập suốt đời” - triết lý xuyên suốt mọi thời đại Văn học

“Học tập suốt đời” - triết lý xuyên suốt mọi thời đại

TTTĐ - Học tập suốt đời là một triết lý được các học giả từ nhiều nơi trên thế giới ủng hộ, trong số đó có tác giả Michelle R. Weise (cựu học giả Fulbright và tốt nghiệp tại đại học Harvard và Stanford). Bà là tác giả của cuốn sách “Long-Life Learning: Preparing for Jobs that Don’t Even Exist Yet” (Học tập suốt đời: Sẵn sàng cho những công việc còn chưa ra đời).
Tái bản tiểu thuyết tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch Văn học

Tái bản tiểu thuyết tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch

TTTĐ - Chọn đúng dịp 27/2, nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam, tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh đã chính thức tái bản cuốn tiểu thuyết "Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi". Ngay sau khi phát hành lần đầu vào tháng 10/2024, tác phẩm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả và bán hết 1.000 bản chỉ sau 5 ngày.
Sự thật và cảm xúc - đôi cánh của thơ! Văn học

Sự thật và cảm xúc - đôi cánh của thơ!

TTTĐ - Cất lên tiếng nói của trái tim, thơ là cảm xúc chân thành, dung dị, nồng hậu. Nếu tuôn trào từ cái nôi sự thật đời sống, cảm xúc sẽ nhân đôi. Hai cánh sự thật và cảm xúc sẽ nâng bài thơ bay cao, bay xa vào bầu trời cảm nhận của độc giả. Bài thơ mới của Nguyễn Hồng Vinh “Niềm vui - Hạnh phúc song hành” vừa ra đời là một thi phẩm tiêu biểu.
Những cung đường mùa xuân Văn học

Những cung đường mùa xuân

TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Những cung đường mùa xuân" của tác giả Vũ Thị Huyền Trang.
“Đóa hoa sương núi” - cuộc sống, ước mơ của những đứa trẻ Raglai Văn học

“Đóa hoa sương núi” - cuộc sống, ước mơ của những đứa trẻ Raglai

TTTĐ - Hòa chung không khí chủ đề “Non sông gấm hoa” của Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025, SBOOKS ra mắt cuốn sách “Đóa hoa sương núi”. Câu chuyện về cuộc sống, ước mơ của những đứa trẻ đồng bào Raglai, một lần nữa đưa tác giả trẻ Tâm An đến với bạn đọc.
Đầu xuân “Nghe sách ngày Tết - Gắn kết niềm vui” Văn học

Đầu xuân “Nghe sách ngày Tết - Gắn kết niềm vui”

TTTĐ - Sáng 30/1 (tức mùng 2 Tết Ất Tỵ), tại tuyến đường Lê Lợi, công ty cổ phần BOOKAS tổ chức talkshow “Nghe sách ngày Tết - Gắn kết niềm vui”. Chương trình trong khuôn khổ Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ năm 2025 với chủ đề “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa” do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh chủ trì.
Lời chào mùa xuân Văn học

Lời chào mùa xuân

TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu chùm thơ xuân của các tác giả Huỳnh Mai Liên, Nguyễn Thị Hồng Hà, Bùi Thị Thu Lê.
Mùa xuân - mùa lộc biếc xanh Văn học

Mùa xuân - mùa lộc biếc xanh

TTTĐ - “Dâu bãi lưa thưa lược chải trời / Tháng Giêng sông Đáy tháng Giêng ơi / Giếng chiều gánh nước nghe ai hát / Líu ríu mưa xuân gió rét đài”. Tôi nhớ mãi mà không biết những câu thơ ấy của ai. Nó cứ như những giọt mưa xuân suốt những năm thơ bé ngấm vào tôi, thấm thía, tha thiết, bồi hồi, man mát.
Skid giới thiệu "Hà Nội - Sài Gòn du ký" tại Đường sách Tết Văn học

Skid giới thiệu "Hà Nội - Sài Gòn du ký" tại Đường sách Tết

TTTĐ - Hưởng ứng chủ đề “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa” của Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025 tại TP Hồ Chí Minh, SBOOKS KIDS (Skids) trình làng bộ sách tranh truyện song ngữ ấn tượng “Hà Nội - Sài Gòn du ký”.
Đón “Tết Công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng” tại Phố Sách Xuân 2025 Văn học

Đón “Tết Công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng” tại Phố Sách Xuân 2025

TTTĐ - Sáng 24/1, Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 chính thức khai mạc. Với chủ đề “Tết Công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”, Phố Sách Hà Nội là điểm đến du xuân ý nghĩa, phục vụ Nhân dân và du khách vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - năm 2025.
Xem thêm