“Tỏa sáng” với nghị lực vượt qua mặc cảm để chiến thắng
![]() |
Chơi cờ bằng niềm đam mê…
Nguyễn Thị Hồng Châu sinh năm 1982 tại Thường Tín, Hà Nội. Hiện nay, cô sinh hoạt tại Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Sinh ra trong gia đình bốn anh chị em, thì ba người bị khiếm thị. Nỗi đau khuyết tật ập đến gia đình nhỏ, khiến bố mẹ cô rất buồn. Châu là một trong ba người mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, mắt phải không nhìn thấy hoàn toàn, thị lực mắt trái chỉ 2/10 độ.
Đôi mắt yếu khiến mọi thao tác đơn giản nhất trong cuộc sống thường nhật cũng trở nên khó khăn với cô.Tuổi thơ, Châu lầm lũi, ít nói, ngại giao tiếp với mọi người, không muốn bị ai làm phiền và ghét người khác tỏ vẻ thương hại mình.
![]() |
Nguyễn Thị Hồng Châu
Châu tâm sự: "Mình đã lớn lên trong sự mặc cảm, tự ti về bản thân vì bị khiếm thị từ nhỏ mà không thể chữa trị được. Mọi thứ xung quanh mình mờ ảo, một số người xung quanh kì thị, chọc ghẹo, xa lánh. Mình ước ao được đến trường như các bạn".
Hạnh phúc bắt đầu mỉm cười khi Châu gặp được một người tốt ở trung tâm Hà Nội nhận làm con nuôi và giới thiệu cô tới trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Châu quyết định theo đuổi giấc mơ học tập.
Tại trường, Châu có điều kiện tiếp thu, trau dồi tri thức, kỹ năng tự phục vụ bản thân và hòa nhập với những học sinh mắt sáng, cũng như bạn bè cùng cảnh ngộ. Điều đó giúp cô gái khiếm thị có thêm niềm vui trong cuộc sống. Châu tự nhủ mình phải vượt qua nỗi tự ti, mặc cảm bằng cách chiến thắng chính sự yếu kém trong bản thân. Với cô, học tập là niềm đam mê, trường lớp là kênh thông tin giúp khám phá thế giới bên ngoài.
Cũng tại môi trường học đường này, Nguyễn Thị Hồng Châu có cơ hội tiếp cận với một số môn thể thao dành cho người khuyết tật. Cô đã chọn Cờ vua, phấn đấu thực hiện ước mơ chinh phục các giải đấu trong môn thể thao giàu trí lực này.
“Mình thích Cờ vua từ bé vì hay ngồi xem bố và các bác ở xóm chơi cờ. Anh trai mình dù bị khuyết tật nhưng vẫn trở thành một vận động viên chơi cờ rất “cừ”. Vì thế, khi nhà trường tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng khiếu, thể hiện tài năng, mình đã chọn Cờ vua”, Châu chia sẻ.
Từ ấy, Châu tham gia đội tuyển Cờ vua của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Châu kể: “Giải nhất đầu tiên mình giành được là ở cấp trường. Đó là nguồn động viên, khích lệ rất lớn. Sau giải đấu ấy, mình tích cực luyện tập hơn nữa để tham gia các giải đấu cấp cao, mang tính chuyên nghiệp hơn”.
Năm lên cấp ba, Châu theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, Hà Nội. Cô tiếp tục nâng cao năng lực Cờ vua bằng cách ra nhập CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội. Để đi thi đấu các giải cấp thành phố, miền Bắc, toàn quốc, rồi đến khu vực Đông Nam Á, châu Á- Thái Bình Dương, Châu phải luyện tập chăm chỉ, chơi cờ bằng cả niềm đam mê, trái tim nhiệt huyết và khối óc thông minh.
Hạnh phúc tròn đầy
Có những ván cờ bị thua đối thủ, cô đã trăn trở mãi về nguyên nhân, cân nhắc từng nước cờ. Châu luôn phải luyện tập nghiêm túc, bởi khó khăn lớn nhất của cô trong môn Cờ vua là phải dùng tay sờ quân cờ để đi đúng nước. Với những vận động viên mắt sáng, việc chơi cờ đã khó, còn với người khiếm thị như cô còn khó hơn gấp bội. Mỗi lần tập luyện, thi đấu, Châu đều phải bịt mắt lại để tập trung cao độ nhất cho cuộc đua tài.
![]() |
Hiện nay, Châu đang là vận động viên sáng giá của môn Cờ vua tại CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội. Cô từng tham gia nhiều giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, Paragame khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Năm 2015, Châu đã xuất sắc giành 2 Huy chương vàng tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, 3 Huy chương vàng tại Paragame lần thức VII được tổ chức tại Singapore…
Tham gia các giải đấu cấp cao đòi hỏi ở vận động viên nghị lực, trí tuệ gấp nhiều lần người bình thường. Với vận động viên khuyết tật còn phải nghị lực hơn nữa, để không chỉ tiến lên trong sự nghiệp mà còn chống đỡ lại những cơn đau đến mỗi khi trái gió trở trời. Nguyễn Thị Hồng Châu đã làm được điều đó một cách ngoạn mục. Từng giành nhiều thành tích cá nhân, mang vinh quang cho thể thao người khuyết tật Việt Nam nhưng với Châu, “niềm vui sống, hạnh phúc có được nhờ thể thao còn quan trọng hơn những tấm huy chương”.
Trở thành tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của Thủ đô năm 2016, đối với Nguyễn Thị Hồng Châu đó là niềm vui, tự hào lớn dành cho cô và gia đình. Không tự đắc với kết quả nhận được, Châu luôn tự nhủ phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu này.
Châu cho biết: “Rèn luyện cờ vua và chinh phục những đỉnh cao tiếp theo cũng là mục tiêu trọng điểm của mình những năm tới. Mình muốn đi đến được khắp các nước Đông Nam Á và thực hiện tốt vai trò huấn luyện viên cho các em nhỏ, bạn trẻ thích chơi cờ vua, góp phần xây dựng, phát triển các thế hệ vận động viên của Việt Nam”.
Bên cạnh sự thành công trên đấu trường thể thao, Nguyễn Thị Hồng Châu còn rất hạnh phúc bởi cuộc sống vợ chồng, gia đình. Tình yêu của cô được đơm hoa kết trái với một chiến sĩ quân đội. Họ kết hôn, sinh hạ một bé gái và một bé trai kháu khỉnh. Trong những ngày mùa xuân về tràn ngập trên khắp phố phường Thủ đô, Nguyễn Thị Hồng Châu quây quần bên tổ ấm bé nhỏ của mình, hân hoan chào đón một năm mới với niềm hạnh phúc tròn đầy.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Chàng trai giải tích và hành trình chinh phục đỉnh cao Toán học

Con ong chăm chỉ gặt "mùa vàng" tri thức

Bí quyết vượt vũ môn và chọn đúng nghề cho tương lai

“Hội tiền bối” giúp 2K10 gỡ rối trước kỳ thi vào lớp 10

“Khoác áo mới” cho nhà tạm, nhà dột nát

Tạm biệt tháng Tư, giới trẻ hướng về Hà Nội mùa thu lịch sử

Tuổi trẻ yêu nước từ những điều dù rất nhỏ

Chàng trai “tô màu kí ức”

Cơ hội, thách thức và những trăn trở thầm lặng
