TP HCM cảnh báo: "Mầm bệnh lây lan, ai cũng có thể là F0"
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tại khu vực có nguy cơ cao (Ảnh: HCDC) |
Từ ngày 27/4 đến tối 17/6, TP HCM đã phát hiện 1.197 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đã được Bộ Y tế công bố. Hiện TP HCM đứng thứ 3 trong 39 tỉnh thành có ghi nhận có ca mắc COVID-19, chỉ sau Bắc Giang và Bắc Ninh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), đặc điểm của các chuỗi lây nhiệm trong đợt dịch thứ 4 này là lây nhiễm thông qua các tiếp xúc sinh hoạt thường ngày tại nơi cư trú, tại nơi làm việc. Sự lây nhiễm từ nơi cư trú rồi mang vào nơi làm việc rồi lại từ nơi làm việc mang về nơi cư trú tạo thành những chu kỳ lây nhiễm qua lại.
"Chúng ta có thể hình dung nó như quả bóng bàn nảy qua chỗ này rồi lại tưng qua chỗ khác. Do đó khi phát hiện các trường hợp chỉ điểm qua khám sàng lọc thì khi điều tra truy vết phát hiện ra các chuỗi lây đã lây nhiễm qua lại vài chu kỳ. Có những chuỗi lây nhiễm nằm chung trong con hẻm, dãy nhà trọ, dãy nhà hàng xóm trong một ấp.
Đây là nơi mà bệnh nhân có những tiếp xúc với nhau theo sự gần gũi của xóm giềng, tắt lửa tối đèn có nhau. Những sinh hoạt làng xóm trước đây là một nét đẹp trong văn hóa người Việt thì trong thời buổi dịch bệnh như hiện nay lại trở thành mối nguy khiến dịch bệnh lây lan.
Có những chuỗi lây nhiễm tại nơi làm việc khi có sự giao tiếp giữa các đồng nghiệp khi trao đổi công việc, sinh hoạt nội bộ, ăn cơm cùng để nói chuyện giờ nghỉ trưa. Những tiếp xúc này vốn là bình thường và cần thiết để duy trì mối liên hệ công việc nhưng giờ đây lại trở thành nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan", phân tích của các chuyên gia HCDC.
HCDC khuyến cáo: "Hãy xem người đối diện với mình như là F0"
HCDC cho biết, hiện nay mỗi ngày, thành phố đều phát hiện những trường hợp nhiễm mới thông qua sàng lọc không rõ nguồn lây. Điều này cho thấy mầm bệnh vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng.
Những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày thì có thể một ngày nào đó họ trở thành F0 hoặc chính chúng ta trở thành F0 gây lây nhiễm cho những người xung quanh. Do đó trong thời gian này khi tiếp xúc trực tiếp với một ai đó hãy xem họ như là một F0 để chúng ta thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh.
Sự tiếp xúc giữa con người và con người là điều cần thiết trong cuộc sống sinh hoạt nhưng trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần thay đổi những thói quen trước đây. Cần hình thành những thói quen mới để cùng nhau ứng phó với dịch bệnh. Nếu vi rút lây nhiễm tới bạn và nếu bạn không tiếp xúc với người khác thì con đường lây nhiễm của vi rút sẽ dừng lại.
Trước khi chúng ta có vắc xin để giải quyết căn cơ Covid-19, thì việc hạn chế tiếp xúc là vũ khí rất quan trọng. Đó là lý do vì sao thành phố phải áp dụng biện pháp giãn cách nhằm hạn chế các tiếp xúc xã hội không cần thiết. Thông điệp 5K của Bộ Y tế vẫn luôn đúng cho đến bây giờ.
Hạn chế tiếp xúc không cần thiết và tuân thủ triệt để thông điệp 5K
Nếu chúng ta không tuân thủ đúng các quy định giãn cách xã hội, không hạn chế tiếp xúc để kiểm soát được dịch bệnh thì từ Chỉ thị 15 sang Chỉ thị 16 là chuyện sớm muộn. Và điều này sẽ ảnh hường rất lớn đến nền kinh tế của Thành phố và của cả nước. Đây là điều không ai trong chúng ta mong muốn vì chúng ta vẫn đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh để duy trì sự ổn định của nền kinh tế.
Vậy mỗi người chúng ta cần làm gì? Chỉ thị 15 không cấm việc tiếp xúc với hàng xóm, láng giềng nhưng giai đoạn hiện nay vì sự an toàn cho bản thân và người xung quanh chúng ta cần tránh. Nếu có tiếp xúc hãy nhớ 5K: Khẩu trang – Khoảng cách. Hiện nay các phương tiện kỹ thuật có thể giúp chúng ta trò chuyện mà không cần thiết phải tiếp xúc trực tiếp. Tập thói quen và suy nghĩ mới về việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc trực tiếp chính là tình cảm, sự quan tâm, lo lắng cho người đối diện.
Chỉ thị 15 chỉ cấm việc tụ tập nơi công cộng không. Nhưng để an toàn mỗi người chúng ta cũng không nên tụ tập trong nhà, tại cơ quan. Những buổi tiệc, bữa ăn tề tựu trong gia đình, giữa những đồng nghiệp không nên tổ chức.
Trong công việc hãy để nơi làm việc thông thoáng khí nếu có thể, mở quạt thay vì mở máy lạnh. Khi trao đổi công việc trực tiếp thì nhớ tới khẩu trang, khoảng cách. Chuyển đổi các cuộc họp, trao đổi trực tiếp thành gián tiếp nhờ phương tiện kỹ thuật. Các buổi ăn trưa cũng nên ăn riêng. Thường xuyên rửa tay khi sờ chạm vào các bề mặt tiếp xúc.
Khi đi siêu thị, đi chợ cũng nhớ tới 5K, đeo khẩu trang suốt quá trình, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách với người khác và với người bán hàng. Nếu đặt hàng online thì nên chọn phương thức thanh toán online. Khi nhận hàng và trả tiền cũng nhớ đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách, tránh tiếp xúc gần với người giao hàng. Khi nhận hàng thì vào nhà nhớ rửa tay ngay.