TP HCM: Khảo sát sự hài lòng của người dân nhằm cải thiện và khắc phục hồ sơ trễ hạn
TP HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước, qua đó nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (Ảnh: Lưu Thu Phương) |
Tinh gọn thủ tục hành chính
Có thể nhận thấy, trong những năm qua, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử đã làm giảm đi sự cồng kềnh trước đây của các thủ tục cũ, giúp người dân, chính quyền tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo UBND TP HCM, tính đến nay, tổng dịch vụ công trực tuyến là 668/1.786 thủ tục hành chính (gọi tắt là TTHC). Trong đó, mức độ 3 là 433 thủ tục, mức độ 4 là 235 thủ tục. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử cũng được áp dụng ở hầu hết các cơ quan công quyền trên địa bàn. Theo đó, TP đã có chỉ đạo khẩn tới các sở, ngành, UBND 24 quận/huyện về việc tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích.
Việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân có nhu cầu xử lý hồ sơ nhưng không phải đi lại nhiều lần, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp. Không chỉ vậy, dịch vụ công trực tuyến còn mang lại nhiều lợi ích như minh bạch, công khai trong giải quyết TTHC, giảm tải được lượng giấy phải sử dụng khi làm hồ sơ, tiết kiệm được chi phí lưu trữ.
Ngoài ra, khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến cũng giúp cán bộ, người đứng đầu cơ quan dành sự quan tâm, đầu tư kinh phí đúng mức để áp dụng công nghệ hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân trong thời đại công nghệ số.
Xác định lợi ích đó, để công tác giải quyết hồ sơ, thủ tục theo hình thức dịch vụ công trực tuyến đạt hiệu quả cao hơn, UBND TP HCM yêu cầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo hoạt động cải cách hành chính (CCHC); Tổ chức các phong trào thi đua, cải tiến trong CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cá nhân, doanh nghiệp; Xây dựng giải pháp đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, khung pháp lý cho thanh toán điện tử. Đồng thời, TP khuyến khích tuyên truyền người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến hoặc sử dụng dịch vụ công đã được xã hội hóa.
Hằng năm, TP đều tổ chức sơ kết, tổng kết xây dựng chương trình CCHC cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai công tác CCHC nhằm động viên các phong trào, sáng kiến, cải tiến trong CCHC để phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Đặc biệt, song song với đó, TP HCM cũng đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp để lấy ý kiến khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Từ kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của tổ chức và công dân, những người đứng đầu mỗi cơ quan căn cứ vào đó để chấn chỉnh lại những mặt còn tồn tại, hạn chế, từ đó cải thiện và khắc phục hồ sơ trễ hạn.
Cụ thể hóa điều này, TP HCM vẫn đang duy trì khảo sát sự hài lòng trên hệ thống www.danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn.
Những con số nói lên “sự hài lòng”
Theo UBND TP HCM, chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính được tính chung cho 26 tiêu chí đánh giá. Tính trên toàn địa bàn TP, chỉ số hài lòng người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính là 82,33%, đạt mục tiêu theo Chương trình tổng thể của TP (trên 80% hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính).
Cùng với đó, TP HCM ban hành Kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Trên cơ sở đó, TP đã xây dựng trên 7 trục nội dung chính, được cụ thể thành 26 tiêu chí cho lĩnh vực y tế và 29 tiêu chí lĩnh vực giáo dục. Kết quả, cả 2 lĩnh vực đều ghi nhận được sự hài lòng đáng kể của người dân.
Ngoài ra, UBND TP HCM cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông triển khai “Đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công” cho kết quả hài lòng trên 80% và “Đánh giá thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức” qua các thiết bị đánh giá hài lòng (Kiosk, Tablet) đặt tại các đơn vị, cho tỷ lệ hài lòng là 99%.
Kết quả đánh giá chỉ số CCHC và khảo sát sự hài lòng đối với sự phục vụ hành chính vào các năm 2018, 2019 của các sở, ngành cũng như tại 24 UBND quận/huyện đã ghi nhận được nhiều tích cực (đa số đều đạt từ 80 điểm trên thang điểm 100).
Bên cạnh đó, TP HCM thực hiện Chương trình phối hợp giám sát tinh thần, thái độ, trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ VN) TP HCM đã khảo sát việc phối hợp tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện quy trình cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đối với TTHC thuộc lĩnh vực hộ tịch đối với 4 cơ quan UBMTTQ VN cấp xã; Đồng thời, thực hiện khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính và hệ thống chính trị tại 20 sở, ban, ngành, 24 UBND quận, huyện và 105 UBND cấp xã.
Từ những nỗ lực trên, tình hình kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP sau khi tiến hành CCHC cũng ghi nhận nhiều kết quả đáng lưu ý.
Theo đó, thống kê của UBND TP HCM cho biết, từ năm 2015 đến năm 2019, các sở, ban, ngành TP có tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn mỗi năm đạt từ 97,52% đến 99,93%. Đối với UBND các quận, huyện, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn mỗi năm đạt từ 98,16% đến 99,92%. Đối với UBND phường, xã, thị trấn tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn mỗi năm đạt từ 99,97% đến 99,99% (theo số liệu của năm 2015 và từ năm 2017 đến 2018).
Từ những kết quả đạt được cho thấy, thực hiện khảo sát ý kiến, mức độ hài lòng của người dân là việc làm hết sức quan trọng trong công tác CCHC. Bởi chỉ có vậy, chính quyền mới có thể nắm bắt được mong muốn của người dân để có thể thay đổi và đáp ứng cho phù hợp. Khi đã xây dựng thành công sự thấu hiểu, hòa hợp giữa 2 bên thì mọi việc sẽ được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng hơn, giảm tải tối đa tình trạng trễ hẹn do những thủ tục cồng kềnh cũ trước đây.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020 |