Trải lòng của ông Đoàn Văn Vươn và những ngày không đầu hàng số phận (Kỳ 1)
Trải lòng của ông Đoàn Văn Vươn và những ngày không đầu hàng số phận
Tiên lượng đắp thành công khu đầm này sẽ mất 10 năm
Một lần tình cờ, tôi được biết tới đặc sản vịt Đoàn Văn Vươn và câu chuyện khởi nghiệp của ông sau khi ra tù, về thương hiệu nông sản sạch mà ông đang gây dựng. Tôi đã gọi điện xin phép ông thực hiện cuộc trò chuyện, không phải để đào bới lại quá khứ 4 năm trước mà muốn hiểu hơn một con người chưa bao giờ đầu hàng số phận, luôn vươn lên đầy khát vọng như chính cái tên của mình...
- PV: Tôi vẫn hình dung, trước khi câu chuyện cưỡng chế đất đai của ông xảy ra ở xã Quang Vinh, Tiên Lãng, Hải Phòng 4 năm trước, ông đã chọn cho mình một cuộc sống rất bình thường: Cuộc sống của một người nông dân dành cả cuộc đời để quai đê, lấn biển, nuôi chí làm giàu.
Nhưng rồi chỉ sau một đêm, ông bỗng nhiên trở thành người mà truyền thông cả nước nhắc tới, nhân dân cả nước biết mặt. Ông có bao giờ nghĩ sẽ có một ngày, tên của mình được biết đến theo một cách vô cùng đặc biệt như vậy không?
- Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi có bao giờ nghĩ và muốn mình sẽ trở thành một người nông dân bị đe dọa cướp đi toàn bộ công sức đời mình hay trở thành một tù nhân mang tội giết người hay không ư? Tôi có thể trả lời chắc chắn là không! Vì tôi vốn chỉ là người nông dân có đam mê và có nguyên tắc của riêng mình.
Tôi có bằng kỹ sư nông nghiệp, nhưng không phải để đi làm cán bộ Nhà nước như suy nghĩ của đại đa số mọi người thời đó. Tôi học vì nghĩ dù là nông dân thì cũng cần có kiến thức. Nó sẽ giúp tôi làm giàu trên mảnh đất của mình, từ hai bàn tay của mình.
Nhưng cuối cùng, cuộc đời tôi đã có những thăng trầm. Tôi trở thành kẻ chống đối lại chính quyền, thành kẻ giết người, kẻ tù tội. Tôi đã bị đẩy ra khỏi mảnh đất của mình, để đến nỗi không còn lựa chọn nào khác... Gọi là tai nạn cũng được, gọi là số phận cũng không sai, dù không lường được những việc đó, tôi vẫn chấp nhận nó một cách bình thản và không oán hận.
Ông Đoàn Văn Vươn chia sẻ với phóng viên
- Ông có thể kể về hành trình ông đến với khu đầm ở Cống Rộc?
- Vào những năm 1988 - 1989, gia đình tôi ra xã Vinh Quang của Tiên Lãng để nuôi vịt và đánh bắt hải sản. Xã Vinh Quang rất nghèo. Cả vùng đất bị nhiễm mặn, không trồng trọt được gì. Cứ mỗi mùa bão đến, người dân lại bỏ làng, bỏ xã đi. Tôi luôn khao khát làm những việc mạo hiểm, những việc mà người khác không muốn làm, không dám làm và không tin có thể làm được. Tôi biết tôi muốn chinh phục vùng đất này!
Năm 1992, khi chuẩn bị tốt nghiệp, thay vì làm bài thi như sinh viên tại chức thông thường, tôi xin phép được làm đồ án tốt nghiệp về đề tài: “Khảo sát vùng bãi triều Vinh Quang – Tiên Lãng”. Ban giám hiệu nhà trường đã đồng ý cho tôi là một ngoại lệ.
Thật tình cờ và may mắn, chồng của giáo viên hướng dẫn luận án cho tôi là người đã nghiên cứu về vùng bãi triều Vinh Quang. Nhờ đó tôi biết, việc người Pháp tác động, thay đổi dòng chảy nhiều năm trước đã làm cả vùng Vinh Quang bị xâm thực sâu 4km khiến dân làng bỏ chạy 3 lần trong 70 năm.
Sau khi hiểu ra nguyên nhân, tôi nghĩ câu trả lời duy nhất chỉ có thể là thay đổi, điều chỉnh lại dòng chảy, bồi đắp lại vùng đất đã bị xâm thực. Lúc tôi xin quai đê, lấn biển, Phòng Nông nghiệp huyện cho tôi là gàn dở.
Họ nói đó là vùng đất không thể cải tạo và từ chối tiếp tôi vì nghĩ tôi có vấn đề về thần kinh. Tôi đến tận nhà ông Trần Đình Sắc trưởng phòng, thuyết phục ông ấy bằng kiến thức của mình. Ông ấy hỏi tôi có tiền không? Tôi nói có. Thế là ông ấy đồng ý.
Tôi bắt đầu đắp bờ để làm đầm từ năm 1994. Nhưng mỗi lần làm là một lần bị sóng biển phá tan. Mỗi lần thất bại là một lần tay trắng. Sau 3 năm, tôi hiểu mình không thể vội vàng. Vì tôi luôn tiên lượng để đắp thành công khu đầm này, tôi sẽ mất 10 năm.
Tôi luôn tin, sau khi làm thay đổi dòng chảy, đắp thành công khu đầm, tôi sẽ kiếm được tiền từ đó. Như một người trồng cây lâu năm, tôi chấp nhận khó khăn, kiên nhẫn chờ ngày hái quả.
Tôi tìm cách trồng rừng cây ven biển để chắn sóng. Đến năm 2001, sau gần 8 năm, tôi đã có cả một khu rừng, giảm được 2/3 lực sóng đánh vào, sớm hơn 2 năm so với dự đoán của tôi. Năm 2003, khu đầm của tôi bắt đầu cho lợi nhuận.
Ông Vươn nuôi vịt trên khu đầm của mình
Tôi dành tiền thu được để tái đầu tư và để trả nợ những người đã giúp tôi trong suốt chục năm trước đó. Nhưng chỉ vài năm sau khi khu đầm bắt đầu có lãi, huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi lại toàn bộ diện tích đầm đã cấp cho tôi và nhiều người dân khác trong vùng. Thế nghĩa là tôi sẽ mất trắng đấy!
Hy sinh quá nhiều cho khu đầm
- Cảm giác của ông khi đó thế nào?
- Mỗi ngày tôi đều hình dung ra cảnh tôi sẽ mất khu đầm này và không thể giải được bài toán: Vợ con tôi sẽ làm gì, gia đình em tôi – người đã sát cánh cùng tôi đầu tư vào đầm tôm này sẽ sống thế nào, khi bao nhiêu tài sản, vốn liếng, cả mảnh đất để ở, tôi cũng bán sạch để đầu tư vào đây.
Con gái tôi cũng chết đuối ở khu đầm này khi còn nhỏ, chỉ bởi vì vợ chồng tôi quần quật làm ngoài đồng mà không có thời gian chăm sóc con cái. Tôi thực sự đã hy sinh cho nơi này quá nhiều!
Tôi cũng sẽ có tội với những người đã tin tưởng tôi mà cho tôi vay tiền làm ăn. Tôi nói với vợ tôi: “Nếu mình mất khu đầm này, nếu chúng mình trắng tay, thì anh sẽ hộc máu chết. Khi đó em hãy lùi lại phía sau nuôi dạy con cái, giúp anh chăm sóc mẹ già”.
- Đó là lý do khiến ông có hành động chống trả quyết liệt?
- Thật ra tôi đã kiên trì đấu tranh suốt từ năm 2007. Những người nông dân bị UBND huyện thu hồi đất như tôi đã tập hợp nhau lại, thành lập Liên Chi hội Thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng. Họ bầu tôi làm chủ tịch hội. Xin đừng nghĩ tôi là người tiêu cực! Tôi quan niệm, mình làm việc gì, dù cả việc đấu tranh thì cũng cần có kiến thức.
Việc đầu tiên tôi làm là đi nghiên cứu về luật đất đai. Từ đó tôi hiểu mình đúng và huyện Tiên Lãng sai. Thứ nhất, đất của tôi là đất nông nghiệp cấp 20 năm, nhưng huyện Tiên chỉ cấp cho tôi 14 năm.
Thứ hai, sau khi hết thời hạn giao đất, tôi được tiếp tục giao đất, thuê đất, trừ khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất: Vì mục đích an ninh - quốc phòng. Vì người sử dụng hủy hoại đất đai. Vì người sử dụng đất chết không có người thừa kế hoặc không có nhu cầu. Tôi không hề nằm trong bất cứ trường hợp nào nêu trên.
Tôi đã đưa đơn kiện suốt nhiều năm trời, luôn hy vọng công lý sẽ chiến thắng. Tòa đã yêu cầu hai bên làm một văn bản thỏa thuận: Tôi rút đơn và UBND huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục giao đất cho tôi. Nhưng cuối cùng, huyện Tiên Lãng vẫn yêu cầu tôi "tình nguyện giao lại đất".
Đến thời điểm mà tôi bị cưỡng chế, tôi như người đã bị dồn vào đường cùng, chỉ còn biết chọn cách tiêu cực nhất để đứng lên phản kháng. Kết quả, cả tôi, UBND huyện Tiên Lãng, và cả những người đi cưỡng chế đất trong vụ án năm đó đều phải chịu mất mát theo một cách khác nhau.
Vì khu đầm này mà ông Vươn đã hi sinh quá nhiều
- Khi ấy, dù được dư luận và truyền thông ủng hộ, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã lên tiếng, nhưng ông và em trai (Đoàn Văn Quý) vẫn bị đưa ra toà với tội danh "Giết người". Án tù 5 năm có làm ông bất mãn hay tuyệt vọng không?
- Tôi hiểu đó là cái giá phải trả, là chuyện không thể tránh khỏi nên cố gắng đối diện với nó bình thản nhất có thể, không một lời than trách.
Thật ra, tôi mất hết tất cả sau vụ cưỡng chế đó. Nhà cửa bị phá, tôm cá trong đầm bị người khác đến đánh bắt, hai anh em tôi đi tù. Vợ và em dâu tôi phải gánh vác hết công việc nặng nhọc ngoài đầm, những việc mà xưa kia những người đàn bà trong gia đình tôi không phải làm.
Nhưng may mắn cho chúng tôi, họ là những người mạnh mẽ. Khi những người đàn ông ở tù, những người đàn bà ở ngoài lo toan tất cả, thậm chí còn xây được một ngôi nhà mới chờ anh em chúng tôi về. Vợ tôi chưa một lần hé một lời kêu than trong những lần đến trại giam thăm chồng. Tôi luôn nghĩ mình phải cảm ơn những người đàn bà trong gia đình tôi về việc đó.
Tôi nhớ một ngày khi đến phòng cung, tôi được các cán bộ điều tra thông báo Thủ tướng đã ký quyết định thu hồi lại các quyết định sai của UBND huyện Tiên Lãng. Đó là giữa tháng 2/2013. Biết được đất đai của mình được giữ lại, công lý được thực thi, tôi nghẹn ngào và hạnh phúc lắm.
Không chỉ tôi, những người dân đã bị mất đất và có nguy cơ bị mất đất vì quyết định của UBND huyện Tiên Lãng trước đó cũng thế. Đất còn! Người còn! Tôi sẽ làm lại được! Vì thế tôi lạc quan và thanh thản...
Kỳ sau: Tất cả chúng tôi đều nhìn nhau thiện chí, không oán hận, không thù hằn, cùng động viên nhau trong tương lai
Tô Lan Hương