Trạm thu phí được trả lại tên và phép thử cho bài toán giao thông
Trả lại tên cho "trạm thu phí"
Bài liên quan
Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng
Kiểm soát chặt hoạt động thu phí BOT trên cả nước
Trạm thu phí BOT: Quan trọng là đặt đúng vị trí
Vấn đề thu phí các trạm BOT làm "nóng" nghị trường Quốc hội
Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố Dự thảo Thông tư mới, nhằm thay thế Thông tư 49/2016 “Quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ”. Dự thảo Thông tư mới được đưa ra lấy ý kiến công khai đến hết tháng 10/2019, sau đó sẽ được Bộ trưởng phê duyệt. Điểm nổi bật trong Dự thảo Thông tư mới là cụm từ trớ trêu đến mức ngây ngô là “trạm thu tiền” được chỉnh sửa lại nguyên gốc “trạm thu phí”. Cụ thể, “trạm thu phí” được định nghĩa “là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”.
Cái tên “trạm thu giá” đã từng gây sửng sốt cho cộng đồng một thời gian dài... |
Việc trả lại tên cho “trạm thu phí” là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ ngành giao thông đã biết cách chui ra khỏi mớ bòng bong do chính các ý tưởng quái dị của họ tạo ra. Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư 35/2016/TT-BGTVT, đổi tên "phí sử dụng đường bộ" thành "giá dịch vụ sử dụng đường bộ", khiến hàng loạt “trạm thu phí” đổi thành “trạm thu giá” gây sửng sốt cho cộng đồng. Sau nhiều ý kiến gay gắt, tại diễn đàn Quốc hội tháng 6/2018 thì Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã bày tỏ thiện chí "xin tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội và sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉnh sửa tên trạm thu phí thành một tên khác phù hợp". Ngay lập tức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phản ứng: "Không việc gì phải nghiên cứu hay trình gì nữa, cứ đưa về tên cũ “trạm thu phí” là ổn, "trạm thu phí" là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. Nếu Bộ Giao thông Vận tải cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết". Không ngờ, đến tháng 5/2019, Bộ Giao thông Vận tải lại nảy sinh sáng kiến bất ngờ là đề xuất tên gọi “trạm thu tiền”. Quái lạ, đặt một cái trạm giữa đường, không thu tiền thì thu… gì? Chắc cũng thấy “trạm thu tiền” hơi ngớ ngẩn, nên “trạm thu phí” được trưng dựng trở lại một cách ngon lành!
Dự thảo Thông tư mới của Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định rõ hơn về quy trình đặt trạm thu phí. Thứ nhất, vị trí trạm thu phí phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của nhà nước; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư. Thứ hai, đối với các trạm thu phí thu theo hình thức thu hở, vị trí trạm thu phí phải được công khai cho chính quyền cấp quân (huyện) và nhân dân địa phương trong thời gian 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm thu phí. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức công bố công khai vị trí trạm thu phí tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận (huyện), phường (xã) nơi dự kiến đặt trạm thu phí. Thứ ba, đối với quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trạm thu phí. Thứ tư, đối với đường địa phương đấu nối vào quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp đường địa phương không đấu nối vào quốc lộ, vị trí trạm thu phí do cấp quyết định đầu tư chấp thuận sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận.
Cũng từng có sáng kiến bất ngờ với đề xuất chuyển tên gọi thành “trạm thu tiền” |
Trạm thu phí hiện nay đã mọc lên khắp cả nước, nên bức xúc về trạm thu phí không còn là chuyện xa lạ với bất kỳ địa phương nào. Ông Đặng Ngọc Nghĩa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, yêu cầu: “Trước hết làm thế nào xác định được công trình BOT phải đúng với thiết kế, đúng với vốn đầu tư. Một số trạm giao thông thời gian qua chưa phù hợp lắm, dù người dân không sử dụng con đường ấy, hoặc chỉ sử dụng một đoạn mà phải đóng phí trên toàn tuyến thì rõ ràng là bất hợp lý. Bên cạnh đó phải công khai, minh bạch thì dân sẽ đồng thuận. Thu phí tuyến BOT nào, thì đặt trạm thu phí ngay trên tuyến đó. Ngoài ra, việc xây dựng phần mềm giám sát thu giá BOT tập trung để ngăn chặn gian lận cũng hết sức quan trọng”. Còn bà Lý Tiết Hạnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, khuyến cáo: “Đối với lĩnh vực giao thông dứt khoát không nên để vào tình trạng độc đạo, bắt người dân phải đóng phí một cách miễn cưỡng và duy nhất chỉ có một con đường, không còn con đường nào khác để lựa chọn đi qua. Chúng ta phải có giải pháp để cho người dân được quyền lựa chọn các dịch vụ mà Nhà nước mang lại. Khi người ta quyết định sử dụng dịch vụ đó thì đương nhiên người ta phải bỏ tiền ra để trả cho dịch vụ đó. Cần sớm triển khai chính sách về việc thu phí tự động và công khai minh bạch hóa tất cả chính sách miễn giảm đối với người dân sống xung quanh trạm thu phí!”.
Trạm thu phí là một điểm nóng cần giải quyết rốt ráo, nhưng ngành giao thông cũng còn nhiều việc phải quan tâm hơn nữa. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 8/2019 vừa qua, bà Nguyễn Thanh Thủy - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã nêu câu hỏi khá thú vị cho tư lệnh ngành giao thông vận tải: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết có nên thực hiện mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt không? Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?". Có lẽ cũng có sự đồng cảm nhất định, ông Nguyễn Văn Thể đã trả lời rất hào hứng: “Trước tiên tôi rất hoan nghênh sáng kiến đại biểu Thủy và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Chúng tôi nghĩ đề xuất này là một trong những đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nếu lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong, thì chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm thí điểm. Sau khi thí điểm ở tỉnh Hậu Giang chủ tịch đi xe máy, cán bộ đi xe đạp và các đồng chí cán bộ trung ương đến địa bàn Hậu Giang xe buýt đưa đi mà tốt, thì chúng tôi nghiên cứu nhân rộng ra chứ không áp dụng đại trà ngay!”.
Cần sớm triển khai chính sách về việc thu phí tự động và công khai minh bạch hóa tất cả chính sách miễn giảm đối với người dân sống xung quanh trạm thu phí! |
Ai cũng biết, thực trạng giao thông đang tồn tại nhiều bất cập. Không chỉ hạ tầng giao thông xuống cấp, mà ách tắc giao thông cũng thành vấn nạn ở các đô thị. Băn khoăn của Đại biểu Quốc hội - Nguyễn Thanh Thủy giống như một phép thử cho bài toán giao thông, vừa đặt ra vai trò làm gương của người đứng đầu các cấp về thực hành tiết kiệm, vừa đặt ra yêu cầu phải sâu sát hơn và quyết liệt hơn về cải thiện các chiến lược giao thông. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Thể lại dùng phương pháp bỏ qua câu chuyện chăm sóc cánh rừng để tập trung vào câu chuyện… cắt tỉa cây xanh. Chọn tỉnh Hậu Giang để thí điểm cũng chưa hẳn cần thiết, vì trên thực tế tỉnh Đồng Tháp nhiều năm nay đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh đi làm bằng xe máy. Như ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Thời tiết mát mẻ thì đi xe máy thích hơn. Khi đi xe máy giúp tôi dễ quan sát xung quanh. Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay!”
Điều cốt lõi của đề nghị lãnh đạo đi xe máy hoặc xe buýt, nằm ở việc nâng cao ý thức thấu hiểu đầy đủ tầm quan trọng của các quyết sách về giao thông đối với cuộc sống. Khi và chỉ khi, người có quyền định đoạt các chủ trương và các dự án cảm nhận trọn vẹn vui buồn của người bình thường mỗi ngày đi lại trên đường, thì những vướng mắc giao thông may ra mới được tháo gỡ hiệu quả.