Trào lưu trang điểm cho trẻ mẫu giáo tại Hàn Quốc
Bé gái Hàn quốc trang điểm như thiếu nữ. Ảnh: Washington Post
Bài liên quan
Hàn Quốc tham vọng xuất khẩu thành phố thông minh
Hàn Quốc: Số phận những người già chật vật mưu sinh
Chân dung nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới
Nền nhiệt cao nhất lịch sử tại xứ sở chuột túi
“Trang điểm khiến cháu trông xinh hơn”, cô bé 7 tuổi nói với Washington Post trong lần thứ hai đến spa làm đẹp của hãng mỹ phẩm ShuShu & Sassy tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Những đứa trẻ tự trang điểm
Ngành công nghiệp mỹ phẩm của Hàn Quốc, được gọi là K-beauty, đã thống trị châu Á và trở thành hiện tượng toàn cầu với các bước làm đẹp cầu kỳ và nghiêm ngặt.
Chính những chuẩn mực sắc đẹp này đã gây áp lực rất lớn đối với phụ nữ Hàn Quốc, biến quốc gia này trở thành một trong những trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ lớn của thế giới. Hiện tại, ngành công nghiệp làm đẹp đang nhắm vào những đối tượng khách hàng ngày càng nhỏ tuổi như Yang Hye Ji.
Giáo sư Yoon-Kim Ji-yeong, Viện Văn hóa và Cơ thể tại Đại học Konkuk của Seoul cho biết: “Nhân vật các nữ anh hùng hoạt hình mà các bé gái ngưỡng mộ được trang điểm từ đầu đến chân. Khi trang điểm và mặc váy để bắt chước các nhân vật, các bé đã tự định nghĩa thành công của một người phụ nữ gắn chặt với sắc đẹp của mình”.
Trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, không khó bắt gặp những quảng cáo mỹ phẩm nhắm vào khách hàng là các bé gái.
Một video trên YouTube về cô bé 7 tuổi đang đánh son với tiêu đề “Tôi muốn trang điểm như mẹ mình” đã thu hút 4,3 triệu lượt xem. Các video chia sẻ bí quyết trang điểm hay hướng dẫn các bé lựa chọn mỹ phẩm an toàn cũng được quan tâm theo dõi.
Không khó để tìm kiếm những spa làm đẹp cho trẻ em tại Hàn Quốc. Ảnh: Washington Post |
Mỹ phẩm ShuShu là công ty tiên phong trong quá trình tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ. Bắt đầu từ năm 2013, họ đã mở 19 cửa hàng khắp Hàn Quốc chuyên cung cấp các loại mỹ phẩm lành tính cho trẻ em, như sơn móng tay tan trong nước hay son môi không độc hại với các màu có thể ăn được. Thậm chí, họ còn tung ra sản phẩm hình dán khuyên tai, hình xăm, sữa rửa mặt, kem chống nắng, xà phòng và dầu gội sữa dê có in slogan: “Tôi không phải là em bé”.
Tại spa và thẩm mỹ viện, các bé gái từ 4 đến 10 tuổi có thể tận hưởng trải nghiệm spa với giá từ 25 đến 35 USD, bao gồm dịch vụ massage chân, đắp mặt nạ, trang điểm và làm móng.
Lee Hwa-jun, chuyên gia nghiên cứu ngành công nghiệp làm đẹp của Hàn Quốc cho biết, thị trường làm đẹp cho trẻ em đang ngày càng mở rộng khi trang điểm được quảng bá như một “văn hóa vui chơi mới”. Các công ty mỹ phẩm tại Hàn Quốc cũng ngày càng nhắm tới trẻ em như là đối tượng khách hàng tiềm năng.
Lee cũng cho biết các công ty khởi nghiệp nhỏ đang dẫn đầu xu thế này. "Các hãng mỹ phẩm lớn cũng bày tỏ sự quan tâm trong việc mở rộng khách hàng tới các cô gái trẻ nhưng họ đang cân nhắc cẩn thận những ưu nhược điểm vì việc nhắm mục tiêu vào trẻ em có thể gây ra phản ứng dữ dội", Lee nói.
Tuy nhiên, đây không phải là xu hướng chỉ xuất hiện ở Hàn Quốc. Nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới Kylie Jenner đã xây dựng đế chế mỹ phẩm trị giá ước tính 900 triệu USD chủ yếu nhắm vào các cô gái tuổi teen, trong khi các Vlogger làm đẹp trẻ em cũng rất phổ biến ở Mỹ và các nước khác.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trong nhiều thập kỷ qua, giới học giả đã tìm hiểu các tác động tới phụ nữ phương Tây khi bị đặt dưới áp lực các chuẩn mực ngoại hình vô lý. Giờ đây tại Hàn Quốc, áp lực này lan sang cả các bé gái còn chưa đọc được chữ in trên bao bì các sản phẩm làm đẹp.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Mintel, Hàn Quốc là quê hương của một trong 10 nền công nghiệp làm đẹp hàng đầu thế giới, với trị giá trên 10 tỷ USD. Chi tiêu cho mỹ phẩm bình quân đầu người tại Hàn Quốc là 45 USD trong năm 2017, cao hơn mức 37 USD tại Mỹ và trung bình toàn cầu là 21 USD.
Ngoài ra, đây cũng là nơi có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất thế giới. Theo thống kê, cứ một trong ba phụ nữ tuổi từ 19 đến 29 ở đất nước này từng trải qua phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt là tiểu phẫu cắt mí mắt. Xứ sở kim chi cũng là quốc gia có số lượng bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tính trên đầu người cao nhất thế giới, theo một nghiên cứu năm 2017 của Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Quốc tế.
Điều đó làm dấy lên những cuộc tranh cãi về giá trị cốt lõi trong xã hội Hàn Quốc như: Xã hội nên coi trọng ngoại hình đến mức nào? Liệu những thông điệp về tầm quan trọng của sắc đẹp có khiến các cô gái trẻ từ bỏ những khát vọng khác hay không? Liệu có đúng khi tạo thêm áp lực cho giới trẻ vốn đã chật vật với tuổi thơ học tập đầy căng thẳng và những kỳ thi quyết định?
Nghệ sĩ trang điểm tự do Seo Ga Ram tuyên bố rằng, cô sẽ từ chối toàn bộ yêu cầu trang điểm từ các khách hàng nhí. Cô viết trên trang Facebook cá nhân: “Tôi thấy mọi thứ đang bị đảo lộn theo cách quái quỷ nào đó khi đồ trang điểm ngày nay thay thế cho đồ chơi. Chúng ta hãy dừng sử dụng hình ảnh những em bé xuất hiện với môi son đỏ chót, tóc xoăn và gương mặt make-up quá đậm”.
Giáo sư Yoon-Kim của đại học Konkuk nhận xét thị trường mỹ phẩm Hàn Quốc đã trở nên quá bão hòa với sự cạnh tranh khách hàng khốc liệt giữa các hãng.
“Các bé gái sẽ sẽ là đối tượng khách hàng mới ít bị cạnh tranh. Do đó, các công ty mỹ phẩm sẽ tận dụng những mặc cảm về ngoại hình của họ để kiếm bộn tiền”, Yoon Kim nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông Kim Ju-duck, Giáo sư nghiên cứu sắc đẹp tại Đại học Sungshin Women ở Seoul thì, xu hướng này dường như không thể dừng lại. Các phương tiện truyền thông ngày càng sử dụng nhiều hình ảnh các cô gái trẻ trang điểm trong khi trẻ em ngày càng dễ tiếp cận mỹ phẩm.
Ông đã tiến hành khảo sát 288 em nhỏ ở một trường tiểu học vào năm 2016. Kết quả cho thấy, 42% số các em nhỏ trang điểm khi đi học. Tỷ lệ này hiện đã tăng lên. Một số bà mẹ còn tự hào khi thấy con gái thích làm đẹp.
Hai bé gái đang chơi đùa tại quán café PriPara Kids. Ảnh: Washington Post |
Tại quán cà phê PriPara Kids ở ngoại ô Seoul, các bé gái từ 4 - 9 tuổi có thể hóa trang thành nhân vật hoạt hình yêu thích, trang điểm nhẹ và tận hưởng spa. Các em có thể nhảy trên bạt lò xo, mua thức ăn trong khu vui chơi, sải bước trên sàn catwalk hay biểu diễn bài hát K-pop yêu thích trong phòng thu âm và nhảy trong phòng tập có gương.
Quản lý của quán, Moon Young-sook cho biết, PriPara mang đến một không gian vui chơi nơi trẻ em được thử làm đẹp và chải chuốt trong môi trường vô hại. “Các cô gái nhỏ thường thích nghịch đồ trang điểm của mẹ. Thay vì để chúng tô những thỏi son nặng nề đầy hóa chất, trò chơi trang điểm ở đây là cách an toàn hơn để hiện thực hóa ước mơ của các em”, Moon nói.
Xu hướng làm đẹp kiểu Hàn Quốc cũng đang trở nên phổ biến tại Mỹ. Tháng trước, nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez đã chia sẻ quá trình chăm sóc da của bà theo phong cách Hàn Quốc, gồm nhiều bước dưỡng da với một loạt mỹ phẩm khác nhau.