Triển lãm tranh “Đồng âm” tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam
"Khoái" gồm 3 họa sỹ tài năng: Đoàn Xuân Tùng, Nguyễn Trọng Minh và Nguyễn Mạnh Cường. “Khoái” hội tụ 3 cá tính nghệ thuật độc đáo với 3 phong cách khác biệt. “Để nghệ thuật xích lại gần công chúng” là tôn chỉ, là chất xúc tác để “Khoái” ra đời. “Khoái” mong muốn các “tác phẩm nghệ thuật chân chính” có hơi thở và đời sống thực sự, cộng thêm giá trị tinh thần và thẩm mỹ cho mọi không gian sống.
“Đồng âm” chính là màn ra mắt đầu tiên của nhóm với công chúng tại Không gian nghệ thuật B&C Maison d'Art (82G Thợ Nhuộm - Hà Nội).
Triển lãm giới thiệu 22 tác phẩm trên chất liệu sơn dầu hy vọng sẽ chạm đến góc sâu thẳm trong con tim mỗi người qua những tác phẩm đầy sáng tạo, chất lượng, mang đậm tính văn hóa đặc sắc, góp phần kết nối giữa kiến trúc và nghệ thuật đem lại những gía trị sống đúng nghĩa.
Tác phẩm Vũ điệu dân gian III - họa sĩ Nguyễn Trọng Minh |
"Đồng âm" không chỉ là một tên gọi mà còn là một thông điệp chung thể hiện sự đồng điệu trong tình yêu nghệ thuật. “Đồng âm” là sợi dây vĩnh cửu, biểu trưng một ngôn ngữ văn hóa chung, vượt qua sự khác biệt về không gian và thời gian.
Với các tác phẩm trưng bày lần này, nhóm "Khoái" mang đến cái nhìn sâu sắc về hình ảnh người phụ nữ, từ truyền thống đến hiện đại. Mỗi tác phẩm truyền tải thông điệp mạnh mẽ về vẻ đẹp, sự kiên cường và khả năng sáng tạo của người phụ nữ Việt Nam. Thời gian có đổi thay nhưng vẻ đẹp văn hóa, cốt cách dân tộc vẫn mãi tồn tại.
Tác phẩm Vũ điệu dân gian IV - họa sĩ Nguyễn Trọng Minh |
Đến với "Đồng âm", khán giả được đến với sự khám phá và tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời gợi nhớ về những hình ảnh quen thuộc của những người bà, người mẹ, người vợ… những người xứng đáng được trân trọng và yêu thương.
Họa sỹ Nguyễn Trọng Minh sinh năm 1982 tại Hưng Yên, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh đã tổ chức thành công 3 triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước
Hiện anh có tranh trong các bộ sưu tập cá nhân trong nước và nước ngoài.
Đến với triển lãm này, anh Trọng Minh tâm sự: “Trong chiều dài phát triển lịch sử trang phục dân tộc, hình ảnh tà áo dài duyên dáng, thướt tha từ lâu đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Bên cạnh đó, áo yếm cũng là trang phục truyền thống ngàn năm tuổi tôn lên nét đẹp phụ nữ Việt. Hình ảnh áo yếm xưa đã truyền cảm hứng cho tôi. Dù đã được cải tiến để phù hợp với cuộc sống hiện đại, áo yếm vẫn giữ được bản sắc dân tộc và sự tinh tế từ quá khứ.
Sự giao thoa giữa áo yếm và múa dân gian tạo nên một bản giao hưởng nghệ thuật, nơi nghệ sĩ là người thể hiện. Liên hệ giữa truyền thống và hiện tại không chỉ làm phong phú thêm văn hóa mà còn mở ra những góc nhìn mới về vẻ đẹp. Xưa và nay hòa quyện, mang đến cái nhìn mới về vẻ đẹp truyền thống. Trở thành nghệ sĩ là hành trình tìm kiếm chính mình và tôi đang trên con đường khám phá bản thân qua nghệ thuật”.
Tác phẩm Chân dung tiên - họa sĩ Đoàn Xuân Tùng |
Họa sỹ Đoàn Xuân Tùng sinh năm 1982 tại hưng Yên, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Thạc sĩ và Cử nhân Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng đạt 3 giải thưởng tại Triển lãm thường niên Khu vực I, Hà Nội và Liên hoan Mỹ thuật trẻ toàn quốc, Hà Nội các năm 2017, 2018 và 2020. Anh cũng đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước.
Tại “Đồng âm”, Đoàn Xuân Tùng chia sẻ: “Tôi muốn dẫn dắt người xem khám phá những xung đột giữa truyền thống và hiện đại, tìm kiếm những câu chuyện tưởng chừng đã bị thời gian chôn vùi. Qua đó, tôi tái tạo lại chúng bằng cách tập hợp những hình ảnh người phụ nữ từ kho tàng dân gian. Những hình ảnh của quá khứ không chỉ khơi dậy nhận thức về những điều bị lãng quên, mà còn mang đến một góc nhìn mới mẻ.
Tác phẩm Thiều Hoa - họa sĩ Nguyễn Mạnh Cường |
Việc sắp xếp lại những hình ảnh này theo một phương thức hiện đại hơn tạo ra sức sống mới, như một sự tái sinh, giúp truyền đạt hơi thở của quá khứ đến gần hơn với các thế hệ hiện tại và tương lai. Chúng ta không chỉ khôi phục những câu chuyện xưa cũ mà còn kết nối chúng với cuộc sống đương đại, làm cho di sản văn hóa trở nên sống động và ý nghĩa hơn bao giờ hết”.
Họa sỹ Nguyễn Mạnh Cường sinh năm 1983 tại Bắc Giang, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đạt nhiều thành tựu trong các cuộc triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm và đã có tranh trong các bộ sưu tập trong nước và nước ngoài.
Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Tôn vinh người phụ nữ - đề tài này, không mới nhưng vẫn mãi là câu chuyện sống động trong nghệ thuật. Tôi mong muốn thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua những cảm hứng sâu sắc và tâm tư chân thành. Cảm hứng cho loạt tranh này đến từ hình ảnh của phụ nữ trong lịch sử dân tộc. Trong suốt dòng chảy lịch sử, chúng ta đã sản sinh ra nhiều người phụ nữ tài sắc, mang đậm bản sắc văn hóa của từng vùng miền.
Tôi tự hào ngưỡng mộ vẻ đẹp và phẩm chất của họ. Dù có những hình mẫu đẹp ở nơi khác, tôi tin rằng phụ nữ Việt Nam không chỉ đẹp mà còn có những đóng góp vĩ đại cho đất nước, xứng đáng với những mỹ từ ca ngợi. Với chất liệu tổng hợp và sơn dầu, tôi lấy cảm hứng từ màu sắc dân gian quen thuộc. Dù không dễ để truyền tải hết vẻ đẹp và chiều sâu của người phụ nữ Việt Nam, tôi hy vọng các bức tranh sẽ gợi mở và ca ngợi bản sắc cao đẹp của họ”.