Trở về nơi nguồn sáng – Vinh danh người lao động xây dựng Việt Nam
|
Nhân dịp Kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975 * 30/4/2021) và Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng vừa sáng tác một ca khúc mới ngợi ca người lao động ngành Xây dựng Việt Nam; ca khúc có tựa đề TRỞ VỀ NƠI NGUỒN SÁNG. Phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Tào Khánh Hưng về nội dung ca khúc mới này.
Nhà báo Tào Khánh Hưng tác giả ca khúc Trở về nơi nguồn sáng |
+ Thưa Nhà báo Tào Khánh Hưng xin ông có thể cho bạn đọc Báo Tuổi trẻ Thủ đô biết ý tưởng về ca khúc Trở về nơi nguồn sáng được ra đời như thế nào?
Trở về nơi nguồn sáng là một ca khúc mới, khi tôi hồi tưởng nhớ lại những năm tháng làm việc trên công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình đó là những năm tám mươi của thế kỷ trước. Đồng thời đây cũng là dịp để vinh danh những người người lao động trong ngành Xây dựng Việt Nam; đặc biệt những cán bộ, công nhân tại Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam và các đơn vị thi công trên công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã làm nên một huyền thoại Sông Đà. Với khẩu hiệu nổi tiếng “Hỡi Sông Đà chúng ta chinh phục ngươi” như một lời tuyên bố thách thức đối mặt với dòng sông Đà hung dữ.
Chúng ta đã biết, ngày 6/11/1979, thuỷ điện Hoà Bình, một công trình vĩ đại của thế kỷ 20 được khởi công xây dựng. Dòng sông Đà hung dữ, bất trị bao đời đã bị chế ngự để hôm nay dòng điện vẫn từ đây tỏa sang khắp mọi miền đất nước.
Theo tiếng gọi Sông Đà, tôi đã có mặt tại công trường này từ năm 1982, trực tiếp làm việc tại các hạng mục công trình: Bãi lắp ráp, Đập tràn, Cửa nhận nước, Hầm gian máy … đã góp phần công sức của mình lắp đặt thành công 8 tổ máy nhà máy thủy điện Hòa Bình trong lòng núi đá.
Ca khúc Trở về nơi nguồn sáng cũng là món quà kính tặng những người lao động trong ngành Xây dựng Việt Nam, đặc biệt những cán bộ, công nhân Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, Xí nghiệp Liên hợp Lắp náy số 10 nay là Công ty cổ phần LILAMA 10 - Tổng công ty Lắp Máy Việt Nam .... cùng hơn 4 vạn cán bộ, công nhân lao động ngày ấy trên công trường đã làm nên một công trình kỳ vĩ của thế kỷ 20. Công trình ấy là tượng đài của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô (cũ) nay là Liên bang Nga mang lại giá trị kinh tế và tính nhân văn. Công trình khánh thành ngày 20 tháng 12 năm 1994. Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kilowatt giờ (KWh).
Trở về lại nơi đây, trong tôi cảm xúc ùa về với nhiều kỷ niệm buồn, vui thời trai trẻ cứ thế ùa về thành mạch thơ và giai điệu cho ca khúc.
“Tôi trở về với thành phố bên sông
Nơi gắn bó đời tôi thời trai trẻ
Nhớ thủa ấy biết bao nhiêu gian khó
Cùng bao người đắp đập ngăn sông”
Cán bộ, công nhân Xí nghiệp Liên hợp Lắp máy số 10 lắp đặt roto nhà máy Thủy điện Hòa Bình |
+ Nội dung phát triển âm nhạc trong ca khúc này được thể hiện như thế nào thưa ông?
Với ca từ mộc mạc, giàu tính chân thực, ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu; khúc thức được chia làm hai phần. Phần một đó là dòng tự sự của tác giả bồi hồi nhớ lại những năm tháng hào hùng thời trai trẻ đắp đập ngăn sông. Được chứng kiến những giây phút lịch sử quan trọng như ngăn sông Đà đợt 1, được tham gia trực tiếp làm việc trên nhiều hạng mục quan trọng trên công trình, lần lượt chứng kiến những giây phút phát điện hòa lưới điện quốc gai của các tổ máy.
“Nhớ công trường vang tiếng máy ngày đêm
Chặn dòng nước, tuốc bin reo như hát
Vất vả ngày đêm người thợ sông Đà
Vinh quang làm ra nguồn sang cho đời”
Phần hai (điệp khúc), được đẩy lên cao trào khẳng định thành quả lao động của những cán bộ, người lao động trên công trường thông qua hình ảnh: Sừng sững đập tràn, hồ nước mênh mông, nhiều tôm cá, miền ngược, miền xuôi ánh điện bừng sáng…
“ Sừng sững đập tràn hồ nước mênh mang
Xanh núi , xanh sông hồ đầy tôm cá
Miền ngược, miền xuôi sang bừng ánh điện
Hạnh phúc tự hào đất nước vào xuân”
Nhà máy thủy điện Hòa Bình các tổ máy cần mẫn chạy ngày đêm phát điện có công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt |
+ Ông có hài lòng về ca sĩ thể hiện nội dung bài hát?
Trước khi hát, ca sĩ trẻ Tường Lâm (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã xin gặp tôi, muốn nghe ý tưởng cảm xúc của Nhạc sĩ về bài hát mới này. Bạn ca sĩ này có giọng hát tốt với âm lượng dày, nhiều nội lực, cùng với tinh thần cầu thị, khiêm tốn học hỏi nên đã nắm hiểu được ý đồ của người viết, nhả câu từ đúng với ý tưởng tác giả gửi gắm. Bài hát có sức truyền cảm sâu lắng, lúc tự sự trầm, pha chút buồn suy tư, khi cao vút bay bổng thể hiện sự hào sảng tự hào... đã dẫn người nghe đến hết bài mà cứ tưởng chưa kết thúc. Khúc thức gọn, ca từ mộc mạc đủ ý, chân thực giàu cảm xúc cuốn hút người nghe.
Tôi tin ở em, tin tưởng ở giọng ca nội lực triển vọng này, ở sự trưởng thành của em trong nay mai. Thiết nghĩ Trở về nơi nguồn sáng sẽ được sẽ được nhiều người trong ngành Xây dựng yêu thích, nhất là các lớp thợ đã và đang xây dựng trên các công trình thủy điện.
+ Thưa ông, mảnh đất Hòa Bình đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm buồn, vui… ông nghĩ gì khi nhiều đồng đội của ông đã hy sinh vì nguồn sáng Sông Đà?
Để làm ra nguồn sáng cho đất nước đã biết bao nhiêu mồ hôi công sức, trí tuệ và máu xương của cán bộ và người lao động đã hy sinh. Thương tiếc 168 cán bộ, công nhân đã hy sinh (trong đó có 11 chuyên gia Liên Xô) mãi mãi nằm lại nơi đây, họ mãi mãi được vinh danh vì đã làm nên một huyền thoại sông Đà.
Trở về nơi nguồn sáng là những lời tri ân của chúng tôi như một nén hương lòng gửi tới các anh những đồng đội một thời gián khó. xin các anh yên nghỉ và sớm siêu thoát linh hồn. Đất nước và nhân dân cả nước luôn biết ơn sự hy sinh của các anh, máu của các anh đã thấm vào đất Mường và hoà vào sông Đà xanh chảy về hạ lưu tưới mát những cánh đồng làm nên những mùa màng bội thu. Mảnh đất Mường yêu dấu này đã ôm các anh vào lòng, hồ nước sông Đà mênh mang, gió rì rào nơi đập tràn thổi về ngày đêm ru các anh giấc ngủ ngàn thu.
+ Khi các tổ máy lắp đặt xong thì cũng là lúc lần lượt người thợ sông Đà lại ra đi đến công trình khác. Cảm nghĩ của ông về ngày trở lại ?
Công trình hoàn thành, 8 tổ máy đã được lắp đặt an toàn phát điện cũng là lúc người thợ nơi đây lần lượt dần chia tay để rồi lại bắt đầu cho một cuộc hành trình mới đến với công trình khác như: thuỷ điện sông Hinh, thuỷ điện Yaly, thuỷ điện Vĩnh Sơn, thuỷ điện Sơn La. Riêng tôi thì chuyển nghề sang làm báo chuyên nghiệp. Nhưng hình ảnh con người Hòa bình luôn thân thiện, trong họ đâu đó vẫn thấy thấp thoáng bóng em cô gái Mường duyên dáng, âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng vọng vào vách đá, bên nhà sàn vòng xòe cứ rộng mãi, rộng mãi... Và trong tôi công trường thủy điện Hòa Bình là cái nôi tôi phấn đấu rèn luyện, trưởng thành nên tôi có nhiều cảm xúc, tình cảm về mảnh đất và con người nới đây.
Một cái kết ngắn gọn và có hậu. Bời vừa nói được tình cảm của người đi xa, vừa nói được tình cảm của bà con các dân tộc Hòa Bình đón những đứa con đi xa trở lại thật nghĩa tình, nồng ấm.
"Hoà Bình ơi, sau năm tháng cách xa
Sông Đà xanh, suối tóc Mường em vẫn chảy
Bính boong tiếng cồng vòng xoè rộng mãi
Đón người về nồng ấm giữa yêu thương..."
+ Cảm ơn Nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thật cởi mở và ý nghĩa này. Kính chúc ông luôn khỏe, tâm huyết với nghề báo và cháy hết mình cho sự đam mê sáng tác nghệ thuật.