Trường THCS Nguyễn Tri Phương và hành trình giáo dục di sản ý nghĩa
Buổi học tập giáo dục di sản được tổ chức tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã để lại trong lòng thầy trò và các khách tham dự nhiều dấu ấn sâu đậm và cảm xúc về lễ chào cờ đầu tiên khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng.
Buổi lễ bắt đầu bằng phần diễu hành của các khối: Khối Hồng kì của đoàn quân nhạc, đội cựu chiến binh và hội phụ nữ quận Ba Đình, tập thể lớp 6A5 cùng với các bạn học sinh đến từ các trường THPT Phan Đình Phùng, THPT Phan Huy Chú, TH Phan Chu Trinh… tiến vào lễ đài trên nền nhạc hào hùng. Các học sinh vẫy cao cờ hoa và nở nụ cười tươi rạng. Lời giới thiệu của MC chương trình vang lên đầy tha thiết, tin yêu khiến các học sinh thêm phần tự hào.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường THCS Nguyễn Tri Phương bên thành Cửa Bắc được khai mở từ mùa thu năm 2014. Đến nay, ngôi trường đã đi được một hành trình và chạm tới mốc son đầu tiên đầy đáng nhớ: 10 năm thành lập - 10 năm xanh ngát một màu yêu thương.
Kiêu hãnh và đầy tự hào, trường THCS Nguyễn Tri Phương tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín của quận Ba Đình và Thủ đô.
Minh chứng rõ ràng nhất cho sự ghi nhận những đóng góp nỗ lực bền bỉ của cả đội ngũ là bằng khen danh giá Bộ GD&ĐT và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khen tặng nhà trường với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023”.
Đây cũng chính là một nguồn động lực mạnh mẽ để các con thêm tự hào về mái trường mình đang gắn bó, nhắc nhở bản thân cần có ý thức phấn đấu trong học tập và rèn luyện để xứng danh tên người anh hùng Nguyễn Tri Phương và để phát huy những giá trị quý báu mà cha ông để để lại.
Tiếp nối màn diễu hành, các con về vị trí tập trung trên sân Đoan Môn và tham gia lễ chào cờ - tái hiện lại không gian lịch sử của lễ chào cờ đầu tiên trong ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Tất cả cùng hướng mắt nhìn về lá cờ Tổ quốc đang tung bay trên cột cờ Hà Nội cùng hát vang bài “Quốc ca” rất đỗi hào hùng.
Đã 69 năm trôi qua nhưng ký ức vẫn như còn nguyên vẹn trong mỗi người dân, mỗi nhân chứng lịch sử, và âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới những thế hệ mai sau.
Sau buổi lễ, cô trò tập thể lớp tiếp tục đi tham quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long qua sự hướng dẫn nhiệt tình của các cô chú hướng dẫn viên. Các con chăm chú lắng nghe và quan sát hăng say như những hoạt động học tập được tổ chức trong một giờ lịch sử địa phương đầy bổ ích.
Chương trình “Tái hiện lễ chào cờ lịch sử năm 1954” là hoạt động giáo dục mang lại nhiều giá trị cao đẹp: vừa thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 - 10/10/2024, vừa cung cấp cho các học sinh những kiến thức lịch sử của Thăng Long - Hà Nội gắn với sự trải nghiệm thực tế tại khu di tích có bề dầy lịch sử nghìn năm.
Đó cũng chính là con đường từng bước đưa học sinh tiếp cận di sản, để thế hệ trẻ có tình yêu và đam mê tìm hiểu truyền thống lịch sử quý báu của cha ông.
Chính bởi vậy, giáo dục di sản là một cách thức để góp phần bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ tương lai. Thông qua chương trình, mối liên kết giữa di sản với nhà trường sẽ được tăng cường, mối liên kết giữa di sản với gia đình sẽ thêm thắt chặt, từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng trong việc gìn giữ, bảo tồn những di sản quý giá của dân tộc.
Ngày thứ hai đầu tuần của tập thể lớp 6A5 đã diễn ra đầy ý nghĩa như thế. Mong rằng những hoạt động bổ ích này sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa.