Truyền thống cách mạng như gió sông Hồng thổi mãi
Những sản phẩm OCOP mang đậm giá trị văn hóa truyền thống |
Là Kinh đô nhiều đời, Thăng Long trải qua biết bao lần binh đao, khói lửa. Với phương châm giữ sự an toàn của người dân là trên hết, bao lần nơi đây “vườn không nhà trống” để bảo toàn lực lượng. Bởi những lần ra đi ấy mà biết bao lần chúng ta ca khúc khải hoàn trong nước mắt, trong nụ cười.
Vì nhiều lần chịu sự tàn phá của vó ngựa ngoại xâm nên có thể những lâu đài thành quách không còn nhiều dấu ấn nhưng giá trị phi vật thể của người Thăng Long còn mãi. Đó là nền văn hiến có bề dày cả ngàn năm. Đó là tinh thần chiến đấu quật cường, không lùi bước trước bất kể kẻ thù nguy hiểm, hùng mạnh đến cỡ nào. Đó là phản ứng sẵn sàng đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Có lẽ bởi thế chăng mà trời thu Hà Nội luôn mang một màu xanh hi vọng. Màu xanh ấy bắt nguồn từ cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất. Màu xanh ấy mênh mông nắng thu Ba Đình, nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước của dân, vì dân.
Tinh thần chiến đấu bảo vệ Thủ đô vẫn bền bỉ như gió sông Hồng ngàn năm thổi mãi |
Trong những ngày thu ấy, khí thế cách mạng vẫn còn sục sôi khi nhà nước non trẻ được thành lập, người dân Hà Nội bừng bừng nhiệt huyết đóng góp công góp của xây dựng các Tuần lễ vàng, Quỹ Độc lập nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho ngân sách quốc gia. Những ngày hòa bình chưa được bao lâu, Hà Nội tiêu thổ kháng chiến, người Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến đấu đến giây phút cuối cùng trong “mùa đông năm 46” rồi rút qua cầu Long Biên bắt đầu Toàn quốc kháng chiến.
Từ đấy, 9 năm gian khổ cho đến ngày 10/10/1954, đoàn quân mới lại kéo về Giải phóng Thủ đô trong tiếng reo vui náo nức tưng bừng. Giai đoạn này, nhiều người nhớ đến khúc ca “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Tác phẩm như một bản tổng ca về những khúc bi tráng, trầm hùng và cả hào hùng, oanh liệt của Hà Nội.
Về ca khúc “Người Hà Nội”, Nguyễn Đình Thi viết khi mới 23 tuổi (năm 1947). Sinh thời, ông từng bộc bạch: "Bài hát Người Hà Nội tôi viết vào dịp gần Tết năm 1947, khi đang làm báo Cứu quốc của mặt trận Hà Nội. Trong ngôi nhà tôi ở làng Khuê Thủy (bên bờ sông Nhuệ - Hà Đông - Hà Tây cũ) có một chiếc đàn piano của đồng bào tản cư bỏ lại vì bị hỏng.
Tôi ở đấy và hàng ngày Hà Nội vẫn đang chiến đấu nên có ý làm một bài hát về Hà Nội. Một buổi tối, tôi ngồi vào đàn, gõ mổ cò mấy nốt nhạc. Tự nhiên trong đầu tôi vọng lên những nhịp pháp gần, những tiếng súng... Tứ nhạc cứ thế hiện ra.
Cảnh đầu tiên là: "Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội hồng ầm ầm run, Hà Nội vùng đứng lên..." rồi nhớ Hà Nội có: "Hà Nội đẹp sao, Hà Nội vui sao...", rồi kết thúc trở lại những câu đầu. Lúc đó bài “Người Hà Nội” tôi chỉ viết đến đấy.
Phố Nguyễn Đình Thi nhìn từ trên cao |
Đến năm 1948 tôi viết tiếp đoạn "Ngày về". Khi viết bài hát này, tôi chỉ nghĩ đơn giản coi đây là một món quà gửi tặng các chiến sĩ đang chiến đấu quyết tử giữa lòng Hà Nội mà thôi.
Cho đến bây giờ, chính tôi cũng không hiểu sao hồi ấy mình lại viết như thế. Tự nhiên viết được thôi. Chính vì nó tự nhiên nên lại biểu hiện cái chất tâm hồn mình nhiều hơn. Vì không phải là một nhạc sĩ, nên tôi coi bài hát là một sáng tác quý của đời mình".
Lúc bài hát mới ra đời, tác giả đã đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là “Bài hát của một người Hà Nội”. Khi đó bài hát chưa phải là một bản trường ca như bây giờ, nhưng nó cũng đã được thu thanh và phát trên sóng của đài phát thanh.
Bài hát là ý chí, là niềm đam mê của anh em chiến sĩ, nhất là các chiến sĩ của trung đoàn Thủ đô, ngày đêm quyết tử cho Hà Nội thân yêu.
Không chỉ có vậy, “Người Hà Nội” còn mang trong mình âm hưởng trữ tình đến nao lòng cả với những người chưa một lần đặt chân đến với Hà Nội. Làm sao có thể thờ ơ được khi nghe nghệ sĩ Lê Dung cất giọng tha thiết:
"Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông, ngàn năm
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội,
Hà Nội mến yêu...".
Cho đến bây giờ, vào những ngày trọng đại của Thủ đô, bao giờ ca khúc cũng được vang lên gói trọn tất cả những cảm xúc sâu lắng, sôi sục, khí thế cách mạng và cả nét hào hoa của đất này, làm người nghe trào dâng niềm tự hào, xúc động.
Cho đến những năm kháng chiến chống Mỹ, người Hà Nội lại sơ tán để kháng chiến. Dù bị bom đạn cày xới, hoa vẫn nở bên những ụ pháo cao xạ, người “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” và đầy khí chất trong bút kí của nhà văn Nguyễn Tuân.
Dù mất mát đau thương, dù khó khăn gian khổ, người Hà Nội vẫn dựng tượng đài, vẫn chiến đấu, vẫn lớp lớp người vào Nam chiến đấu, để ngày nay, mỗi phường của Thủ đô đều có Nghĩa trang Liệt sĩ, có Nhà bia tưởng niệm các Liệt sĩ hi sinh vì Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa, gần hai năm nay, chúng ta lại cùng thế giới đối mặt với kẻ thù chung, con virus corona nhỏ bé mà quái ác. Dù vậy, với tinh thần “quyết tử bảo vệ Thủ đô” khi xưa vẫn còn nóng bỏng trong huyết quản, phải nói rằng, thời gian qua, nhất là đợt giãn cách vừa rồi, chúng ta đã “chiến đấu” thật sự để bảo vệ Hà Nội.
Từ việc rào làng, rào ngõ, “cố thủ” trong nhà đến tuyên truyền, vận động người dân giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, chiến dịch dập dịch, truy vết, cách ly, khoanh vùng, tiêm vaccine thần tốc… Tất cả đều thực hiện bài bản, quy mô với các chiến lược, sách lược như những trận chiến cam go, quyết liệt. Vì tinh thần hết mình, cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu ấy mà trái tim của cả nước, Thủ đô Hà Nội của chúng ta vẫn tương đối bình yên trong giông bão.
Bản lĩnh được tôi luyện ngàn năm ngấm trong máu thịt, trong huyết quản, trong văn hóa con người Hà Nội giúp chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục vững vàng trong trận chiến với đại dịch lần này. Nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhiều bức ảnh sẽ trở thành tư liệu, còn mãi với thời gian để kể với hậu thế về những thời khắc lịch sử này của Hà Nội.
Cũng đã có nhiều ca khúc được ra đời, cổ vũ tinh thần cho lực lượng chống dịch, cho Nhân dân nhưng thực sự chưa có ca khúc nào tiêu biểu, vượt trội, ghi dấu lại tinh thần quật cường, thông minh, quyết liệt của người Hà Nội trong cuộc đấu tranh với “giặc” Covid-19 hiện nay. Vì thế, hi vọng trong thời gian tới, các nghệ sĩ, nhạc sĩ, các nhà thơ sẽ tiếp tục sáng tác, cất lên tiếng nói tiếng lòng, khí thế của người Hà Nội trong tâm thế chống Covid-19 ở thế kỉ XXI này.
Để mai sau, khi “chiến tranh” với virus SARS-CoV-2 qua đi, tinh thần ấy lại ngấm vào gió sông Hồng, vào gió hồ Tây, hồ Gươm, thổi mãi niềm tự hào ấy đến với người Hà Nội của ngàn năm nữa, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để Hà Nội vượt qua bất cứ khó khăn, thử thách nào.
Ðể Thủ đô mãi linh thiêng và hào hoa… |
Ra mắt bộ tiểu thuyết kỉ niệm 1011 năm Thăng Long - Hà Nội |
Tái hiện vẻ đẹp xưa của hồ Gươm và Hà Nội |