Từ gã giang hồ trở thành ông chủ tiệm xăm nghệ thuật
|
Trưởng thành từ những lầm lỗi
Nhìn dáng người mập mạp, đầu trọc, xăm trổ đầy mình, không ai nghĩ anh Học lại hiền lành và dễ gần đến vậy. Ông chủ tiệm xăm nghệ thuật tâm sự: Đa số những người từng đi tù đều muốn che giấu quá khứ của mình, nhưng với anh thì không. Bởi anh quan niệm rằng, ai cũng có lỗi lầm, nhưng điều quan trọng là hiện tại người đó biết vươn lên trong cuộc sống.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống vẽ tranh truyền thần, từ nhỏ anh Học đã đam mê vẽ. Anh có năng khiếu về hội họa và từng thi đỗ vào một trường chuyên về mĩ thuật. Thế nhưng, vì thói ngông cuồng của tuổi trẻ, anh đã sa ngã vào con đường tội lỗi, rồi vướng phải vòng lao lí. "Sau những cuộc chơi bời, mình bập phải ma túy, rồi trộm cắp vặt, gây rối trật tự công cộng... cái kết là mình từng phải vào tù, ra tội nhiều lần", ông chủ tiệm xăm nghệ thuật nhớ lại.
Trong mười năm, từ năm 1994 đến năm 2004, anh Học vào tù đến năm lần. Lần vào tù năm 2004, anh mới xác định được con đường duy nhất làm lại cuộc đời là đoạn tuyệt với ma túy và kiếm công việc ổn định. "Năm 2004 mẹ mình mất, mình đã rất ân hận và quyết định hoàn lương. Lúc đó tuổi cũng nhiều rồi, mình nghĩ không thể sống mãi kiểu cũ, phải làm gì đó có ý nghĩa cho đời mình, không thì muộn mất", anh Học tâm sự.
Anh Trần Quang Học hạnh phúc bên vợ và con trai
Năm 2005, anh học mãn hạn tù, trở về địa phương. Chưa biết sẽ kiếm sống thế nào, thì có một người bạn gợi ý nên tận dụng hoa tay sẵn có. Anh Học liền hiểu ra và nghĩ ngay đến loại hình xăm nghệ thuật trên cơ thể người. Nghĩ là làm, anh Học đã tiến hành kẻ biển quảng cáo, sang sửa, cải tạo lại ngôi nhà để làm nghề.
"Lúc đó, người ta còn ghẻ lạnh, xa lánh mình. Mọi người ai cũng nói mình là thằng vào tù, ra tội thì chẳng làm được gì đâu. Vốn liếng không có, phải đi vay từng đồng, nhưng vay tiền cũng chẳng ai cho vay. Khách khứa đến với mình cũng lèo tèo. Thời gian đầu, một vài người bạn giang hồ cũ vẫn gọi mình ra hoạt động cùng họ, nhưng mình khước từ thẳng thừng", anh Học nói.
Chưa biết xoay xở thế nào thì anh nhận được sự động viên, khích lệ của người phụ nữ bán vé số Phạm Thị Ngọc Dung. Với tình yêu của chị Dung, anh Học càng quyết tâm trở thành người lương thiện.
Động lực đến từ người vợ hiền
Chính vì từ chối những lời mời mọc của giới giang hồ, anh học đã bị một đàn em lấy trộm điện thoại. Trong thời gian đi tìm gã đàn em để đòi lại điện thoại, anh Học đã gặp chị Phạm Thị Ngọc Dung (ở Thạch Bàn, Gia Lâm) bị chồng bỏ, đang bán vé số ở cổng bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Chị Dung tâm sự: "Những ngày đầu đến với anh Học, bạn bè và người thân ai cũng phản đối vì cho rằng nhìn bề ngoài anh này chẳng có phẩm chất gì tốt đẹp. Tuy nhiên, cảm nhận của chị thì ngược lại. Hai người về ở với nhau chỉ bằng tờ giấy kết hôn mà chẳng có mâm cỗ mời họ hàng. Đến giờ, sau tám năm chung sống, tôi cũng chẳng ân hận vì không có đám cưới", chị Dung bộc bạch.
Những ngày đầu lập nghiệp, vợ chồng anh Học chị Dung gặp rất nhiều khó khăn. Vốn liếng thì không có, khách đến cũng ít. Anh Học phải lên mạng tìm tòi những mẫu xăm mới, cũng như xu hướng của loại hình này trên thế giới. Ở đất Hà Nội, anh Học tự hào bảo mình là một trong số ít những thợ xăm theo kiểu truyền thần và xăm 3D. Đây là những loại hình đòi hỏi kĩ thuật cao.
"Thời gian đầu khi ra tù, mình bắt đầu từ con số không, giờ cũng đã đủ ăn đủ mặc và nuôi được vợ con. Mình mong ước có một cơ sở xăm hình nghệ thuật lớn với thương hiệu Học Tatoo trong tương lai", anh Học nói.
Một niềm vui sướng đến với hai vợ chồng, đó là ở tuổi 42, chị Dung đã sinh được một bé trai khỏe mạnh. Cơ sở xăm nghệ thuật của Học đông khách dần. Chị Dung chia sẻ rằng, hình như có con, anh chị được lộc. Khách cứ kéo đến, phong trào xăm của thanh niên cũng tăng. Say sưa với công việc làm ăn, Học quên luôn quãng đời tăm tối. Anh cũng không la cà rượu chè, lúc nào cũng chỉ chăm lo cho vợ con.
Khi cơ sở phát triển, anh Học còn giúp đỡ dạy nghề cho gần 80 học viên. Nhiều người trong số đó đã đi làm, thậm chí có thể mở cơ sở nghệ thuật Tatoo. Nghe cách anh nói chuyện, đủ biết anh Học đang rất hạnh phúc và mãn nguyện về công việc, gia đình cũng như các học viên.
Chia sẻ những suy nghĩ trong lòng, anh Học nói: "Giờ, tôi thấy viên mãn lắm. Căn nhà rách nát bố mẹ để lại được sửa khang trang. Từ người ra tù chẳng có nghề nghiệp tôi đã thành ông chủ thu nhập ổn định và có một cậu ấm kháu khỉnh", người đàn ông từng năm lần bị kết án tù trải lòng.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Thủ tướng Chính phủ dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên

Khánh thành nhà máy sản xuất phụ kiện và phụ tùng ô tô

Ươm mầm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên

Tổ chức tham quan mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu

Đội CFIM giành Quán quân cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “I impACT”

APEC Innovation 2024: Ban Tổ chức tiếp nhận 1.191 ý tưởng dự thi từ gần 4000 sinh viên

Thúc đẩy phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Hà Nội tư vấn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp

Hỗ trợ thanh niên tiếp cận vốn vay, ứng dụng AI vào khởi nghiệp
