Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà, cô gái trẻ thu tiền tỷ
Nức tiếng giống gà đồi sinh học Nhị Nguyễn Nhân rộng và phát triển thương hiệu gà Mía Sơn Tây Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn |
Mô hình không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển gà giống bản địa, khai thác tiềm năng lợi thế địa phương mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Với thành tích xuất sắc đã đạt được, chị Hiền được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của.
Bỏ phố về quê
Chị Hiền sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, tiếp cận với trồng trọt, chăn nuôi từ nhỏ nên dành tình yêu nông nghiệp. Đặc biệt, chị có niềm đam mê với con gà bản Đầm Hà, đây là sản vật nổi tiếng với thịt thơm, ngon, được nhiều người dân và du khách yêu thích. Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của gà bản Đầm Hà, chị Hiền đã có ý tưởng xây dựng trang trại gà Đầm Hà để phát triển đặc sản này thành thương hiệu địa phương.
Năm 2013, chị Hiền quyết định từ bỏ công việc kế toán tại một doanh nghiệp ở Hà Nội về quê khởi nghiệp. Ban đầu, chị thực hiện mô hình chăn nuôi gà bản Đầm Hà thương phẩm với diện tích là 100m2 quy mô 1.000 con gà, số vốn đầu tư 200 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền với giống gà bản Đầm Hà (ảnh tư liệu - NV cung cấp) |
Với sự cần cù và chịu khó học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và các trang trại thực tế nên trong 2 năm 2013, 2014 mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi, chị Hiền nhận ra việc chăn thả tự nhiên khiến con giống bị lai tạp, không thuần chủng, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng gà thương phẩm.
Trăn trở lưu giữ nguồn gen quý của giống gà bản Đầm Hà, chị Hiền quyết tìm cách giải bài toán khó. Tìm hiểu trên sách báo, chị biết đến mô hình sản xuất gà giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Chị Hiền bàn với chồng là anh Nguyễn Văn Tuyền mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trang trại phát triển mô hình.
“Để có được gà giống bố, mẹ thuần chủng, 2 vợ chồng mình đã lặn lội lên tận Quảng Lâm, Quảng An là các xã vùng cao của huyện, rồi vào các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số thu gom. Có những ngày đi 30km chỉ mua được mấy con gà. Tuy nhiên, phương tiện không có chủ yếu di chuyển bằng xe máy nên có hôm về đến nhà gà đã chết”, chị Hiền chia sẻ.
Làm nông nghiệp theo cách khác
Có được gà bố mẹ thuần chủng sẽ cho chất lượng con giống tốt, vì thế chị Hiền hăm hở bắt tay vào mô hình. Theo chị Hiền, yêu cầu kỹ thuật đối với con gà sinh sản rất khắt khe nên áp dụng nuôi trong chuồng lạnh và ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo sẽ khắc phục được tất cả các nhược điểm trong chăn thả tự nhiên. Chuồng lạnh cũng giúp điều tiết được nhiệt độ, ánh sáng và không khí, tạo môi trường tốt nhất cho con gà bố, mẹ sinh sản.
Với cách làm khác biệt, chị Hiền tạo việc làm cho nhiều lao động |
Phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chuồng lạnh sẽ cho ra đời những chú gà con có được nguồn gen quý từ gà bố mẹ. Tuy nhiên, chưa có kinh nghiệm, lại chọn lựa máy móc không phù hợp khiến chị Hiền phải trả giá.
“Lúc đầu, khi làm thụ tinh nhân tạo cho gà bản Đầm Hà, do còn ít kinh nghiệm nên tỷ lệ trứng ấp thành con chỉ đạt 50-60%, dẫn đến việc nhân giống, chọn giống gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, số máy móc đầu tư ban đầu không mang lại hiệu quả mình phải bỏ hoàn toàn thay thế bằng thiết bị khác”, chị Hiền kể.
Không đầu hàng cái khó, chị Hiền tiếp tục mày mò học hỏi làm chủ công nghệ thụ tinh nhân tạo và ổn định việc cung cấp gà giống ra thị trường. Thành công bước đầu tạo động lực cho chị và gia đình phát triển mô hình.
Tháng 5/2016, vợ chồng chị Hiền vận động 6 hộ trong thôn cùng tham gia thành lập Hợp tác xã Tuyền Hiền chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương. Đến nay, hợp tác xã liên kết với khoảng 80 hộ, trong đó, chị đảm nhận cung cấp con giống, hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra.
Mỗi năm, Hợp tác xã Tuyền Hiền cung ứng ra thị trường khoảng 150.000 con gà thương phẩm, doanh thu khoảng 12 tỷ đồng/năm; Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên và 7 lao động thời vụ.
Giống gà của hợp tác xã không chỉ cung cấp cho Đầm Hà mà còn mở rộng thị trường sang các địa phương khác, như: Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ... và các tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên…
Năm 2020, chị Hiền mở rộng quy mô nuôi, đầu tư chuồng lạnh đầu tư thêm hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của chị Hiền là tìm được công nghệ bảo quản gà thương phẩm để mở thị trường ra ngoài địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
“Mong muốn của mình là tiếp tục đưa thương hiệu gà bản Đầm Hà đến với nhiều khách hàng hơn nữa. Vì vậy, bên cạnh việc tìm kiếm công nghệ bảo quản gà thương phẩm, mình sẽ đầu tư để chế biến gà thành các sản phẩm như: Gà ủ muối, gà xông khói… để phục vụ người tiêu dùng”, chị Hiền tâm sự.