Ứng dụng Tikop nhận “bão” đánh giá trái chiều
Ứng dụng Tikop có sinh lời an toàn như quảng cáo? |
Quảng cáo ứng dụng Tikop |
Nhiều đánh giá trái chiều
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có bài phản ánh về những rủi ro có thể gặp phải khi tham gia đầu tư vào Tikop, bên cạnh đó, ứng dụng này liên tục nhận nhiều đánh giá tiêu cực từ phía người dùng.
Cụ thể, trên Google Play bên cạnh đánh giá 5 sao thì Tikop cũng nhận về nhiều đánh giá tiêu cực. Nhiều người cho rằng ứng dụng thường xuyên gặp lỗi kỹ thuật, cùng với đó, rút tiền khó khăn, rút tiền bị mất phí nền tảng,…
Đánh giá ứng dụng Tikop trên Google Play |
Đơn cử có đánh giá cho rằng, Tikop đơn phương thay đổi điều khoản hợp đồng có lợi cho doanh nghiệp nhưng người chịu thiệt là khách hàng do đó người này đã rút hết khoản tiết kiệm và chịu phần lãi gửi.
Vấn đề này đã từng được báo Tuổi trẻ Thủ đô đề cập, để sử dụng được ứng dụng Tikop người dùng buộc phải đồng ý các "Điều khoản sử dụng". Trong đó, có điều khoản "có lợi" cho chủ app như Tikop có quyền cập nhật điều khoản hay tính năng hoặc áp dụng phí dịch vụ, các loại phí khác vào bất cứ thời điểm nào...
Trong khi đó, phía người dùng lại phải chịu ràng buộc bởi những điều khoản như: "Người dùng chịu trách nhiệm và miễn trừ toàn bộ trách nhiệm cho công ty về việc sử dụng hoặc hoạt động trên tài khoản trước pháp luật. Bất kỳ hành vi vi phạm điều khoản hoặc vi phạm pháp luật khác có thể được coi là căn cứ cho phép công ty tạm ngừng hoạt động tài khoản hoặc chấm dứt, phong tỏa tài khoản".
Hay điều khoản như: "Người dùng lưu ý rằng, có những rủi ro bao gồm nhưng không giới hạn ở rủi ro thị trường, rủi ro hệ thống, rủi ro nhân sự hoặc rủi ro sản phẩm nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Bằng nỗ lực của mình, công ty sẽ kiểm soát các rủi ro ở mức tối đa và công ty khuyến nghị rằng người dùng hãy cẩn trọng khi sử dụng ứng dụng Tikop".
Ngoài ra, khi sử dụng Tikop người dùng còn phải cung cấp thông tin cá nhân và phải chịu trách nhiệm về những thông tin trên.
Đánh giá tiêu cực từ nhiều người dùng khác... |
Trong quá khứ, Tikop từng nằm trong danh sách các ứng dụng sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Qua đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Đầu tư vào đâu?
Theo giới thiệu, Tikop cung cấp các tiện ích tích lũy và đầu tư tài chính linh hoạt. Các sản phẩm của Tikop được bảo lãnh và hỗ trợ thanh khoản bởi các tổ chức tài chính uy tín, quỹ đầu tư và công ty chứng khoán hàng đầu thị trường Việt Nam.
Tikop còn cho biết, tiền của người dùng được sử dụng để mua các sản phẩm tài chính với tài sản cơ sở là các chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng tiền gửi, giấy tờ có giá do các ngân hàng hoặc định chế tài chính uy tín phát hành. Tại ứng dụng Tikop cung cấp các sản phẩm Tích lũy, Chứng chỉ quỹ, Bất động sản và Bảo hiểm với mức lãi suất vô cùng hấp dẫn mà vốn đầu tư chỉ từ 50.000 đồng.
Phí nền tảng mới của Tikop |
Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh) cho rằng, đối với nhà đầu tư chọn đầu tư qua các app này cần lưu ý phải biết mình đang ký hợp đồng gì, với ai?
Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trực tiếp từ quỹ, sẽ được bảo vệ theo quy định về quỹ đầu tư. Nhưng nếu không ký hợp đồng trực tiếp với quỹ, mà ký thông qua app, như vậy đối tác của nhà đầu tư là các app, nên cần tìm hiểu kỹ quyền lợi liên quan. Nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ và yêu cầu bên app đưa ra giấy tờ chứng thực là việc gửi vốn, góp vốn đầu tư… bằng hợp đồng hoặc giấy xác nhận cụ thể để bảo đảm quyền lợi.
"Thực tế, nhu cầu thị trường là có và một số fintech (công ty tài chính công nghệ) đang hoạt động theo mô hình này. Như khuyến cáo của cơ quan quản lý, có một số app huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán", TS. Hồ Quốc Tuấn cho biết.
Đồng thời, TS. Hồ Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh rằng nếu các app đang hoạt động như trung gian thanh toán, thì cần chứng minh không tham gia hoạt động quản lý quỹ và huy động tiền của nhà đầu tư. Quan trọng, khi đầu tư vào các app, nhà đầu tư cần được thông tin cả về lợi nhuận và rủi ro có thể gặp phải.
Trả lời báo chí, TS. Võ Đình Trí - giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh từng nhận định: Có không ít người đang nạp tiền vào các sản phẩm tích lũy của các ứng dụng kể trên do chúng tiện lợi, dễ sử dụng, lãi suất cam kết hấp dẫn và có thể bắt đầu bằng những khoản tiền rất nhỏ. Hiện chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho các mô hình công nghệ tài chính (fintech) nên khó phân biệt được ứng dụng nào thực sự đàng hoàng, ứng dụng nào có ý đồ xấu.
Theo TS. Võ Đình Trí, do hoạt động trong “vùng xám” nên các bên cung cấp dịch vụ không rõ trách nhiệm bắt buộc của mình hoặc cố tình lờ đi trách nhiệm. Họ không cảnh báo rủi ro, không minh bạch hóa điều khoản hợp đồng và điều kiện sử dụng dịch vụ, không thông tin cho người dùng biết ứng dụng của họ là nền tảng trung gian kết nối (như ứng dụng gọi xe) hay là nơi quản lý tài sản của khách. Do đó, nếu có tranh chấp hoặc muốn yêu cầu ứng dụng giải ngân, nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ.