Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xử lý hành vi lũng đoạn thị trường chứng khoán
Đây là một trong những nội dung tại Văn bản số 937/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2022 của Quốc hội, tại phiên họp thứ 10.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2022 của Quốc hội.
Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có giải pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2022. (Ảnh: QH) |
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 29/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, những vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây như chúng ta đều biết, cơ quan quản lý và cơ quan bảo vệ pháp luật đang xem xét, điều tra, xử lý và sẽ có kết luận cuối cùng thỏa đáng trong thời gian tới.
Ông Chi cho biết, đối với những việc thao túng chứng khoán thị trường thì thời gian vừa qua, các Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và Hà Nội đã giám sát và thực hiện cảnh báo, xử lý các vụ vi phạm theo phạm vi thẩm quyền.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thường xuyên, chủ động yêu cầu 2 sở tăng cường giám sát chặt chẽ các mã giao dịch chứng khoán của các tổ chức niêm yết có kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu lại tăng phiên liên tiếp, các giao dịch có khối lượng lớn, có dấu hiệu bất thường thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức kiểm tra, chủ động và chuyển cơ quan công an xử lý theo thẩm quyền, đối với các vụ việc vi phạm pháp luật như FLC, Tân Hoàng Minh…
Theo Thứ trưởng, nhằm bảo đảm trường chứng khoán được phát triển minh bạch, bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn thị trường tài chính tiền tệ, không để xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu và đến việc phát triển kinh tế đất nước.
"Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý, nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế", ông Chi cho biết.
Nêu giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trước hết, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tổ chức điều hành thị trường. Đối với thị trường cổ phiếu, chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần phát triển theo hướng bền vững, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát ngay những quy định pháp luật trong Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và rất sớm sẽ báo cáo Chính phủ để sửa đổi quy định của Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bảo đảm những quy định pháp luật về thị trường chứng khoán và trái phiếu phù hợp với điều kiện và yêu cầu điều tiết của thị trường, tránh việc doanh nghiệp, nhóm nhà đầu tư thu lợi nhuận phi pháp.
Cùng với đó là việc triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo 4 trụ cột, đó là tăng cường chất lượng của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tăng cơ sở các nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại thị trường.
Bộ Tài chính cũng sẽ tập trung nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lương nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; công ty kiểm toán độc lập, công ty định mức tín nhiệm. Khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và thị trường.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác giám sát, sẽ giám sát từ 3 cấp, đó là công ty chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tăng tần suất giám sát thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả giám sát, cưỡng chế thực thi; Kịp thời phát hiện và cưỡng chế rủi ro trên thị trường chứng khoán.
"Trong giai đoạn tới sẽ thanh kiểm tra các công ty đại chúng và công ty không đại chúng khi huy động vốn, tăng cường giám sát hiện tượng thao túng và làm giá nhằm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng an toàn, công khai và minh bạch", ông Chi cho biết.