Vẫn còn khoảng 3.000 người dân phải sơ tán do ngập lụt
Gần 4.000 quyển vở tặng học sinh vùng ngập lụt huyện Thanh Trì Nhiều hộ dân ngoại thành Hà Nội thoát ngập lụt Mưa lớn gây ngập lụt tại Mumbai, hàng loạt trường học đóng cửa |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết như vậy tại buổi họp báo của UBND TP Hà Nội thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024, diễn ra chiều nay (3/10).
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa thông tin tại buổi họp báo |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, hầu hết các địa phương đều có các ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 về tài sản, liên quan đến cây đổ, cành gãy, mất điện, sập đổ, tốc mái công trình các sự cố về điện.
Sau bão, toàn bộ hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã đã chủ động chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách. Công tác giải tỏa cây xanh gãy, đổ đã hoàn thành đạt khoảng trên 98% khối lượng.
UBND TP đã ban hành các quyết định bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, sở, ngành để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn TP là 220,87 tỷ đồng.
Từ ngày 12/9/2024 đến nay, hàng hóa về chợ đa dạng, tình hình hoạt động kinh doanh và lượng khách đến mua sắm tại các chợ cơ bản trở lại bình thường. Các cửa hàng xăng dầu đều đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, đến ngày 30/9, còn khoảng hơn trên 3.000 người dân vẫn phải sơ tán do ngập lụt chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt kéo dài tại huyện Chương Mỹ, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết: Chương Mỹ là 1 trong những địa phương nằm trong lưu vực sông Tích, sông Bùi; có rất nhiều vùng trũng so với mặt sông, có chỗ -8 mét, dẫn đến cứ mưa là ngập úng.
Với những khó khăn vướng mắc này, Sở đã có báo cáo với UBND TP. Hiện TP đang triển khai giải pháp cho kè hai bên bờ sông Tích trên khu vực huyện Ba Vì. Về lâu dài, TP cần báo cáo Chính phủ, nghiên cứu giải pháp bố trí lại dân cư khu vực lưu vực hai sông Tích, sông Bùi ; quan tâm đầu tư thích đáng để nâng cấp hệ thống đê điều đảm bảo tiêu chí thiết kế theo quy hoạch; nghiên cứu chọn phương án thoát lũ rừng ngang và xây dựng củng cố đê dọc hai bên bờ trục tiêu; thực hiện nạo vét, giải toả vật cản đảm bảo tiêu thoát lũ, phòng tránh sạt lở; xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ sớm; đặc biệt phối hợp với các tỉnh liên quan dọc sông Đáy, sông Bùi, sông Tích...
"Tất cả những khó khăn nêu trên TP đã cập nhật báo cáo với Chính phủ. Đây là một trong các quy hoạch phòng, chống lụt bão TP Hà Nội, được tích hợp trong quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn 2050; "hoà" trong quy hoạch Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn tới năm 2065.
Khi các quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, sẽ tích hợp với phòng chống lũ lụt trên địa bàn các địa phương, trong đó có Chương Mỹ, từ đó quan tâm đầu tư, hạn chế tối đa nhất ảnh hưởng đời sống người dân khu vực lũ rừng ngang..."- ông Nguyễn Đình Hoa thông tin.