Văn hóa lì xì ngày Tết
Trẻ em sử dụng tiền lì xì như nào cho đúng? Gần Tết giới trẻ đổ xô săn tiền lì xì “độc lạ” Người trẻ háo hức với lì xì đầu năm |
Trung Quốc
“Hongbao” là tên gọi của phong tục lì xì ở Trung Quốc. Do đó, bao lì xì của họ luôn là màu đỏ, tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc. Đặc biệt, số tiền trong bao tuyệt đối tránh liên quan đến số 4 (không được coi may mắn) và phải dán kín.
Ngoài ra, khi nhận lì xì, người Trung Hoa có thói quen không nhận bằng một tay và không mở ra ngay trước mặt người tặng. Họ phải để tất cả lì xì dưới gối và sau 1 tuần mới được mở ra hoặc mang theo xuyên suốt 16 ngày đầu năm mới. Điều này hàm ý rằng bao lì xì sẽ bảo vệ mọi người tránh khỏi các điều xấu có thể xảy ra.
Ngoài ra, người dân nơi đây còn có tục lệ mang theo một túi cam quýt cùng các bao lì xì khi ghé thăm nhà người thân, bạn bè,... trong hai tuần đầu năm mới. Bởi cam quýt có cách phát âm giống với từ “giàu có” và “may mắn” trong tiếng Trung.
Hàn Quốc
Vào ngày đầu năm mới, những đứa trẻ trong gia đình tại xứ sở kim chi sẽ mặc trang phục truyền thống và thực hiện nghi lễ cúi lạy các bậc cao niên để tỏ lòng thành kính và biết ơn với công sinh thành, dưỡng dục, trước khi nhận lì xì. Đây được gọi là lễ sebae và tiền lì xì là sebaetdon.
Ở Hàn Quốc, phong bao lì xì có nhiều màu sắc, hoa văn. Chúng thường được làm bằng vải và có dây rút ở đầu phong bì để món quà không bị rơi ra ngoài. Đôi khi, phong bì có thể làm từ giấy với hình vẽ đẹp mắt. Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình mà món quà sẽ khác nhau. Không chỉ tiền, trẻ em có thể nhận được vàng, ngọc hoặc đá quý tượng trưng cho những lời chúc phúc trong năm mới.
Nhật Bản
Phong tục lì xì ở Nhật Bản có tên là Otoshidama với những phong bao lì xì được trang trí những hình ảnh ngộ nghĩnh, có ghi tên người nhận, màu chủ đạo là màu trắng. Trong khi tiền mừng tuổi ở Việt Nam không quan trọng nhiều ít, chỉ cốt “lấy hên” thì người Nhật Bản thường hay lì xì số tiền tương đối lớn cho trẻ nhỏ. Và đây cũng chính là cách trao một món tiền bạc cho trẻ nhỏ và dạy chúng cách tự chi tiêu, tiết kiệm hầu bao của mình.
Singapore
Ở đảo quốc sư tử, nhất là người Hoa sống tại đây thường rất coi trọng ngày Tết Nguyên đán. Vì thế, họ cũng chú trọng việc tặng lì xì cho ông bà, cha mẹ, con cháu hoặc người thân trong nhà.
Phong bao thường sẽ có màu đỏ rực rỡ đựng những đồng tiền mới có mệnh giá từ 2 đến 20 đô Singapore nhằm tượng trưng may mắn trong ngày năm mới. Ngoài tiền mặt, người dân ở đây còn lì xì bằng ngân phiếu, ngân lượng, voucher, vé xe tháng,... hoặc dùng bữa ăn sum họp đủ đầy mọi thành viên trong gia đình.
Malaysia
Người Malaysia theo đạo Hồi (thường sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore) cũng có tục lì xì mừng tuổi cho người già và trẻ em trong ngày lễ tết Eid al - Fitr (Tết Hiến sinh của người đạo hồi thường diễn ra vào ngày 11/8 hàng năm).
Vào dịp này, họ sẽ chuẩn bị các phong bao màu xanh lá cây - màu truyền thống gắn liền với tín ngưỡng của các nước Hồi giáo để tặng cho bất kỳ người khách nào đến chúc mừng đấy.
Thậm chí, những người không thể đến được thì gia chủ còn gửi bạn bè, người thân họ phong bao lì xì xanh về tới tận tay trong dịp Tết. Đó chính là nét đẹp góp phần làm nên văn hóa và tâm hồn phóng khoáng của những người theo đạo Hồi.