Vì sao chứng khoán Phú Hưng liên tục bị xử phạt, phải hoãn kế hoạch lên sàn HOSE?
"Bóng dáng" Capella Group tại chứng khoán DNSE Chứng khoán Mirae Asset bị xử phạt hơn 100 triệu đồng Loạt ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán trái phép bị "điểm tên" |
Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (chứng khoán Phú Hưng) tiền thân là Công ty Chứng khoán Âu Lạc, được thành lập năm 2006. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, lưu ký chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong nhiều năm qua, chứng khoán Phú Hưng liên tục vướng một số sai phạm và nhiều lần bị xử phạt.
Cụ thể, đầu tháng 6 năm nay, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định xử phạt số 1343/QĐ-CT đối với chứng khoán Phú Hưng vì đã có hành vi khai sai thuế dẫn đến thiếu tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân phải nộp. Với vi phạm trên, chứng khoán Phú Hưng bị xử phạt số tiền 94,5 triệu đồng, cùng với đó, công ty này còn bị truy thu tiền thuế nộp thiếu vào ngân sách Nhà nước là 472,6 triệu đồng.
Thông tin xử phạt chứng khoán Phú Hưng |
Tiếp đó, chứng khoán Phú Hưng tiếp tục bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xử phạt 3.500.000 đồng vì đã nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định.
Chưa hết, trong quá khứ, chứng khoán Phú Hưng cũng đã vi phạm lỗi tương tự. Theo đó, trong biên bản xử phạt ban hành vào ngày 4/6/2021, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xác định chứng khoán Phú Hưng đã có hành vi khai sai làm thiếu số tiền thuế giá trị giá tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Dựa vào lỗi vi phạm trên, chứng khoán Phú Hưng bị phạt tiền hơn 37 triệu đồng và truy thu thuế gần 186 triệu đồng, tiền chậm nộp hơn 30 triệu đồng.
Ngoài bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xử phạt, cuối tháng 11/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã xử phạt chứng khoán Phú Hưng số tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán.
Nổi bật trong năm nay, chứng khoán Phú Hưng đã thông báo hoãn kế hoạch chuyển niêm yết lên sàn HOSE, trong khi từ trước đó vào tháng 11/2022, HOSE nhận hồ sơ đăng ký niêm yết toàn bộ hơn 150 triệu cổ phiếu đang lưu hành của công ty này, tương đương vốn điều lệ hơn 1.500 tỷ đồng.
Lý do xin rút hồ sơ mà chứng khoán Phú Hưng đưa ra là vì tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi, nếu tình hình khả quan hơn công ty sẽ tiến hành các bước theo quy định của pháp luật nếu tiếp tục triển khai việc niêm yết cổ phiếu.
Tính đến ngày 30/6/2023, lợi nhuận sau thuế của chứng khoán Phú Hưng là 37 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tổng doanh thu giảm 16,5 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động giảm 41,3 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính tăng 24,9 tỷ đồng và thu nhập khác giảm 0,1 tỷ đồng; Song song đó, tổng chi phí giảm 8,5 tỷ đồng; Trong đó, chi phí hoạt động giảm 32,2 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 3 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 22 tỷ đồng, chi phí khác tăng 0,6 tỷ đồng và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 1,9 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của chứng khoán Phú Hưng sụt giảm |
Trong khi đó, nợ phải trả của doanh nghiệp này đạt mức 2.378 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu là 1.634 tỷ đồng; Tiền mặt đến hết tháng 6 năm nay còn hơn 4 triệu đồng. Ngoài ra, chứng khoán Phú Hưng có các khoản tiền và tương đương tiền đang được đem đi cầm cố cho các khoản vay tại ngân hàng.