Vì sao người dân chưa “mặn mà” với dịch vụ công trực tuyến?
Việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 mà còn mang lại nhiều lợi ích |
Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp người dân nhiều tiện ích thiết thực: Tiết kiệm thời gian, chi phí và có thể thực hiện bất cứ lúc nào.
Tại Nghị quyết số 17 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020 định hướng đến năm 2025, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4- mức độ người dân chỉ cần ở nhà đăng ký dịch vụ, kết quả sẽ được trả về tận nhà mà không phải đến các cơ quan chức năng nhận lại giấy tờ.
Điều này không chỉ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và các tổ chức khi đi giải quyết các thủ tục hành chính mà các hoạt động giải quyết hành chính của cơ quan nhà nước cũng minh bạch hơn, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cơ quan công quyền, góp phần phòng chống tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng. Đồng thời, cải cách hành chính của đất nước toàn diện hơn.
Tuy nhiên, theo báo cáo PAPI 2019 (Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam – PAPI 2019), mức độ hài lòng của người dân về thủ tục hành chính công như cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục hành chính cấp xã, phường không cao, đứng cuối bảng trong 8 chỉ số thành phần khảo sát. Nhìn lại có thể thấy, những tỉnh, thành phố đạt con số sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chỉ rơi vào một số thành phố lớn.
Với những tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều bất cập, gian nan trong việc ứng dụng công nghệ khi mà Internet chưa được phủ rộng, trang thiết bị ở các cơ quan công sở ở xã, huyện còn lạc hậu, chưa đầy đủ và người dân vẫn còn chưa thuần thục các cách thức giao dịch qua mạng. Thế nên tại các bộ phận một cửa vẫn còn nhiều người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính cho dù những thủ tục ấy đã được điện tử hóa đến cấp 4 – cấp mà họ chỉ việc ngồi ở nhà để thực hiện các thao tác trên máy tính rồi nhận kết quả tại nhà.
Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng – đơn vị tham gia khảo sát PAPI, cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều đột phá nhưng sự đột phá đó chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
“Chúng ta chưa thực sự quyết liệt để làm sao cho thủ tục hành chính công thuận tiện hơn cho người dân, được điện tử hóa thông tin đến người dân nhiều hơn. Rõ ràng, ngoài điểm được của “Một cửa” ra, chúng ta vẫn còn nhiều đất để tiến bộ lên trong tương lai”- ông Giang chia sẻ.
Thực tế khảo sát tại các bộ phận “Một cửa” cho thấy, mức độ quan tâm, sử dụng của doanh nghiệp, người dân đối với các dịch vụ công trực tuyến không nhiều. Một bộ phận lớn người dân chưa thạo tin học và còn có thói quen giao dịch hành chính bằng cách truyền thống. Công tác tuyên truyền, quảng bá dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp còn hạn chế…
Một cán bộ phụ trách bộ phận tiếp nhận hồ sơ cho biết: “Người dân chủ yếu vào website của quận, huyện tra cứu thông tin là chính và vẫn có thói quen đi đến tận nơi kê khai thủ tục. Thực tế, các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ hành chính công qua mạng nhiều hơn hẳn so với người dân vì các thủ tục về cấp phép kinh doanh, khai báo lao động tương đối dễ thao tác qua mạng hơn các lĩnh vực nhà đất, cấp phép xây dựng”.
Đáng lưu ý, có quận, huyện lập trang thông tin điện tử chỉ để giới thiệu thông tin chung chung (địa giới hành chính, thông tin thời sự…), có địa phương xây dựng dịch vụ công nhưng chỉ mang tính phong trào, cũng “gọi là có” như các quận, huyện khác mà chưa đạt được tiêu chí quan trọng là mang lại tiện ích về dịch vụ công cho người sử dụng.
Để người dân hài lòng, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, các chuyên gia PAPI khuyến nghị Chính phủ ra mắt Cổng Dịch vụ công Quốc gia vào tháng 12 năm 2019, đánh dấu một bước quan trọng trong định hướng đúng đắn này. Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã trở thành “kênh” hữu hiệu để “điện tử hóa” thủ tục hành chính. Việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện cách ly xã hội, dịch vụ công trực tuyến đang phát huy tác dụng khi chỉ trong khoảng 2 tháng, số lượng người sử dụng dịch vụ trực tuyến tăng vọt. Điều này mang đến một dấu hiệu khả quan về kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới.
Việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 mà còn mang lại nhiều lợi ích như: minh bạch, công khai trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm tải được lượng giấy phải sử dụng khi làm hồ sơ, tiết kiệm được chi phí lưu trữ. Ngoài việc tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và nắm được cách thực hiện, các cơ quan công quyền cũng cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc vấn đề này từ người đứng đầu, đồng thời dành sự quan tâm, đầu tư kinh phí đúng mức để áp dụng công nghệ hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |