Vì sao nhiều dự án của Hà Nội có tỷ lệ giải ngân thấp?
Khởi động dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở Đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án giao thông đầu tư công năm 2020 |
Nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp
Quan tâm tới các dự án cấp thoát nước, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (tổ Hoàng Mai) phản ánh, nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như một số dự án trạm bơm của Ban Quản lý dự án (BQLDA) nông nghiệp; Các dự án xử lý nước thải Yên Xá, dự án thoát nước và cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 2… Đại biểu đề nghị Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và Giám đốc Ban QLDA công trình cấp thoát nước và môi trường cho biết nguyên nhân việc giải ngân thấp, trách nhiệm và những giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện giải ngân các dự án?
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nêu câu hỏi tai phiên giải trình |
Quan tâm tới các dự án công trình văn hóa, xã hội, đại hội Nguyễn Văn Nghinh (tổ đại biểu Thạch Thất) nêu thực trạng các dự án trụ sở công an cấp quận, huyện, phường tiến độ giải ngân chậm, mới đạt khoảng 19% cho 11 dự án. Điều này đã khiến kéo dài vốn từ năm 2019 sang năm 2020. Đề nghị lãnh đạo BQLDA công trình văn hóa, xã hội TP cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của ban và các ban liên quan, giải pháp trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình trên.
Quan tâm đến dự án hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 (công trình trọng điểm của TP), đại biểu Đoàn Nhật Cường (tổ đại biểu Mê Linh) nêu, năm 2020, thành phố có bố trí kế hoạch vốn 50 tỷ đồng, tuy nhiên mới giải ngân được 5,8 tỷ đồng; Đề nghị Giám đốc BQLDA công trình giao thông làm rõ nguyên nhân, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới?
Đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ đại biểu Nam Từ Liêm) nêu báo cáo của BQLDA đường sắt đô thị cho thấy, đến 31/7/2020, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn giao mới đạt 27%. Đây là một trong số những Ban được giao vốn giải ngân lớn song tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với tỷ lệ giải ngân chung của các BQLDA của TP. Vì thế đại biểu muốn làm rõ hơn những nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm này và cho rằng các giải pháp mà Ban đưa ra chưa thật sự khả thi để tháo gỡ vướng mắc.
Đơn vị tư vấn thiết kế không có sự hợp tác
Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Nghinh, Giám đốc BQLDA văn hóa, xã hội TP Hà Nội Nguyễn Trường Sơn cho biết, năm 2020, Ban được giao 63 dự án, trong đó có 29 dự án chuẩn bị đầu tư, 34 dự án xây dựng kế hoạch, với tổng số vốn là hơn 816 tỷ đồng. Tính đến nay, ban đã giải ngân được hơn 382 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch năm 2020.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn giải trình |
Thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân chung của ban chưa đạt mục tiêu chung đề ra song ông Sơn cũng cam kết, sẽ hoàn thành 95 - 97% kế hoạch giải ngân chung năm 2020.
Làm rõ thêm nguyên nhân chậm giải ngân các dự án trụ sở công an, Giám đốc BQLDA công trình văn hóa, xã hội TP cho biết, trong quá trình thiết kế các trụ sở, một số dự án thiết kế cho quận, huyện phải điều chỉnh thiết kế một số hạng mục theo mẫu thiết kế mới của Bộ Công an, dẫn đến tình trạng hồ sơ phê duyệt “vòng đi, vòng lại” để thẩm tra, thẩm định.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết nếu theo đúng tiêu chuẩn này thì một số dự án sẽ vượt mức đầu tư được duyệt. Vì vậy, tinh thần của ban sẽ phối hợp với ngành Công an để xem xét những thiết bị cần thiết sẽ bổ sung, cái gì sẵn có sẽ cố gắng sử dụng lại. “Khả năng giải ngân của các trụ sở công an sẽ đạt được 85 - 90%, phần còn lại sẽ điều hòa trong các dự án nội bộ của ban”, Giám đốc BQLDA công trình văn hóa, xã hội cam kết.
Trả lời về tình hình triển khai dự án hầm chui Lê Văn Lương, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết: “Hiện dự án đang chuẩn bị khởi công, nếu được phê duyệt kết quả, sắp tới ký hợp đồng xong chúng tôi sẽ giải ngân xong 50 tỷ đồng và xin đăng ký giải ngân thêm 30 tỷ đồng nữa.
Giải trình về công trình trụ sở Thành ủy Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhưng nay giải ngân được 70%, BQLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội cho biết, trong quá trình triển khai, dự án phải điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục để bảo đảm công trình sử dụng hiệu quả, phù hợp với đặc thù hoạt động của cơ quan Thành ủy. Ban Quản lý dự án đã đôn đốc nhà thầu, tư vấn thiết kế bằng văn bản cũng như các cuộc họp nhưng đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH Ánh Dương thuộc tập đoàn Sun Group rất chậm chễ trong việc hoàn thành hồ sơ điều chỉnh.
“Có những buổi chúng tôi phải hoãn họp do đơn vị tư vấn thiết kế không có sự hợp tác, cử người họp không đúng thành phần, không giải quyết được nội dung công việc. Tháng 9/2020, chúng tôi tiếp tục đôn đốc thực hiện các thủ tục, cố gắng trong năm nay hoàn thành giải ngân 100%”, Giám đốc Ban quản lý cho biết.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại phiên giải trình |
Liên quan tới trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, các đại biểu cũng đề nghị: Giám đốc Sở Xây dựng cho biết những vướng mắc về bố trí nhà tái định cư, hướng giải quyết trong thời gian tới? Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân quản lý giải ngân dự án đầu tư công còn chậm? Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết những vướng mắc trong quá trình bồi thường hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư?
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, trước tình hình giải ngân chậm, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần họp với các tỉnh, thành phố để chỉ đạo và thúc đẩy kế hoạch giải ngân.
Tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo hết sức quyết liệt và mạnh mẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, thành phố cố gắng hết tháng 8/2020 đạt khoảng 53%, cố gắng giải ngân từ 97 - 100% và thực hiện giải ngân năm 2020 đến hết tháng 1/2021.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, các biện pháp, giải pháp đã được thành phố xác định. Trong đó, thành phố sẽ tiếp tục với các sở, ngành, quận, huyện, đánh giá lại tình hình và tiếp tục đưa các giải pháp thực hiện. Từ nay, đến cuối năm, thành phố quyết tâm chỉ đạo cụ thể, đồng bộ hơn trên tất cả các giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh giải phóng mặt bằng…