Việc S&P nâng xếp hạng tín nhiệm có ý nghĩa gì với kinh tế Việt Nam?
Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức BB+, triển vọng “Ổn định” |
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”.
Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã trao đổi với báo chí về kết quả xếp hạng của S&P cùng những vấn đề về xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Trương Hùng Long, việc S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam dựa trên 5 cơ sở.
Thứ nhất, nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới.
Thứ hai, triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bất chấp sự gián đoạn của đại dịch.
Thứ ba, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát COVID của Việt Nam.
Thứ tư, dư địa chính sách tài khóa vẫn dồi dào trong bối cảnh nợ công giảm mạnh cho phép nền kinh tế ứng phó với rủi ro vĩ mô.
Thứ năm, sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh.
Việc nâng hạng tín nhiệm có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam |
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, lần gần nhất S&P nâng hạng cho Việt Nam lên BB là tháng 4/2019. Như vậy, sau 4 năm S&P tiếp tục có quyết định nâng hạng cho Việt Nam.
Điều này thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội.
"Việc nâng hạng tín nhiệm có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Đối với Chính phủ, trong bối cảnh cần huy động các nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng hạng góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển với chi phí hợp lý", ông Long nhận định.
Đối với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại góp phần đa dạng hóa nguồn tài chính, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài.
Đối với quốc gia, góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.
Ông Trương Hùng Long cũng cho biết, theo thang đánh giá xếp hạng tín nhiệm của S&P, mức BBB- là mức khởi điểm xếp hạng “Đầu tư”.
Với việc Việt Nam đạt được mức BB+, là bậc ngay sau BBB- thì Việt Nam chỉ còn đúng một bậc để đạt mục tiêu của Đề án "Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2021 - 2030" đã được các cấp có thẩm quyền chính thức phê duyệt, trong đó mục tiêu của Việt Nam là tới năm 2030 sẽ đạt mức xếp hạng “Đầu tư”.
Theo ông Long, việc S&P nâng hạng tại thời điểm này tạo động lực rất lớn để Chính phủ, các bộ ngành liên quan triển khai đồng bộ, khẩn trương các giải pháp đã nêu tại đề án. Đó là các giải pháp tổng thể phát huy các thế mạnh hiện có trên tất cả các ngành lĩnh vực, phủ rộng các hoạt động về kinh tế, an sinh xã hội, môi trường.
Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, hai trụ cột Việt Nam cần cải thiện là về quản trị, cụ thể là cải thiện chất lượng thể chế, quản trị, công khai minh bạch dữ liệu và thứ hai là về khả năng chống chọi đối với các sự kiện bên ngoài.
Về quản trị, chúng ta cần tiếp tục cải thiện các chỉ số quản trị đã được công bố toàn cầu, nâng cao các tiêu chuẩn công bố dữ liệu và cải thiện chất lượng và tính kịp thời của dữ liệu cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trên thực tế, đây là các định hướng, nhiệm vụ Chính phủ đã chỉ đạo sát sao để các bộ, ngành, cơ quan có liên quan cùng thực hiện.
Ngoài ra Việt Nam cần cải thiện khả năng chống chọi với các rủi ro bên ngoài. Cần cải thiện hơn nữa các vấn đề mang tính cơ cấu ở khu vực ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước để đảm bảo hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách Nhà nước.