Việt Nam mong muốn hợp tác công nghệ cao, đổi mới sáng tạo với Israel
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng chào mừng Ngài Bộ trưởng cùng các doanh nghiệp Israel thăm Việt Nam trong dịp hai nước đang kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1993-2023); Đánh giá chuyến thăm và việc tổ chức Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Israel là bước triển khai thiết thực kết quả chuyến thăm chính thức Israel của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (tháng 7/2023) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel vừa được ký kết.
Thủ tướng khẳng định là đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, cấm vận với hậu quả rất nặng nề và kéo dài, Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng "4 không": Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Trong tổng thể đường lối đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Việt Nam–Israel. Thủ tướng đánh giá cao những sáng kiến, ý tưởng của Ngài Bộ trưởng đối với sự phát triển của nền kinh tế Israel mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi. Thủ tướng cũng thông báo việc Việt Nam cấp visa điện tử cho công dân tất cả các nước từ 15/8, trong đó có Israel; đồng thời hoan nghênh việc hai bên xúc tiến chuẩn bị mở đường bay thẳng.
Thủ tướng đánh giá cao những sáng kiến, ý tưởng của Ngài Bộ trưởng đối với sự phát triển của nền kinh tế Israel mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Để thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển tích cực, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; Thúc đẩy việc tổ chức và triển khai có hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai bên như Ủy ban liên Chính phủ.
Đánh giá hai nền kinh tế có nhiều thế mạnh bổ trợ cho nhau, Thủ tướng đề nghị hai bên sớm triển khai có hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam–Israel và nghiên cứu đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước; Tạo thuận lợi cho các hoạt động trao đổi đoàn doanh nghiệp, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; Israel tăng cường nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, rau quả tươi, thực phẩm chế biến và các sản phẩm gia dụng…
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác về đổi mới sáng tạo, lĩnh vực công nghệ cao, hợp tác về biển, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có hợp tác ứng phó khô hạn tại các tỉnh miền Trung; Đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Israel với ASEAN. Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi và lời mời thăm chính thức Việt Nam tới Ngài Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Về phần mình, Bộ trưởng Nir Barkat khẳng định Chính phủ Israel luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Chia sẻ với Thủ tướng về định hướng, chính sách, kinh nghiệm phát triển của Israel, Bộ trưởng cho rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng, vươn lên mạnh mẽ, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Với nền kinh tế năng động, Việt Nam không chỉ có thị trường 100 triệu dân mà còn là cửa ngõ của thị trường ASEAN với 600 triệu người.
Bộ trưởng Nir Barkat cho biết phía Israel đang nỗ lực phối hợp với phía Việt Nam để sớm hoàn tất các thủ tục liên quan để Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam–Israel sớm đi vào thực thi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thông báo tới Thủ tướng kết quả làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Nir Barkat cho biết phía Israel đang nỗ lực phối hợp với phía Việt Nam để sớm hoàn tất các thủ tục liên quan để Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam–Israel sớm đi vào thực thi.
Bộ trưởng đồng tình cao với định hướng thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp hai nước; Hợp tác công nghệ cao, y học, chống sa mạc hóa, hợp tác biển, nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Israel hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp start-up trong tổng số dân khoảng 10 triệu người.
Đánh giá cao vẻ đẹp của đất nước và sự thân thiện, mến khách của con người Việt Nam, Bộ trưởng Nir Barkat cho rằng du lịch cũng là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước.
Ông cho biết trên cương vị Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp, Chủ tịch phân ban Israel trong Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam–Israel, sẽ luôn ủng hộ, phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Israel, nhất là trong những lĩnh vực mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam và Israel phát triển tích cực. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, các bộ, ngành, địa phương, và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực. Đáng chú ý, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Israel liên tục gia tăng, năm 2022 là 2,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu khoảng 800 triệu USD; Nhập khẩu 1,4 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch song phương đạt 1,6 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu 404 triệu USD và nhập khẩu 1,2 tỷ USD. Tính đến tháng 5/2023, Israel có 40 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng số vốn 140,6 triệu USD, tại Việt Nam. |