Vui xuân đậm văn hoá, ấm áp tình thân của người Hà Nội
Lãnh đạo TP xuống đồng động viên nông dân cấy vụ Xuân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khai bút đầu Xuân tại Hà Nội "Trên đường đi lễ xuân đầu năm" rộn những bước chân vui |
Gia đình trên hết
Một điều dễ nhận thấy, những năm gần đây nhiều người có xu hướng đón Tết bên người thân nhiều hơn. Bạn Hiền Anh (Long Biên, Hà Nội) tâm sự: "Có lẽ, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mọi người thấy rõ được tầm quan trọng của mái ấm gia đình, của tình thân nhiều hơn nên tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để ở bên những người ruột thịt của mình".
Chị Hà Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cả quê nội, quê ngoại mình đều gần nên những ngày Tết và khi ra xuân chị chạy đi chạy lại liên tục. "28 Tết mình về ngoại, 29 về nội, 30 ra Hà Nội đi đón giao thừa ở hồ Gươm xong sáng mùng 1 lại về nội, mùng 2 về ngoại. Lúc thì đi ô tô, lúc thì gia đình mình di chuyển bằng xe buýt, rất tiện lợi.
Gia đình quây quần vớt bánh chưng |
Ra giêng hội xuân, du xuân nhiều, cả nhà mình lại lên đường cùng nhau, vui lắm. Quanh năm bận rộn, rảnh chút lại về cho ông bà vui, con cháu cũng thấm đẫm gia đạo, được hưởng không khí đầm ấm của gia đình", chị Liên kể.
Sau khi đón Tết tại gia đình riêng và anh em tập hợp chúc Tết tại quê, đại gia đình anh Hoàng Tùng (Thanh Xuân, Hà Nội) chọn một điểm nghỉ dưỡng tại Ba Vì để cả nhà tụ tập đón xuân. Anh Tùng cho biết: "Dù tất cả anh em chúng tôi đều có xe ô tô riêng nhưng vẫn thuê một chiếc xe to để cả nhà cùng được ngồi với nhau trên một chiếc xe. Trên đường đi chúng tôi được tận hưởng cảm giác du xuân cùng nhau.
Ngày xuân không thể tránh khỏi việc nhấp vài chén rượu nên việc không lái xe sẽ khiến chúng tôi yên tâm, thoải mái hơn với những ngày nghỉ bên gia đình".
Cùng nhau lan tỏa nét đẹp văn hóa
Một điều dễ nhận thấy rằng, khi gia đình có nhiều thời gian gắn bó bên nhau thì sẽ là môi trường lý tưởng để hình thành nên nếp nhà. Anh Lâm (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết những ngày Tết và trong những buổi tụ họp đầu xuân cả gia đình luôn nhắc những người phải lái xe không được uống rượu, bia. Bản thân anh và các anh em cũng đã ý thức cao nhưng dưới sự nhắc nhở của người thân thì họ đều chấp hành nghiêm chỉnh.
"Tết năm nay "thoát" được "nạn" nài ép uống rượu", anh Minh Đức (Thanh Oai, Hà Nội) vui mừng cho biết. Anh kể rằng như mọi năm về quê, gặp mặt bạn bè thì kiểu gì cũng say đến không biết trời đất gì. Mỗi người một câu kiểu "cả năm mới có một ngày gặp mặt", "không uống là không tôn trọng nhau", mỗi người một vài chén, cuối buổi thì hoặc vợ phải đến đưa về, hoặc anh em họ hàng dìu về nhà trong tình trạng say bí tỉ.
Năm nay việc đó tự động "biến mất". Rất ít chỗ anh phải nhấp môi. Mọi người hỏi nhau: "Anh có lái xe không?" nhưng dù không lái thì cũng chỉ uống lấy vui chứ không ai cố ép nữa.
"Xuân không vì thế mà kém vui, thậm chí còn vui hơn xưa. Chẳng hạn trước đây các bà vợ rất ghét cho chồng đi gặp mặt bạn bè, đồng niên vì lo uống say, lo tệ nạn, tai nạn. Còn giờ đây thì các bà cho đi thoải mái, thậm chí đòi đi cùng.
Trước đây có khi uống xong về sáng hôm sau tỉnh thường phải nín thở, nếu không nghe tin người nọ người kia bị tai nạn, phải đi cấp cứu thì mới thở phào nhẹ nhõm. Giờ đây khỏi phải lo chuyện đó nữa.
Những giá trị gia đình còn mãi khi mỗi người cùng vun đắp, gắn bó với nhau (Ảnh minh họa) |
Không mất thời gian uống rượu thì vẫn có thời gian trò chuyện rôm rả với nhau. Bên cạnh đó, mình cũng giúp được ông bà trang hoàng nhà cửa, tiếp khách, giúp vợ quản lý con, lo cỗ bàn, trong nhà vui vẻ hẳn. Mọi năm say xong là đi ngủ, không được hưởng trọn vẹn không khí đầm ấm gia đình như năm nay", anh Minh Tâm (Thạch Thất, Hà Nội) tâm sự.
Ra xuân, nhiều gia đình chọn thời điểm khởi đầu năm mới để mừng thọ cho các bậc cao niên. Chị Thanh (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ: "Các cụ thêm tuổi thì mình thêm vui nhưng nhiều khi nhiều đám làm rải rác, cả tuần cỗ bàn rất sợ. Kéo theo đó là tâm lý nhà nọ làm bé, nhà kia làm to. Giờ đây, người dân quê tôi thực hiện nghiêm theo chính quyền, cứ mùng 4 Tết đồng loạt tổ chức.
Họ hàng làng xóm đến chúc mừng vui vẻ một lúc rồi về, các đại gia đình tự bày biện cỗ bàn với nhau, tránh tâm lý so sánh hơn thua. Bây giờ mọi quy mô đều giản tiện, các đại gia đình chung vui với nhau là chính nên các thành viên sẽ cảm thấy gắn bó hơn, không phải "chịu gánh nặng" về tiếp khách, chi phí tổ chức...".
Trong 9 nhóm nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo Chỉ thị 30-CT/TU Hà Nội vừa ban hành, Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý…; xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc là một vấn đề rất đáng quan tâm.
Bởi lẽ, gia đình là tế bào của xã hội, nơi hình thành, bồi đắp các giá trị văn hóa cho từng cá nhân. Do đó, việc cùng nhau gắn bó, hình thành gia đạo, nề nếp gia phong của mỗi nếp nhà sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì, phát triển văn hóa người Hà Nội trong giai đoạn mới.