Xây dựng Bình Dương thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã đề ra mục tiêu tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Cùng với đó, tỉnh cũng xác định đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các khâu đột phá chiến lược. Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Đại hội cũng đề ra mục tiêu ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời tăng cường hoạt động đối ngoại. Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Dây chuyền sản xuất động cơ của Công ty Bonfiglioli - KCN Mỹ Phước 3. Ảnh: Quốc Chiến |
Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Báo cáo Chính trị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh 4 chương trình đột phá chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 gồm: Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Đối với chương trình tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên, dự thảo nêu rõ quan điểm: Phát triển đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Đây là một trong những yếu tố quyết định việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nhằm bổ sung lực lượng, đảm bảo tính kế thừa, tính phát triển của Đảng; đáp ứng yêu cầu trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên…
Cùng với đó, phát triển đảng viên tại tỉnh phải đi đôi với với nâng cao chất lượng. Về cơ cấu, cần có trọng tâm, chú trọng nguồn phát triển đảng viên là nữ, đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn.
Từ quan điểm này, Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ có thể kết nạp theo hai phương án, cụ thể là kết nạp được 9.500 đảng viên và kết nạp được 8.500 đảng viên. Trong đó, phấn đấu trong Đảng đạt cơ cấu nữ chiếm từ 40% trở lên; đoàn viên thanh niên từ 65% trở lên; công nhân lao động trong các thành phần kinh tế 25% trở lên.
Về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, dự thảo hướng đến mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, kỹ năng, có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và thị trường lao động của tỉnh. Nguồn nhân lực của tỉnh có đủ khả năng tham gia vào quá trình vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với tình trạng nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm và tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Hơn nữa, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đảm bảo bố trí công chức, viên chức phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm đã được xác định trong các cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ giáo viên các trường Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp có trình độ sau đại học đạt 25 %. Đến năm 2025 ít nhất trên 30% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở đi học nghề...
Dây chuyền sản xuất dây điện. Ảnh: Xuân Thi |
Đối với chương trình tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, hướng đến phát triển đồng bộ các dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị, đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Vì vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bình Dương tập trung cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội, xây dựng “hệ sinh thái” dịch vụ để tạo đột phá trong phát triển dịch vụ.
Chương trình tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương là để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; Đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần đưa tỉnh Bình Dương thành trung tâm công nghiệp hiện đại và là đô thị thông minh trong tương lai.
Cụ thể, tỉnh xác định tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm đầu tư Vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22; Đặc biệt là sớm đầu tư cầu qua sông Sài Gòn trên tuyến.
Cùng với đó là kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải sớm đầu tư đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Đề xuất thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, thực hiện đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng trong giai đoạn 2026 – 2030…
Bên cạnh đó, các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh Bình Dương phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2020-2025 như: Đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng dài 48,8km; Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Vĩnh Bình (Km1+315) đến ngã tư Lê Hồng Phong (Km13+990) dài 12,67km với quy mô 8 làn xe…
Để chia sẻ áp lực với hệ thống đường bộ, tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai Quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, thực hiện kêu gọi đầu tư một số cảng như: Cảng An Sơn, cảng An Tây, cảng Rạch Bắp, cảng cạn An Điền, cảng Phú Cường Thịnh, cảng Thanh An, cảng Tân Vạn, cảng Thái Hòa, cảng Nguyên Ngọc...
Với sự quyết tâm và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Dương, hi vọng tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm, đưa Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015 - 2020 TTTĐ - Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, chiều 13/10, tại Trung tâm Hành chính tỉnh, UBND tỉnh đã ... |
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI tiến hành họp phiên trù bị TTTĐ - Sáng 13/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tiến hành họp phiên trù bị, ... |
Niềm tin, kỳ vọng hướng về Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI TTTĐ - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 13-16/10/2020 là sự kiện ... |
350 Đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI TTTĐ - Chiều nay (9/10), Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ ... |