Xây dựng lại chung cư cũ, chỉnh trang phố cổ nhằm tái thiết đô thị
Diện mạo Thủ đô đã từng bước đổi thay
Theo TS Đỗ Xuân Trọng, trường Đại học Luật Hà Nội, với hành lang pháp lý hiện có, trong những năm qua, Hà Nội quan tâm triển khai phát triển các khu đô thị, nhà ở, tăng tỷ lệ diện tích nhà ở bình quân đầu người, hình thành diện mạo Thủ đô ngày càng hiện đại, năng động.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP đã hoàn thành 25 dự án nhà ở xã hội với 1,25 triệu m2 sàn, đang triển khai 52 dự án với tổng diện tích 4,14 triệu m2 sàn; Triển khai 40 dự án nhà ở phục vụ tái định cư với 1,62 triệu m2 sàn.
Trên địa bàn TP có trên 340 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được hoàn thành với tổng diện tích 21,56 triệu m2 sàn (vượt so với kế hoạch 1,14 triệu m2, tương đương 9.503 căn hộ).
Ngoài ra, hiện có trên 90 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại với 34,69 triệu m2 sàn đang được xem xét, đưa vào kế hoạch tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới.
TP Hà Nội đã tiến hành rà soát, xác định trên địa bàn hiện có trên 1.570 nhà chung cư cũ, quy mô từ 2 đến 5 tầng, tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành cũ. Nhiều nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm.
Ngành chức năng đã tiến hành kiểm định được 401 chung cư cũ (245 nhà cấp B, 148 nhà cấp C và 8 nhà cấp D, trong đó có 2 dự án đã hoàn thành, 2 dự án đang triển khai, 4 dự án chưa chọn được nhà đầu tư; Các nhà cấp D đang được tổ chức di dời cư dân); Thực hiện việc di dời người dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Đến nay, TP đã hoàn thành xây dựng mới và đưa vào sử dụng đối với 18 chung cư cũ, 14 dự án đang được triển khai; Thành phố đã giao 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để thực hiện cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư, đồng thời có nhiều biện pháp để ưu đãi, kêu gọi nhà đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ.
Giải quyết vấn đề còn tồn tại
Việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành chậm và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Cùng với đó, năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn ở một số dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác rà soát, đánh giá, lập danh mục khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp để công bố thu hút đầu tư còn chậm, thậm chí rất chậm.
Chẳng hạn như, ở quận Đống Đa, Hoàn Kiếm là khu vực còn tồn tại nhiều khu dân cư cũ, cơ sở hạ tầng đang trên đà xuống cấp, quỹ đất hẹp nên đang rất thiếu các không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao của người dân...
Đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử thiếu cơ chế quản lý.
Trên cơ sở kế thừa Điều 16 Luật Thủ đô năm 2012, Điều 30, Điều 32 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị trên cơ sở phù hợp chủ trương: “Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững các công trình, không gian lịch sử văn hóa tại khu vực nội đô lịch sử” trong Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Một chung cư đã cũ ở Hà Nội (Ảnh minh họa) |
Theo đó, điểm mới nhất là sẽ xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở cũ. Về điểm mới này, TS Trọng góp ý, cũng cần cần xem xét khi chưa làm rõ việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp phải tuân thủ quy hoạch nào đã được phê duyệt trong khi vấn đề nhà chung cư, nhà ở tại Hà Nội liên quan đến rất nhiều quy hoạch…
Dự thảo luật quy định thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp.
Thứ hai là vấn đề cải tạo, chỉnh trang phố cổ, phố cũ với những điểm mới về thẩm quyền của HĐND TP, UBND TP, thành lập Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
Những điều trên theo TS Trọng thì hoàn toàn cần thiết để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước cũng như tạo ra cơ chế đặc thù trong việc sử dụng các nguồn lực để phát triển Thủ đô.
Đề xuất về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị
Trong bối cảnh lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Đỗ Xuân Trọng cũng có một số đề xuất để nâng cao hơn nữa hoạt động cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị thông qua xu hướng xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở cũ, chỉnh trang phố cổ, phố cũ trong thời gian tới.
Đầu tiên là việc bổ sung khoản 2 Điều 30 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về yêu cầu của việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp.
Cụ thể, quy định hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Qua đó đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Thủ đô và Luật Nhà ở.
Cùng với đó, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước - thông qua chính quyền Thủ đô trong việc cân bằng lợi ích giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp với các giải pháp cho từng chủ thể là người dân và chủ đầu tư.
Vấn đề cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội được xã hội quan tâm (Ảnh minh họa) |
Đối với người dân, cần phải tiến hành khảo sát, lấy ý kiến người dân ở các khu chung cư cũ, nhà ở cũ, xuống cấp về phương án thiết kế, chính sách di dân và các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ. Qua đó, tạo tâm lý sẵn sàng cho người dân vừa có thể tham khảo ý kiến người dân ở khu vực này.
Dự thảo luật cũng cần tạo cơ chế để người dân sở hữu chung cư cũ, nhà ở cũ được góp vốn cùng nhà đầu tư để cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ; Sau đó người dân sẽ có những ưu đãi nhất định trong việc chọn căn, chọn tầng tuỳ theo tỷ lệ vốn góp.
Người dân có thể tham gia giám sát cộng đồng đối với dự án, đảm bảo thực hiện theo đúng tiến độ, thiết kế đã được thông qua.
Đối với nhà đầu tư được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; với các hộ nhất định không chịu di dời, chính quyền sẽ có biện pháp cưỡng chế để đảm bảo tiến độ dự án.
Thứ hai, sửa đổi thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội tại điểm b khoản 5 Điều 30 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo hướng: “b. Chính sách, niên hạn sử dụng các nhà chung cư cao tầng phù hợp với quy định của pháp luật nhà ở” để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật nhà ở.
Thứ ba, bổ sung thẩm quyền cho HĐND TP Hà Nội trong việc quy định hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để tạo ra các “chính sách đặc thù” cho Thủ đô trong bối cảnh hiện nay và đây là cơ sở phát huy tính sáng tạo cho chính quyền Thủ đô trong từng giai đoạn.