Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc - Bài 1: Những mô hình độc đáo, sáng tạo
Giữ vững danh hiệu làng văn hóa... Khai mạc triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam Thôn Tảo Dương đón nhận danh hiệu Làng văn hóa kiểu mẫu |
Nhân dân ủng hộ, đồng thuận
Thời gian qua, việc triển khai một số nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về việc thông qua đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Ông Bùi Hồng Đô - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh |
Tỉnh Vĩnh Phúc dành 2.610 tỷ đồng để xây dựng 60 làng văn hóa kiểu mẫu. Đó là những khu dân cư hiện đại, văn minh, sạch đẹp với các mô hình kinh tế và văn hóa đa dạng. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sẽ nhận được nhiều chương trình hỗ trợ. Đơn cử như: Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi mô hình siêu thị mini mới có diện tích tối thiểu 200m2; Hỗ trợ 100 triệu đồng đối với mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của địa phương với diện tích tối thiểu 100m2.
Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết: Việc triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn thời gian qua đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Phong trào xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các địa phương ngày càng sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân... Đến nay, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở địa phương bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị triển khai thực hiện đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh |
Đến thời điểm hiện tại trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi công 26 Làng văn hóa kiểu mẫu. Trong đó, các huyện: Bình Xuyên có 3; Sông Lô 3; Yên Lạc 3; Tam Đảo 5; Vĩnh Tường 4; Lập Thạch 2; Tam Dương 3; TP Vĩnh Yên 1; TP Phúc Yên 2.
Trong tháng 7, tỉnh Vĩnh Phúc có thêm làng Lập Đinh (xã Ngọc Thanh, thành phố Vĩnh Yên) và Làng Đông, Quảng Cư (xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch) khởi công xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa cộng đồng theo thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu.
Riêng TP Vĩnh Yên đang nghiên cứu xây dựng 2 tuyến phố đi bộ vào cuối tuần là Trần Quốc Tuấn và Hai Bà Trưng với thiết chế đô thị văn minh kết hợp với phát triển kinh tế đêm thu hút du khách.
Mỗi mô hình điểm du lịch cộng đồng được tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng nếu có bãi đỗ xe, khu lễ tân, khu vệ sinh công cộng, có tối thiểu hai dịch vụ phục vụ khách trải nghiệm. Mỗi mô hình homestay mới xây dựng sẽ được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng; 300 triệu đồng cho mô hình farmstay kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Người được hỗ trợ phải cam kết kinh doanh đúng dịch vụ du lịch đã đăng ký, thời gian phục vụ khách du lịch tối thiểu 60 tháng trở lên kể từ ngày nhận hỗ trợ…
Ban chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc đã phân công nhiệm vụ cho từng ngành, tổ chức thực hiện các tiêu chí, chính sách hỗ trợ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phân công đảm nhận các tiêu chí. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các mô hình sản xuất mới; Sở Xây dựng hướng dẫn quy hoạch kiến trúc, cảnh quan; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các mô hình du lịch... Tất cả hệ thống chính trị đều tham gia thực hiện chủ trương quan trọng này.
Các ngành còn phải xây dựng hướng dẫn riêng đối với các tiêu chí liên quan. Thí dụ, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn triển khai các tiêu chí về thông tin và truyền thông. Ðối với Tiêu chí 6.1 về hệ thống loa truyền thanh, các làng phải có hệ thống loa hoạt động thường xuyên và các cụm loa đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin đến hộ dân; Ðối với Tiêu chí 6.2 về mạng wifi công cộng, phải có mạng wifi miễn phí tại nhà văn hóa. Mạng wifi tại nhà văn hóa có đường truyền kết nối internet băng thông rộng tốc độ từ 200 Mbps trở lên.
Phát triển các mô hình kinh tế trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu
Thôn Thụ Ích, xã Liên Châu, là một trong 3 thôn của huyện Yên Lạc được chọn thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu năm 2023. Bám sát bộ tiêu chí để xây dựng đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu về phát triển kinh tế và Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, xã Liên Châu đã rà soát và lựa chọn một số mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương như: Mô hình xây dựng vườn sản xuất (trồng phật thủ, cây tía tô, rau theo tiêu chuẩn VietGAP…); Mô hình nuôi cá…
Mô hình nuôi cá tại thôn Thụ Ích 1, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc |
Tận dụng diện tích ruộng ngập nước, hồ đầm của địa phương, một số hộ dân trên địa bàn thôn Thụ Ích đã tiến hành thầu để đầu tư nuôi thả cá với diện tích trên 20ha đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Trần Trung Anh, ở thôn Thụ Ích 1, mỗi năm gia đình anh đầu tư khoảng 220 triệu đồng mua cá giống về thả nuôi sau 7 tháng cho thu hoạch từ 26-30 tấn cá, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Hy vọng với những chính sách đặc thù hỗ trợ của tỉnh, anh và các hộ sẽ sớm được hỗ trợ vay vốn để mở rộng diện tích nuôi trồng, góp phần nâng cao thu nhập.
Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Đông (xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hiện đang là địa điểm du lịch, check-in thu hút rất đông du khách. Nơi đây níu chân du khách bởi khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với những đóa sen đồng loạt bung nở, tỏa hương thơm ngát và có di tích đền đá Phú Đa hơn 300 tuổi.
Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh Toàn, ở thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu đem lại việc làm thường xuyên cho hơn 10 công nhân với thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng |
Ông Phí Văn Liệu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vĩnh Tường cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với UBND huyện Vĩnh Tường, xã Phú Đa triển khai dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN trồng sen quy mô tại thôn Đông, xã Phú Đa”.
UBND xã Phú Đa đã phối hợp làm việc với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; Đồng thời lấy ý kiến của người dân trên địa bàn thôn Đông; Tiến hành vận động, tuyên truyền và thống nhất với Nhân dân để tạo sự đồng tình thực hiện xây dựng mô hình khoa học và công nghệ có hiệu quả.
Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương hướng tới xây dựng sản phẩm trứng gà Ai Cập trắng là sản phẩm OCOP |
Theo đó, dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN trồng sen quy mô tại thôn Đông” đang được triển khai có diện tích khoảng hơn 2ha. Đến nay sen đã nở và đã thu hút nhiều du khách thập phương tham quan.
Ông Hoàng Quý Cường - Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết: "Ngay sau khi được chọn là một trong những địa phương xây dựng thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Thanh đã xây dựng và ban hành nghị quyết, thành lập ban chỉ đạo và kế hoạch thực hiện. UBND xã Ngọc Thanh phân công nhiệm vụ cụ thể sát với thực tế địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Xã Ngọc Thanh đã chọn thôn Lập Đinh để xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu. Mục tiêu nhằm hình thành thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của thôn, xây dựng khu dân cư văn hóa; Thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; Bảo tồn, phát huy và làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Sán Dìu; Phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, xã Ngọc Thanh đã báo cáo đề xuất hỗ trợ cho thôn Lập Đinh một số mô hình kinh tế như phát triển dịch vụ du lịch ẩm thực, phát triển homestay, trồng cây dược liệu, cây lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi các con đặc sản gắn với du lịch... từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Sau khi thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, được chọn là một trong 28 thôn xây dựng thí điểm Làng văn hóa kiểu mẫu, bên cạnh việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, xã tập trung đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, làng nghề truyền thống đá Hải Lựu được địa phương lựa chọn là một trong những mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn.
Anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu, cho biết: Hiện cơ sở của gia đình anh sản xuất và chế tác đầy đủ các sản phẩm từ đá công trình rải lát, đá mỹ nghệ, trang trí, ốp lát đến các con giống, con giáp, tạc tượng… tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động với mức thu nhập trung bình từ khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Để đáp ứng nhu cầu về số lượng cũng như thẩm mỹ của sản phẩm, anh đã đầu tư máy xẻ, máy tiện cỡ lớn và nhiều loại máy cắt nhỏ phục vụ sản xuất. Qua đó, phương thức sản xuất đá dần được cải tiến. Các sản phẩm làm ra ngày càng tinh xảo và bảo đảm số lượng lớn. Thu nhập của người làm nghề cũng ổn định và ngày càng nâng cao. Các sản phẩm đá của gia đình anh không chỉ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh mà đã xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Úc, Mỹ thông qua một số công ty xuất nhập khẩu.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Tiến Trung - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hải Lựu là xã miền núi của huyện Sông Lô, có làng nghề chế tác đá, lễ hội chọi trâu truyền thống và vườn chim sinh thái là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, thu hút đông đảo du khách đến tham quan hằng năm. Phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, xã chọn nghề chế tác đá Hải Lựu, trồng lúa hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, thịt trâu sấy, mật để phát triển kinh tế địa phương gắn với phát triển du lịch”.
Riêng nghề chế tác đá truyền thống, tại Hải Lựu có hơn 10 cơ sở sản xuất với khoảng 150 lao động làm nghề; Đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chiếm trên 20% tổng thu nhập của xã. 10 cơ sở sản xuất chế tác đá doanh thu mỗi năm đạt từ 2 tỷ - 3 tỷ đồng mỗi cơ sở.
Bên cạnh đó, xã xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích hơn 20ha tại thôn Hòa Bình; Mở rộng mô hình chế biến thịt trâu sấy, mật ong tại các hộ gia đình, góp phần thu hút lao động, mang lại thu nhập cho người dân. Đồng thời, xã hỗ trợ đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm đặc trưng của xã.
Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Sán Dìu sẽ được bảo tồn và phát triển |
Cũng là một trong 28 địa phương được chọn thí điểm xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, thôn Viên Du Hòa, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương xác định phát huy lợi thế từ các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao sẵn có của địa phương như: Mô hình nuôi gà đẻ trứng, mô hình vườn hoa cây cảnh, mô hình cửa hàng tiện lợi để nhân rộng mô hình, đồng thời đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm trứng gà Ai Cập trắng của Hợp tác xã Chiến Thắng nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập đời sống tinh thần và vật chất cho người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo chung cho cả thôn.
Hiện, Hợp tác xã Chiến Thắng có 37 thành viên là các hộ đang chăn nuôi gà đẻ Ai Cập. Để tập trung phát triển kinh tế, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, các cấp chính quyền đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phát triển và định hướng xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ để tạo nguồn trứng sạch, an toàn, thân thiện với môi trường; Góp phần xây dựng thương hiệu trứng gà Ai Cập trắng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cho địa phương. Tuy nhiên để phát triển hiệu quả các mô hình, địa phương cần sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng về vốn, hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Ông Bùi Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thanh Vân cho biết: "Hầu hết các mô hình đã hình thành tại địa phương còn nhỏ lẻ, chưa tập trung. Với cơ chế chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền, chúng tôi sẽ vận động người dân nhân rộng và phát triển mô hình.
Riêng mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ trứng, địa phương dự kiến sẽ phát triển để đăng ký sản phẩm OCOP vùng miền. Ngoài ra địa phương còn chú trọng phát triển mô hình vườn hoa cây cảnh, hệ thống siêu thị mini nhằm nâng cao thu nhập cho người dân".
(Còn nữa)