Xây dựng lương cán bộ, công chức tiệm cận khu vực doanh nghiệp
Nhất quán ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương |
Sáng 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được cử tri và đại biểu quan tâm.
"Đây là nguồn tái tạo sức lao động nhưng cũng là động lực để cán bộ, công chức, người lao động tham gia cống hiến, phát triển đất nước", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương chưa thực hiện được do nguồn lực còn khó khăn.
Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng trích lập lương, tăng thu, giảm chi và hiện đã có 560 nghìn tỷ đồng phục vụ cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết năm 2026.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết, song song với cải cách tiền lương trong khu vực Nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp tiệm cận với nhau.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động.
"Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan nghiên cứu xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực Nhà nước cho phù hợp", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Nói về các đột phá chiến lược thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sẽ không chọn ưu tiên nào trong 3 đột phá là thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng mà cần đảm bảo hài hòa, hợp lý phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn.
Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định có tình trạng thủ tục hành chính còn rườm ra, cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Vì vậy, giải pháp trong thời gian tới là đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức và tăng cường giáo dục, truyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Thủ tướng, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát cắt giảm thủ tục còn rườm rà, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vừa thúc đẩy, vừa giám sát, vừa động viên.
Trong đó, giải pháp căn cơ vẫn là tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ, tăng chế tài xử lý; đồng thời, cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.