Xây dựng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh có ý nghĩa chiến lược
Ngày 27/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hội nghị đã thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Đáp ứng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với 102 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường. Trong kỳ họp, ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp để rà soát, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật này, đồng thời khảo sát và làm việc với các cơ quan tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành hội nghị |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là luật vô cùng quan trọng và cần thiết đối với việc phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, đáp ứng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị trao đổi thẳng thắn các vấn đề còn bất cập nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện Luật này khi được ban hành.
Cần có cơ chế huy động các nguồn lực
Thảo luận về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Quỹ là giải pháp phù hợp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược.
Đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư cho quốc phòng, an ninh; ngân sách quốc phòng Việt Nam phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, theo đại biểu, cần có các cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) phát biểu |
Đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh, muốn tiếp cận nhanh với nền khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiệm cận với các nước có nền công nghiệp quốc phòng, an ninh phát triển thì việc bổ sung quy định về Quỹ này nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng tính chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao phục vụ nền công nghiệp quốc phòng, an ninh nước nhà.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh có tính đặc thù và khác so với tất cả các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Đại biểu đề nghị, cần quy định đặc thù hơn so với quỹ tài chính ngoài ngân sách khác vì Quỹ này chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất các loại sản phẩm công nghiệp, quốc phòng, an ninh mới, nằm trong chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia.
Các đại biểu cũng cho rằng, Điều 20 dự thảo Luật quy định Chính phủ thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ là cần thiết để bảo đảm việc sử dụng quỹ đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội, dự thảo Luật lần này đã lược bỏ các Điều quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan (Điều 64, 65, 66 và 68); bổ sung Điều 6A quy định về cơ chế chỉ đạo liên ngành về công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, việc chỉnh lý và bổ sung như vậy là hợp lý. Bởi, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh là lĩnh vực đặc thù cần có sự tham gia liên ngành của nhiều bộ, ngành; xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là trách nhiệm của các cấp, các ngành theo đúng chủ trương của Đảng; bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế.
Một số đại biểu đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và làm rõ hơn nữa tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước, nhất là về chức năng, nhiệm vụ, thành phần tham gia, cơ quan đầu mối giúp việc, kinh phí... để làm cơ sở Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi và thiết thực.