Xây dựng thương hiệu miến dong nổi tiếng từ chữ “tín”
“Miến dong Triệu Thị Tá”
Là phụ nữ dân tộc Dao không biết chữ, nhưng với cách nghĩ, cách làm mạnh dạn, sáng tạo, chị Triệu Thị Tá đã tạo dựng cho mình thương hiệu miến dong nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
Chị Tá cho biết, ở xã Yến Dương, từ nhiều năm nay, cây dong riềng là nguồn thu nhập chính của người dân. Giống như mọi người, chị Tá cũng bắt đầu từ việc trồng dong riềng rồi đến đi buôn bột dong. Đến các tỉnh bạn, thấy mọi người sản xuất miến dong cho thu nhập cao hơn rất nhiều, chị nghĩ họ làm được thì tại sao mình không thể.
Chị Triệu Thị Tá
Năm 2011, một mình chị xuống Thái Nguyên xin làm công nhân tại một cơ sở làm miến, vừa học vừa quan sát. Sau hơn một tháng chị quay về quê mạnh dạn vay vốn đầu tư. Vốn sống ở thôn Phiêng Khăm nhưng vì đường sá đi lại khó khăn, chị bèn “hạ sơn” mua đất gần tỉnh lộ 258 thuộc thôn Nà Viễn để dựng cơ sở. Chị đặt tên cơ sở sản xuất là “Miến dong Triệu Thị Tá”.
Lúc đầu chưa nhiều kinh nghiệm nên cũng có những mẻ miến không thành. Không nản, chị rút kinh nghiệm qua những lần thất bại, dần dà sợi miến thành phẩm vừa đều, mịn, dai, có thể nấu đi nấu lại nhiều lần không bị nát.
Khi làm được rồi thì cơ sở mới thành lập nên uy tín chưa có, bản thân phải trực tiếp đi giới thiệu sản phẩm, cho không miến để mọi người dùng thử… thấy phản hồi tích cực chị lại có thêm động lực.
Thành công nhờ chữ “tín”
Với chị Tá, để làm được miến ngon, dai, giòn mà vẫn giữ được mùi thơm của dong riềng đòi hỏi người chế biến phải giàu kinh nghiệm. Ở cơ sở của chị nói không với bột dong lai, thứ bột mà theo chị sẽ làm cho miến bị cứng và không có được mùi thơm đặc trưng.
Bột mua về phải phơi khô chứ không được ủ lại, khi làm sẽ đánh sạch nước chàm qua gần 10 lượt nước để bột hết nhựa và mùi hăng, sau đó lấy ra pha nước ấm theo tỷ lệ để bột chín đều, tất cả được làm bằng tay, chỉ đến khi ép đùn mới sử đụng đến máy ép thủy lực để cho ra những sợi miến nhỏ mà dai giòn.
Từng phên miến đều tăm tắp được đem phơi khô tự nhiên dưới ánh mặt trời, công đoạn ngày tưởng chừng như đơn giản mà lại đòi hỏi người làm miến phải chú trọng. “Bằng con mắt tinh tường, những người làm miến ở đây biết được khi nào đủ độ nắng sẽ thu miến về, miến không còn ướt, đảm bảo sử dụng được trong trời gian dài, miến không quá khô, tránh bị gãy sợi. Nhìn miến khô mà trong, không đục là miến đạt tiêu chuẩn cả về hình thức và chất lượng”, chị Tá chia sẻ.
Sản phẩm miến dong của chị Tá
Từ năm 2012, cơ sở sản xuất “Miến dong Triệu Thị Tá” được cấp giấy phép kinh doanh, có bao bì riêng và đăng ký nhãn hiệu. Với mặt bằng hiện có là hơn 1000m2, mỗi ngày, cơ sở sản xuất tiêu thụ khoảng 1 tấn bột và cho 5 tạ miếng dong thành phẩm. Vào mùa, số lượng lại tăng lên gấp đôi. Mỗi năm, cơ sở cho ra hơn 30 tấn miến thành phẩm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, năm 2015, cơ sở phấn đấu nâng mức sản phẩm đạt 50 tấn.
Mặc dù phương pháp sản xuất miến rất thủ công đòi hỏi nhiều nhân công lao động nhưng để giữ vững thương hiệu, chị Triệu Thị Tá cho biết sẽ không thay đổi phương thức. Đây cũng là cách để tạo nguồn thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Hiện nay, những nhân công của chị Tá đều là những người làm nghề lâu năm, đảm bảo làm tốt trong từng công đoạn.
Hiện tại, chị Tá không cần phải mang miến đi đâu bán nữa, bởi đã có nhiều tiểu thương đến đặt hàng trước. Từ làm miến dong, trừ chi phí chị Tá bỏ túi khoảng 400 triệu đồng/năm. Vui hơn cả là chị được nhiều khách hàng yêu mến, tin tưởng.