Xe buýt - “Xương sống” trong vận tải hành khách công cộng
Bộ mặt giao thông đô thị văn minh
Trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt cả về phương tiện lẫn thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé. Những việc làm tốt, những hành động đẹp trên xe buýt đã được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông, góp phần xây dựng văn hóa xe buýt thân thiện, chuyên nghiệp.
Là người dân thường xuyên di chuyển bằng xe buýt, bà Đỗ Thị Hằng (phường Kim Mã, quận Ba Đình) cho biết: “Lựa chọn đi xe buýt là sự lựa chọn rất hợp lý, đặc biệt là đối với người cao tuổi như tôi thì đi xe buýt luôn đảm bảo an toàn. Chất lượng dịch vụ xe buýt có sự chuyển biến rõ rệt trong những năm gần đây, thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên bán vé đa phần rất thân thiện và văn minh, coi khách hàng là trung tâm phục vụ”.
Cũng giống bà Đỗ Thị Hằng, chị Kiều Lan Anh (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Tôi làm việc tại quận Hoàn Kiếm, quãng đường di chuyển từ nhà tới cơ quan không quá xa nhưng tôi lựa chọn xe buýt để đi lại hàng ngày. Tôi nhận thấy rằng, các tuyến xe buýt hiện nay được kết nối khá đồng bộ, hợp lý, tạo thuận lợi cho người dân.
Chất lượng dịch vụ xe buýt có sự chuyển biến rõ rệt trong những năm gần đây, thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên bán vé đa phần rất thân thiện và văn minh |
Cũng theo chị Lan Anh, bộ mặt giao thông công cộng của thành phố trong những năm qua có sự thay đổi rõ rệt thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng được văn hóa ứng xử trên xe buýt, không còn tình trạng nổi nóng, lời lẽ không phù hợp của đội ngũ phục vụ, thậm chí họ còn giúp đỡ, bảo quản tài sản cho hành khách, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh trong khi phục vụ hành khách.
Theo lộ trình phát triển xe buýt Hà Nội, đến năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng năng lượng xanh phải đạt tối thiểu 50% và 100% xe taxi thay thế hoặc đầu tư mới phải sử dụng năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Từ lộ trình trên, có thể nhận thấy thành phố đang đẩy mạnh và ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng, trong đó có xe buýt, đây cũng là một xu hướng tất yếu mà bất kỳ đô thị nào trên thế giới cũng phải trải qua, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô.
Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh phương án giá vé xe buýt
Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trình UBND thành phố xem xét phương án giá vé mới đối với xe buýt. Tuy nhiên thông tin từ 1/7 tới sẽ tăng giá vé xe buýt là không chính xác. UBND thành Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, phương án giá vé xe buýt.
Theo thống kê của ngành giao thông vận tải, hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 153 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 128 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ năm 2014 đến nay thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014.
Những năm gần đây, xe buýt càng ngày càng hiện đại và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, tạo nên bộ mặt giao thông đô thị văn minh |
Theo tính toán, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tương ứng mỗi người chi 800.000 đồng. Trong những năm qua các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… tăng cao so với trước đây. Chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014.
Giai đoạn 2015 - 2019 đã trợ giá trung bình 1,371 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020 - 2022 trợ giá trung bình 2.230 tỷ đồng/năm (riêng năm 2022 trợ giá là 2.991 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 trợ giá 2.754 tỷ đồng).
Trong đó ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; miễn tiền vé với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Hiện hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội, số lượng thẻ vé miễn phí tăng dần theo từng năm. Do vậy, Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án tăng giá vé xe buýt.
Liên quan đến vấn đề này ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, Sở Giao thông Vận tải cũng đã có tờ trình UBND thành phố Hà Nội để đề xuất phương án tăng giá vé xe buýt. UBND thành phố Hà Nội đã xem xét, đánh giá đề xuất và giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện lại Tờ trình phương án giá vé xe buýt.