Xóa bỏ định kiến “của rẻ là của ôi” về nhà ở xã hội
Ngày 19/11, Tập đoàn Apec (Apec Group) đã tổ chức buổi tọa đàm "Đại cách mạng nhà ở xã hội - Giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người dân Việt Nam".
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Apec Group đã đưa ra phương án để giải bài toán giải quyết nhà ở xã hội, hiện đang là nhu cầu cấp thiết của người dân, đặc biệt là nhóm người thu nhập thấp, công nhân, lao động tại các khu công nghiệp.
Theo đó, Apec Group đề xuất chia làm 2 giai đoạn phát triển thị trường nhà ở xã hội tại Việt Nam. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 sẽ hoàn thành 4 triệu căn hộ, 6 triệu căn còn lại sẽ hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Mục tiêu là nhằm tập trung giải quyết vấn đề nhà ở của các đối tượng an sinh xã hội chưa có cơ hội sở hữu nhà bao gồm người có công với cách mạng, các hộ gia đình có thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, công nhân viên chức nhà nước, công an, bộ đội, học sinh, sinh viên, người tái định cư và các đối tượng khác.
Apec Group dự kiến sẽ phát triển các loại căn Studio (căn hộ độc thân), căn 1PN+, căn 2PN+, căn 3PN để đáp ứng đa số các đối tượng, cho cả nhu cầu cư trú dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Diện tích căn từ 25m2 đến 75m2, thiết kế công năng tối ưu, phù hợp với sinh hoạt của người dân Việt Nam.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Sản phẩm của công ty được xây dựng và phát triển dựa trên 5 tiêu chí cốt lõi, tập trung vào tính bền vững của từng dự án, bao gồm "Chất lượng cao – Thẩm mỹ đẹp – Sinh thái – Thông minh – Tiện ích đầy đủ".
Trong đó, công trình được thiết kế chuẩn mực và xây dựng với chất lượng cao, vật liệu bền vững với ít chi phí bảo dưỡng, đem đến sự an tâm và an toàn cho người sử dụng, đảm bảo tính linh hoạt và thích ứng cao để có thể thay đổi một cách có kế hoạch để đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu của cư dân trong suốt vòng đời dự án.
Về tính thẩm mỹ, sản phẩm được thiết kế và xây dựng với sự nghiên cứu cẩn thận và sâu sắc về thẩm mỹ nhằm phù hợp với cảm nhận của cư dân và hài hòa với bối cảnh xây dựng tại từng địa phương, thu hút người sử dụng và góp phần tạo bộ mặt đô thị.
Về tiện ích, các dự án đảm bảo cung cấp đầy đủ các tiện ích về môi trường, sức khỏe, giáo dục, thương mại... nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của cộng đồng dân cư.
Về môi trường sinh thái, các dự án luôn đảm bảo một tỷ lệ cảnh quan cây xanh mặt nước sân vườn hài hòa và phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống và sự phát triển lành mạnh của cộng đồng dân cư.
Đại diện lãnh đạo Apec Group chia sẻ tại tọa đàm |
Đồng thời, Apec Group cũng nghiên ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ phù hợp như năng lượng sạch, quản lý vận hành bằng phần mềm, theo dõi an ninh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)... nhằm tăng tiện nghi cho cư dân và góp phần giảm chi phí vận hành trong dài hạn.
Các khu đô thị an sinh sẽ được quy hoạch với tầm nhìn lâu dài và bền vững với kết nối tốt và hoàn thiện đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như đường xá, điện, internet, cấp nước sạch, xử lý nước thải, xử lý rác, y tế, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, công viên, mặt nước, cảnh quan sân vườn....
Ngoài các tiện ích về cảnh quan cây xanh, các dự án cũng được phát triển đa dạng các tiện tích khác về thương mại, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa, tạo công ăn việc làm và không gian cho hoạt động công cộng khác.
Với việc xây dựng bộ tiêu chuẩn 5 sao cho nhà ở xã hội, Apec Group sẽ xóa bỏ định kiến chất lượng thấp, thiếu tiện nghi như trước đây, mà tạo ra định nghĩa hoàn toàn mới rằng nhà ở xã hội cũng có thể đạt chuẩn cao cấp.
Giá bán dự kiến tại Hà Nội và TP HCM là 12-18 triệu đồng/m2, các tỉnh thành khác 8-14 triệu đồng/m2. Với chính sách ưu đãi thanh toán linh hoạt, người dân chỉ cần 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính với thời hạn 10-20 năm. Đây là mức giá rất hợp lý nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và đẳng cấp.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, làm sao để giá rẻ nhất những chất lượng vẫn đảm bảo tốt nhất |
Đánh giá về việc này, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là một cách tiếp cận mới với thị trường nhà ở. Trước tiên thể hiện ở vấn đề tiện ích, ít tiền hơn nhưng vẫn được hưởng các tiện ích như những khu cao cấp mà chỉ có người có nhiều tiền mới mua được.
"Vấn đề cốt lõi ở đây là chúng ta đang mong muốn giảm giá nhà cho người dân, làm sao để giá rẻ nhất những chất lượng vẫn đảm bảo tốt nhất. Bởi hiện tại, muốn có một nơi ở chất lượng, người dân Việt Nam đang phải trả từ 40 triệu đồng trở lên cho một mét vuông. Còn rẻ hơn thì không thể có chất lượng đó.
Chúng ta phải nhìn nhận lại khái niệm. Không đồng nghĩa nhà ở xã hội với chất lượng kém, của rẻ là của ôi. Cách tiếp cận của Apec Gruop rất toàn diện, từ thiết kế, thi công. Và đặc biệt, ở góc độ kinh tế, việc triển khai quy mô lớn, nhân rộng mô hình ắt sẽ giảm được chi phí và giá thành", TS Vũ Đình Ánh đánh giá.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, một số công trình dự án chất lượng thấp được triển khai trong nhiều năm qua đã dẫn đến cái nhìn về hình ảnh nhà ở xã hội bị ảnh hưởng, rằng đó là nhà ở thấp cấp, xập xệ. Chủ đầu tư thấy bỏ ra nhiều tiền nhưng không thu được gì nên cũng “né”.
TS Cấn Văn Lực cho rằng cần các cơ chế chính sách để tạo ra sự phát triển đột phá cho nhà ở xã hội |
"Vì vậy thời gian tới, rất cần các cơ chế chính sách để tạo ra sự phát triển đột phá và đề án thực hiện cuộc đại các mạng nhà ở xã hội của doanh nghiệp như Apec Group là rất đáng hoan nghênh", ông Lực nhận định.
Nói thêm về giải pháp giúp Apec Group thực hiện hoá mục tiêu thực hiện đề án nhà ở xã hội 5 sao, TS Cấn Văn Lực cho hay, việc phát hành trái phiếu xanh, huy động các nguồn vốn từ trong cộng đồng, xã hội để phát triển nhà ở xã hội là một hướng đi đúng đắn mà các doanh nghiệp có thể triển khai để gia tăng nguồn vốn.
Tuy nhiên, với việc phát triển nhà ở, vốn không phải là tất cả, mà còn phải làm tốt khâu quy hoạch, thứ hai là tạo quỹ đất sạch và phải có mô hình khả thi. Đồng thời cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và sự đồng thuận của xã hội.
"Nhà nước tháo gỡ về quỹ đất, cơ chế chính sách và các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp làm nhà ở thường vì lợi nhuận, còn như Apec Group làm vì cộng đồng thì cần phải có sự đồng thuận của Nhà nước", ông Lực nói thêm.
Nói thêm tại tọa đàm, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, trong thời gian qua chúng ta tập trung phát triển nhà ở xã hội nhưng vốn sạch, nguồn vốn rẻ chưa đáp ứng được nhu cầu.
"Tôi cho rằng cần đa dạng hóa nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Vốn giá rẻ là tổng hợp tất cả các nguồn vốn nhưng hiện nay, câu chuyện quỹ tín thác vẫn chưa hoàn thiện", ông Ánh nói.
Theo TS Vũ Đình Ánh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh là câu chuyện chúng ta cần phải tận dụng, không chỉ từ nguồn vốn trong nước mà nguồn vốn quốc tế. Đồng thời, chúng ta phải tiếp cận được nguồn vốn rẻ nhất thì mới có thể xây dựng được những căn hộ giá rẻ đáp ứng nhu cầu xã hội.
"Nhà nước cũng nên bỏ quy định chỉ cho phép chủ đầu tư nhà ở xã hội chỉ được hưởng biên lợi nhuận tối đa 10% trên tổng chi phí đầu tư", ông Ánh nhận định.
Các nghiên cứu dự báo Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 sẽ cần ít nhất 70 triệu m2 nhà ở đô thị mỗi năm, tương đương 700 triệu m2 nhà ở. Trong đó, Việt Nam sẽ cần ít nhất 35 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và 22 triệu m2 sàn cho công nhân các khu công nghiệp trên toàn quốc.
Thực tế này cho thấy Việt Nam cần nghiêm túc đặt ra mục tiêu cao hơn cho chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn mới, với sự thay đổi cả về lượng và chất, cần sự vào cuộc thật sự quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị với ý chí, quyết tâm chính trị mạnh mẽ và các cơ chế chính sách mới linh hoạt, hiệu quả để khuyến khích sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội vào làm cuộc "đại cách mạng" nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng cho người dân.
Bên cạnh đó, các vấn đề lớn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, tài nguyên, môi trường cũng đều có liên quan trực tiếp và có thể được giải quyết một phần đáng kể thông qua cuộc cách mạng nhà ở.