Xóa nạn trồng cây thuốc phiện tại tỉnh Điện Biên
Nhiều vấn đề nan giải
Trong suốt một phần tư thế kỷ qua, những kết quả mà Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa bỏ và thay thế cây có chất ma túy ở các tỉnh trọng điểm đã phản ánh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ðảng, Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền và Nhân dân ở những vùng có lịch sử trồng và tái trồng cây thuốc phiện.
Hằng năm, nhờ nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và lực lượng chức năng, diện tích trồng mới và tái trồng cây thuốc phiện trên phạm vi cả nước liên tục giảm. Tuy nhiên, do hiện nay phần lớn cây thuốc phiện được trồng ở những nơi hẻo lánh, hiểm trở khó phát hiện; do tội phạm ma túy dụ dỗ, lôi kéo bà con người dân tộc trồng vì lợi nhuận cao nên việc phá bỏ cây thuốc phiện tại những vùng núi cao vẫn còn nan giải, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc, trong đó có tỉnh Ðiện Biên.
Việc vận động Nhân dân thực hiện phá, nhổ cây thuốc phiện còn gặp nhiều khó khăn. Cây thuốc phiện được trồng chủ yếu ở những vùng rừng già, xa khu dân cư, hẻo lánh, ít người qua lại. Mặt khác, đôi khi cán bộ huyện, xã năng lực còn hạn chế nên cũng khó khăn cho công tác vận động tuyên truyền phá nhổ cây thuốc phiện.
Lực lượng chức năng phá nhổ nương thuốc phiện của người dân tại huyện huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên |
Theo ghi nhận, trong năm 2022 vừa qua, đồn Biên phòng Mường Nhà, Bộ đội Biên phòng Điện Biên đã phối hợp với chính quyền xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tổ chức tuyên truyền, vận động phá nhổ cây thuốc phiện tại bản Gia Phú B, xã Na Tông.
Ông Tủa đã trồng cây thuốc phiện xen kẽ với rau cải tại nương của gia đình với diện tích khoảng 80 m2. Tổ công tác liên ngành đã tiến hành kiểm đếm có 450 cây thuốc phiện và lập biên bản phá nhổ, tịch thu số cây thuốc phiện trên để tiêu hủy bằng biện pháp tẩm xăng, đốt cháy.
Hành vi trồng cây thuốc phiện của ông Giàng Giống Tủa đã vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống bạo lực gia đình.
Cơ quan chức năng đã xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền giải thích cho gia đình hiểu về tác hại của cây thuốc phiện và các quy định pháp luật nghiêm cấm không trồng, không tàng trữ cây thuốc phiện…
Lực lượng chức năng phá nhổ nương thuốc phiện của người dân tại huyện Nậm Pồ (Điện Biên) |
Thời gian qua, lực lượng chức năng ở Điện Biên cũng phát hiện nhiều vụ việc người dân trồng các loại cây chứa chất ma túy trái phép. Đơn cử như tổ công tác của Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, Bộ đội Biên phòng Điện Biên phối hợp với Công an xã Phìn Hồ; Công an huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên phát hiện, phá nhổ 387 cây thuốc phiện được trồng xen kẽ tại 2 vườn rau của nhà đối tượng Lý Dùng Péo, sinh năm 1972 và Giàng Lao Táo, sinh năm 1977, cùng trú tại bản Đề Pua, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều cây đã được chích quả để lấy nhựa, số cây còn lại đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả. Qua điều tra, xác minh, cả 2 đối tượng khai nhận, do thiếu hiểu biết nên đã trồng cây thuốc phiện để làm thuốc phục vụ gia đình.
Cần hỗ trợ bà con phát triển kinh tế để thoát nghèo
Ðể bảo đảm phá bỏ cây thuốc phiện và chống tái trồng bền vững, đòi hỏi tổng thể nhiều giải pháp. Tại tỉnh Ðiện Biên, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Ðồng thời tiếp tục tham mưu cho chính quyền tiếp tục phát huy sức mạnh của các cơ quan, đoàn thể trong công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình tái phạm việc trồng cây thuốc phiện. Lực lượng công an, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh và các đoàn thể cùng tham gia bàn biện pháp xóa bỏ cây thuốc phiện.
Theo đó, từ huyện, đến xã đã thành lập Ban chỉ đạo, hầu hết các già làng, trưởng bản được huyện mời đi vận động bà con dân bản kiên trì phương châm "mưa dầm thấm lâu", giúp bà con dần bỏ thói quen cũ và chuyển sang các loại cây mới vừa cho hiệu quả kinh tế cao lại vừa giúp bà con cai được nghiện.
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) chở loa đi tuyên truyền lưu động tại các thôn bản |
Tại huyện Mường Ảng, cứ vào đầu tháng, huyện tổ chức họp giao ban về công tác phòng, chống tái trồng cây thuốc phiện ở các bản vùng cao. Nhờ có nhiều biện pháp quyết liệt trong vận động và xử lý nghiêm những hộ tái trồng cây thuốc phiện, hiện nay, ở xã Pú Hồng, huyện Mường Ảng, bà con ở 17/17 bản không tái trồng cây thuốc phiện nữa.
Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Ðiện Biên cho biết, trước mùa gieo trồng cây thuốc phiện Công an tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo Công an các huyện chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai lực lượng xuống cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác phòng, chống ma túy. Ðồng thời, tổ chức cho Nhân dân ký cam kết không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy; tích cực phát hiện, tố giác những người trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn.
Ðặc biệt là phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, khoanh vùng, nắm tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy ở các địa bàn; trong đó, tập trung vào những địa bàn có nhiều khả năng, điều kiện trồng và tái trồng cây thuốc phiện, như: Vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, xã và tại những địa bàn đã từng xảy ra trồng cây thuốc phiện…
Tuy nhiên, để Nhân dân khu vực biên giới xóa bỏ tình trạng trồng và sử dụng cây thuốc phiện thì bên cạnh việc kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cần triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo. Giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, nếp sống văn hóa chính là giải pháp căn cơ để cây thuốc phiện không còn đất sống.