Xu hướng phát triển của báo chí thế giới
Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí: Dám thay đổi để “cất cánh” Thôi thúc truyền cảm hứng từ những chuyến đi Chuyện nghề báo và những chuyến đi |
Theo định nghĩa của nhiều chuyên gia, chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động, cung cấp các giá trị mới cho khách hàng cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.
Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một hành trình mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua khủng hoảng thành công.
Theo các thống kê, những xu hướng báo chí đang và tiếp tục thịnh hành trên thế giới đều gắn một phần hay hoàn toàn với hoạt động chuyển đổi số. Đó là các xu hướng: Content personalization (Cá nhân hóa nội dung), Multi-platform (Đa nền tảng), Mobile Media, Mobile Journalism (Báo chí di động), Social Media, Social Journalism (Báo chí xã hội), Data Journalism (Báo chí dữ liệu), Innovative Journalism (Báo chí sáng tạo), Global collaborative journalism (Hợp tác toàn cầu), Digital mega-stories (Siêu tác phẩm báo chí), Podcast (file âm thanh trên mạng), Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo), Fake news and factchecking (tin giả và hoạt động kiểm chứng thông tin)…
Một số khảo sát về xu hướng báo chí thế giới gần đây cũng đã chỉ ra rằng có tới 44% người trả lời khẳng định thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số là sự thay đổi quan trọng nhất và phải coi độc giả là trung tâm.
The New York Times là một trong những điển hình cho cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công nhất. Nếu như trước đây, nguồn thu từ quảng cáo báo giấy chiếm 85 - 90% thì hiện nay, nguồn thu từ digital (báo số) đã vượt báo giấy. Ngoài hoạt động thu phí, tờ báo còn có nhiều hoạt động khác thu như thương mại điện tử, kết nối với các đối tác để sản xuất nội dung trên các nền tảng số tạo thêm nguồn thu.
Thành công của New York Times không đến một cách ngẫu nhiên. Từ sớm, New York Times đã nhìn thấy ở Internet tiềm năng to lớn trong việc phát huy giá trị cốt lõi của tòa soạn là mang đến những câu chuyện theo tiêu chuẩn báo chí cao nhất đến với độc giả toàn thế giới. Sau nhiều năm kiên trì đi theo con đường riêng với trọng tâm ưu tiên phát triển doanh thu số, những nỗ lực của New York Times đã được đền đáp khi tòa soạn này hiện duy trì vị trí tòasoạn danh giá nhất với 120 giải Pulitzer (là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất và đồng thời cũng là tòa soạn có tỉ lệ phóng viên biết lập trình cao nhất trong làng báo.
Nói về quá trình chuyển đổi số của tòa soạn, Nick Rockwell, Giám đốc công nghệ của New York Times cho rằng sứ mệnh cốt lõi của tờ báo là để phục vụ bạn đọc, dù là cung cấp thông tin thời sự theo lựa chọn của tòa soạn, hay thiết kế nội dung cá nhân hóa bằng tính năng gợi ý sử dụng thuật toán đều hướng đến việc người đọc trở thành người đăng ký trả tiền đọc báo dài hạn.
The Guardian, tờ nhật báo của Anh cũng được đánh giá là một tờ báo kiểu mẫu trong chuyển đổi số. The Guardian hiện nhận được sự ủng hộ từ người đọc của hơn 180 quốc gia.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2019 - 2020, có tổng cộng 16,4 tỷ lượt xem web, tăng 20% so với năm trước đó, đặc biệt tăng nhiều tài khoản đăng ký dài hạn. Tính đến ngày 29/3/2020, có 790 nghìn độc giả trả phí thường xuyên và 340 nghìn độc giả vãng lai, nâng tổng số người ủng hộ tờ báo lên hơn 1 triệu trong năm 2020.
Tháng 6/2020, theo kết quả nghiên cứu của công ty nghiên cứu công chúng ngành công nghiệp truyền thông xuất bản tại Anh PAMCo, The Guardian là tòa soạn có ấn phẩm chất lượng được đón đọc nhiều nhất tại Anh với 35,6 triệu lượt đọc/tháng trên cả bản in và bản điện tử. Trên nền tảng điện tử, The Guardian là báo điện tử được đọc nhiều thứ hai tại xứ sở sương mù.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, một người đọc bản điện tử dành trung bình 31 phút/tháng đọc các bài báo trên theguardian.com. The Guardian cũng bốn lần được vinh danh là “Tờ báo của năm” tại Giải British Press Awards hàng năm, và là một trong những tờ báo được cho là sáng tạo nhất và thành công nhất hiện nay trên thế giới.
Trong thống kê, podcast, bài báo long-form trên báo mạng điện tử thời gian tới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Khoảng 78% lãnh đạo các công ty kỹ thuật số cho biết họ sẽ đầu tư mạnh hơn vào video trực tuyến trong năm nay do lượng người xem video trên các thiết bị di động được dự đoán sẽ tăng trưởng. Một số công ty công nghệ lớn như Spotify hay Clammr đều phát triển các công cụ để chia sẻ dễ dàng hơn các đoạn trích dẫn từ các tin tức dạng âm thanh có thời lượng lớn lên mạng xã hội, cho phép nhiều người tiếp cận với thông tin hơn. Các dạng gói tin tức đa phương tiện, long-form, megastory sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên các nền tảng.
Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội, xu hướng truyền thông hội tụ, đa phương tiện, cách mạng 4.0 và Internet có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam. Chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.
Báo chí muốn giữ chân độc giả, khán thính giả, muốn tồn tại và tạo nguồn thu mới để nuôi sống chính mình cần phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, mấu chốt chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người, tư duy và tự thân các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ sự cấp bách chứ không chỉ đơn thuần là làm theo trào lưu…