Xuất bản cuốn sách “Dòng tranh dân gian Hàng Trống”
"Đời giáo dở khóc dở cười" - Cuốn sách như một lời tri ân nhân ngày 20/11 |
Cuốn sách do NXB Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội liên kết xuất bản.
Đây là công trình được xuất bản tiếp nối cuốn “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” và “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hòa (Chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích đã ra mắt năm 2019. Hai cuốn sách này vừa được trao giải B giải Sách Quốc gia lần thứ 3 năm 2020.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa giới thiệu về cuốn sách "Dòng tranh dân gian Hàng Trống" |
Cả ba cuốn này đều là do tác giả tự bỏ tiền làm sách, từ đi thực tế, gặp gỡ nghệ nhân, đến nhờ người chụp ảnh, thiết kế, in ấn… hoàn toàn không sử dụng tiền tài trợ từ bất cứ dự án nào.
Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” được tác giả hoàn thành trong thời gian ở nhà tránh dịch Covid-19. Sách dày 340 trang, khổ 21x29cm, in 600 cuốn.
Sách được in bốn màu trên giấy couche matt định lượng 150 gsm, bìa sách in giấy Ivory cán mờ, phủ lax, có tặng kèm bookmark hai mặt in 2 bức tranh Công, Cá nổi tiếng của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Ngoài những bản phổ thông bìa mềm có gấp mép, còn 100 bản giới hạn, bìa carton cứng, đánh số từ 1 đến 100, dành cho người sưu tầm và chơi sách. Mỗi bản có tặng kèm 1 bản nét đen bức tranh “Độc hổ”. Sách có chữ ký và triện son của tác giả.
Đặc biệt, có 5 bản bìa da, khâu tay, do nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh thực hiện, đánh số: I, II, III, IV, V. Sách có chữ ký, triện son của tác giả và nghệ nhân đóng sách. Bản bìa da được đặt trong hộp sơn mài, tặng kèm 1 bức tranh “Độc hổ” có chữ ký và triện của nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên.
Nội dung cuốn sách ngoài Lời nói đầu, gồm 5 chương: Lịch sử tranh dân gian Hàng Trống, Nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống, Kĩ thuật vẽ tranh dân gian Hàng Trống, Phân loại tranh dân gian Hàng Trống, Tranh dân gian Hàng Trống trong đời sống đương đại.
Hiếm có nơi nào như Hà Nội hội tụ được hai dòng tranh dân gian độc đáo, đó là tranh Kim Hoàng và tranh Hàng Trống.
Tranh dân gian Hàng Trống từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa của người Kinh kỳ - Kẻ Chợ. Đây là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, phổ biến nhất ở Việt Nam.
Đề tài của tranh dân gian Hàng Trống đa dạng: tranh lịch sử, tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh sinh hoạt xã hội… Chính vì sự đang dạng của dòng tranh này, nên đã đi được vào nhiều tầng lớp trong xã hội, được treo ở nhiều không gian khác nhau. Tranh Hàng Trống không chỉ xuất hiện trong dịp Tết hay trong những nghi lễ thờ cúng, mà còn có nhiều bức về các đề tài như: Chợ quê, Bịt mắt bắt dê, Múa rồng…
Đây cũng là dòng tranh dân gian được giới sưu tập quan tâm, sưu tập.
Mặc dù có ảnh hưởng từ tranh dân gian do các nghệ nhân Trung Quốc thời trước song các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống của Hà Nội, Việt Nam đã có nhiều cải tiến, cải biên và sáng tạo mới, tạo nên dấu ấn riêng của từng thời kỳ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa và nghệ nhân Lê Đình Nghiên |
Tranh Hàng Trống có những bức nổi tiếng như: Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Ngũ hổ, Tố nữ; bộ tranh truyện: Hoa Tiêu, Kiều…; Bộ tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông hay các kiểu khác: Canh, tiều, ngư, mục (nhà nông, tiều phu, đánh cá, chăn trâu); Các tranh thờ: Tam toà Thánh Mẫu, Phật, Tứ phủ, Ngọc hoàng… Nhờ những sáng tạo bền bỉ của các thế hệ nghệ nhân, tranh dân gian Hàng Trống có thể sánh ngang với bất cứ dòng tranh đồ họa danh tiếng nào.
Trong Lời nói đầu, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: Ngày trước, tranh Hàng Trống phát triển ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón và từng được bày bán tại nhiều nơi ở Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành ở Bắc Bộ. Có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm ra đời của dòng tranh dân gian Hàng Trống, cũng như sự chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hoá, tôn giáo của các vùng miền, các dân tộc của dòng tranh này.
Khi đất nước còn khó khăn, cách nghệ nhân làm tranh dân gian Hàng Trống thường in trên giấy dó bồi dày hay giấy báo khổ rộng. Có những tranh khổ to và dài thường bồi dày, hai đầu trên - dưới lồng suốt trục để tiện treo, phù hợp với kiến trúc kiểu nhà cao, cửa rộng nơi thành thị. Ván khắc gỗ được làm bằng gỗ lồng mực hoặc gỗ thị. Mực in truyền thống được in bằng những chất liệu dân dã nhưng cầu kỳ và tinh xảo trong chế tác.
Không giống như một số dòng tranh dân gian khác dùng lối in sấp và trực tiếp in là có thể hoàn thành ngay một bức tranh, tranh dân gian Hàng Trống có lối làm khác hẳn, tỉ mỉ và cầu kỳ hơn. Ván khắc tranh Hàng Trống chỉ có bản nét, còn màu thì phải vẽ tay toàn bộ. Chính vì thế mà ván khắc cũng phải làm rất cẩn thận. Người “ra mẫu” tranh thường là người giỏi nhất của từng nhóm thợ, giàu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, chỉ những bức tranh được nhiều người ưa chuộng mới có ván khắc. Vì ngày xưa làm ván khắc là tốn kém, nên không phải gia đình làm tranh nào cũng có thể đầu tư làm. Còn lại, những bức tranh ít người mua thì thường phải làm thủ công hết sức cầu kỳ. Cũng bởi lý do ấy, tranh Hàng Trống đa dạng về kích thước.
Chính bởi tranh Hàng Trống, nếu có ván khắc, chỉ là bản nét đen, còn lại là tô màu thủ công nên hòa sắc trong mỗi bức tranh rất phong phú, gợi được khối của không gian. Với các gam màu chủ đạo: lam, lục, đỏ, da cam… tranh Hàng Trống tạo ấn tượng thị giác cho người thưởng lãm, đặc biệt là những bức tranh được treo lâu ngày.
Kỹ thuật “cản màu” thể hiện sự khéo tay của từng nghệ nhân, tạo sự khác biệt giữa các hiệu bán tranh. Chỉ với chiếc bút lông nhưng nghệ nhân Hàng Trống đã tạo nên độ đậm nhạt khác nhau của từng nét vẽ, từng gam màu. Mỗi bức tranh dù cùng thể hiện một đề tài nhưng không bao giờ giống hệt nhau. Lạ nhất là các mảng mây cuộn trong các tranh thờ của Hàng Trống. Đó là các khối mây nhiều lớp được cản màu đến độ hoàn hảo, vẽ tay mà nét như in! Đặc biệt hơn, tất cả các nét mây đều được vờn: bên đậm, bên nhạt rồi xếp lớp liên tiếp, tạo ra các tầng mây đẹp diệu kỳ…
Trải qua thời gian, đến nay dòng tranh dân gian Hàng Trống chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên giữ lửa nghề. Đó là điều thật sự đáng mừng nhưng đồng thời là tín hiệu cảnh báo trước câu chuyện “thất truyền” như đã từng xảy ra ở nhiều dòng tranh dân gian khác, hoặc các nghề truyền thống khác.
Để viết cuốn sách này, tác giả đã trực tiếp đến gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên và con trai ông là anh Lê Hoàn, để ghi chép lại nhiều câu chuyện. Những chia sẻ thẳng thắn, chân tình của ông và con trai cũng như các thành viên trong gia đình giúp cho cuốn sách có nhiều tư liệu bổ ích.
Một trong những điểm nhấn của cuốn sách là gần 400 bức tranh, ảnh, trong đó có nhiều tranh, ảnh tư liệu quý được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau. Số tranh, ảnh khác được trực tiếp chụp từ các bộ sưu tập tranh dân gian Hàng Trống của chính tác giả - nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, hoặc của các nhà sưu tập khác.
Đặc biệt, hàng trăm bức ảnh được chụp nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên cùng con trai là Lê Hoàn để mô tả, minh họa các công đoạn làm tranh. Một số ảnh, trang có giá trị tư liệu cao được chính gia đình nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên cung cấp.
“Bằng việc xuất bản cuốn sách này, chúng tôi mong muốn bắc thêm một một cây cầu để nối tranh dân gian Hàng Trống với hiện đại. Qua cuốn sách này, bên cạnh cung cấp những tư liệu cần thiết để tìm hiểu về một dòng tranh dân gian nổi tiếng, chúng tôi cũng hi vọng có thể lan tỏa hoặc đánh thức tình yêu văn hóa truyền thống đang tiềm ẩn hoặc khuất lấp đâu đó trong tâm hồn của thế hệ trẻ.
Hơn thế, mong có sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ những cơ quan văn hóa của Thủ đô, để một ngày không xa, người dân và du khách gần xa có thể gặp những quầy tranh, hiệu tranh dân gian Hàng Trống trên chính con phố Hàng Trống thân yêu, như đã từng…”, tác giả Thu Hòa gửi gắm.
Ra mắt cuốn sách "Cơm ngon quá, con cảm ơn mẹ" |
Xuất bản cuốn sách "Từ bi" của Osho |
Ra mắt cuốn sách "Châu Phi nghìn trùng" của nữ nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen |