Ý tưởng mới, biến lông gà thành... thức ăn
Sorawut Kittibanthorn bị thu hút bởi hàng triệu tấn lông gà vứt bỏ mỗi năm |
Sorawut đã tốt nghiệp thạc sĩ về lĩnh vực vật liệu tương lai ở London. Sau khi trở về quê hương Thái Lan, chàng trai 30 tuổi này đã tìm kiếm nguồn tài trợ để tiếp tục nghiên cứu ý tưởng làm thế nào chuyển đổi các thành phần dinh dưỡng trong lông gà thành một loại bột. Từ đó, các chất dinh dưỡng này chuyển hóa thành nguồn thực phẩm giàu protein và ăn được.
Sorawut chia sẻ, lông gà có chứa protein. Nếu chúng ta có thể tận dụng nó thành nguồn nguyên liệu thực phẩm phổ biến sẽ giúp giảm thiểu chất thải. Theo Sorawut tiềm năng của kế hoạch này là rất lớn bởi ước tính mỗi năm ở Châu Âu có khoảng 2,3 triệu tấn lông vũ bị vứt bỏ. Con số này ở Châu Á có thể cao hơn tới 30% bởi các sản phẩm gia cầm ở Châu Á được tiêu thụ nhiều hơn.
Nhà nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu tương lai cho biết ý tưởng này vẫn cần phải trải qua thêm các giai đoạn nghiên cứu và phát triển khác. Tuy nhiên, một số loại thức ăn được làm từ lông gà như gà rán và bít tết gà đã nhận được những đánh giá tích cực.
Anh Sorawut giới thiệu các món ăn được chế biến từ nguồn dinh dưỡng chiết xuất từ lông gà (Ảnh: Reuters) |
Cholrapee Asvinvichit, một Blogger ẩm thực nhận xét: “Tôi không thể tưởng tượng được rằng lông gà lại có thể biến tấu thành món ăn như thế này. Tôi thấy thành phần và kết cấu của món ăn rất cao cấp, cảm giác như đang được phục vụ ở một nhà hàng sao Michelin nào đó”.
Giáo sư khoa học thực phẩm Hathairat Rimkeeree tại Đại học Kasetsart (Thái Lan) cũng đánh giá cao ý tưởng này. Ông cho rằng nó có tiềm năng trở thành một nguồn thực phẩm thay thế trong tương lai.
Các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc từ thực vật ngày càng trở nên phổ biến khi nhiều người chuyển sang chế độ ăn chay. Họ lo ngại về các vấn đề sức khỏe từ việc ăn thịt hoặc muốn bảo vệ động vật và môi trường trước tình trạng chăn nuôi được mở rộng ồ ạt như hiện nay.
Mặc dù thực phẩm làm từ lông gà không thể được phân loại là đồ ăn chay nhưng Sorawut cho rằng nên coi món ăn này là những bữa ăn nhân đạo. Hy vọng, các món ăn chiết xuất từ lông gia cầm sẽ được những nhà hàng chay đón nhận trong tương lai.
Hiện lượng tiêu thu thịt của thế giới đã tăng gấp đôi trong một thế kỷ qua và lượng thịt cần để đáp ứng nhu cầu của con người dự kiến lên đến 470 triệu tấn vào năm 2050. An ninh lương thực càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, việc sử dụng nguồn thực phẩm thay thế như thịt nhân tạo được coi là một giải pháp tốt.
Mới đây nhất, vào ngày 19/12, thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã chính thức được đưa vào thực đơn phục vụ thực khách tại nhà hàng 1880 nằm ở khu trung tâm giải trí Robertson Quay của Singapore. Theo đó, Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán sản phẩm được gọi là thịt mà không phải từ động vật bị giết mổ.
Đây được xem là dấu mốc lịch sử ẩm thực mà những người tạo ra sản phẩm này hy vọng bổ sung vào nguồn lương thực của con người; Đồng thời, giảm thiểu những tác hại đến môi trường từ hoạt động sản xuất thực phẩm của con người.