3,6 triệu ca tử vong tại Châu Á hàng năm do khí hậu thay đổi thất thường
Nghiên cứu chỉ ra rằng số ca tử vong liên quan đến việc nhiệt độ tăng lên ở tất cả các khu vực từ năm 2000 đến năm 2019, cho thấy sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu sẽ khiến con số tử vong này trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu quốc tế, do Giáo sư Yuming Guo của Đại học Monash, Tiến sĩ Shanshan Li và Tiến sĩ Qi Zhao từ Đại học Sơn Đông ở Trung Quốc dẫn dắt - được công bố vào ngày 8/7 trên Tạp chí Sức khỏe Hành tinh Lancet (The Lancet Planetary Health) - đã xem xét dữ liệu về số ca tử vong và nhiệt độ trên toàn thế giới từ năm 2000 đến năm 2019, thời kỳ mà nhiệt độ toàn cầu tăng 0,26 độ C mỗi thập kỷ.
Đầu tiên, nghiên cứu này xác định mối liên hệ của mức nhiệt độ trên và dưới mức tối ưu (tương ứng với nhiệt độ tử vong tối thiểu) với sự gia tăng tỷ lệ tử vong hàng năm, cho thấy 9,43% số ca tử vong toàn cầu có thể là do nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Con số này tương đương với 74 trường hợp tử vong trên mỗi 100.000 người, với hầu hết các trường hợp là do phơi nhiễm lạnh.
Giáo sư Yuming Guo đến từ Đại học Monash |
Dữ liệu cho thấy có sự khác biệt về địa lý trong tác động của nhiệt độ không lý tưởng lên tỷ lệ tử vong, với vùng Đông Âu và Châu Phi Hạ Sahara có tỷ lệ tử vong cao nhất do nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Quan trọng hơn, tỉ lệ tử vong do lạnh giảm 0,51% từ năm 2000 đến năm 2019, trong khi tử vong do nóng tăng 0,21%, điều đó dẫn đến tỷ lệ tử vong chung do nhiệt độ thất thường giảm xuống.
Tỷ lệ tử vong ở Đông Nam Á giảm nhiều nhất, trong khi có sự gia tăng tạm thời ở Nam Á và Châu Âu. Giáo sư Guo, từ Trường Y tế Công cộng và Y tế Dự phòng thuộc Đại học Monash, cho biết điều này cho thấy sự nóng lên toàn cầu có thể “làm giảm nhẹ số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ, phần lớn là do giảm tỷ lệ tử vong do lạnh. Tuy nhiên, trong dài hạn, sự biến đổi khí hậu sẽ làm tăng gánh nặng khi tỷ lệ tử vong do nóng tiếp tục gia tăng ”.
Infographic về tỉ lệ tử vong do biến đổi khí hậu tại các vùng trên thế giới |
Giáo sư Guo cho biết, các nghiên cứu trước đây đã xem xét tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ trong một quốc gia hoặc khu vực. Ông nói: “Đây là nghiên cứu đầu tiên có được cái nhìn tổng quan trên toàn cầu về tỷ lệ tử vong do nhiệt độ không lý tưởng trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2019, thời kỳ nóng nhất kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.
Quan trọng hơn, chúng tôi đã sử dụng dữ liệu cơ bản của 43 quốc gia trên khắp năm châu lục, kết hợp với các điều kiện khí hậu, kinh tế xã hội và nhân khẩu học khác nhau cùng với sự đa dạng của cơ sở hạ tầng và dịch vụ y tế công cộng. Vì vậy nghiên cứu có cỡ mẫu lớn và đa dạng, không giống như các nghiên cứu trước đây”.
Nghiên cứu đột phá của Monash cho thấy dữ liệu tử vong cao hơn đáng kể so với nghiên cứu lớn thứ hai được công bố vào năm 2015, dựa trên 74 triệu ca tử vong trên 13 quốc gia/vùng lãnh thổ và ước tính 7,7% số ca tử vong có liên quan đến nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng. Giáo sư Guo nói rằng điều đó cho thấy “tầm quan trọng của việc lấy dữ liệu từ tất cả các địa điểm trên thế giới, để có được hiểu biết chính xác hơn về tác động thực sự của nhiệt độ không lý tưởng trong sự biến đổi khí hậu”.
Trong số những ca tử vong trên toàn cầu do nhiệt độ nóng lạnh bất thường, nghiên cứu cho thấy: Hơn một nửa xảy ra ở Châu Á, đặc biệt là ở Đông và Nam Á; Châu Âu có tỷ lệ tử vong trên 100.000 do nóng bức cao nhất; Châu Phi Hạ Sahara có tỷ lệ tử vong trên 100.000 người do giá lạnh cao nhất.
Giáo sư Guo hiểu rõ sự khác biệt về mặt địa lý của tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ “là rất quan trọng đối với sự hợp tác quốc tế trong việc phát triển các chính sách và chiến lược nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe”.