A Sàng - anh hùng xuyên qua núi...
Bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Vàng A Sàng bây giờ là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, là đương kim Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Chuyện đi bộ nửa tháng ròng xuyên qua núi non tìm trường học chữ, chuyện vật lộn một mất một còn với việc học tiếng… phổ thông của chàng trai người Mông ấy, giờ kể lại cứ ngỡ như cổ tích...
Bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Vàng A Sàng bây giờ là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, là đương kim Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Chuyện đi bộ nửa tháng ròng xuyên qua núi non tìm trường học chữ, chuyện vật lộn một mất một còn với việc học tiếng… phổ thông của chàng trai người Mông ấy, giờ kể lại cứ ngỡ như cổ tích...
Gã người Mông 4 năm mổ 11.000 ca!
Cách đây chừng 6 năm, bà Hoàng Thị Hạnh, bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, mời tôi đến nhà chơi. Sau khi thể hiện lòng hiếu khách bằng đủ các loại rượu ngâm tẩm với bí kíp của ông chồng là Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, bà Hạnh thủ thỉ: “Có nhân vật này hay lắm, uống đi rồi chị cho. Tỉnh nhà gọi anh ta là “tay dao Vàng A Sàng”.
Nghe có vẻ kiếm hiệp giang hồ, nhưng A Sàng là một bác sĩ cực giỏi, lại đặc sệt chất thô nhám của người Mông, nhà ở tít Púng Luông, cái xã thậm xa của huyện tít mù khơi Mù Căng Chải. Vừa rồi bọn chị (tỉnh) làm hồ sơ đề nghị phong anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho A Sàng. Thống kê lại thì trong 4 năm mà anh ấy mổ tới 11.000 ca. Ôi, thật không tưởng tượng nổi. Người Mông ở Chế Tạo (xã xa bậc nhất tỉnh) ra, lãnh đạo tỉnh nhập viện, ai cũng cứ nằng nặc đòi đích thân tay dao Vàng A Sàng mổ thì mới yên tâm. Rõ khổ!
Nhiều cụ người Mông từ Mù Căng Chải xuống, xông thẳng vào phòng Phó Giám đốc bệnh viện (bấy giờ anh Sàng chưa lên Giám đốc), Thầy thuốc Ưu tú Vàng A Sàng: “Mày phải mổ bụng cho tao, thằng A Sàng nhé”. Anh Sàng liêm khiết đến mức, tuyên chiến một mất một còn với nạn phong bì, khiến không ít người... “bí mật” ghét bỏ!”...
Tôi nghe mà giật mình. Tò mò muốn gặp lắm. Thế là bà Hoàng Thị Hạnh gọi điện mời A Sàng đến “uống chén rượu cho nó thơm râu”. Tôi ngồi hồi hộp, tưởng tượng ra dáng đi vạm vỡ, tính cách dữ dằn, mắt xếch, quắc lên như đại bàng. Chắc gã đàn ông miền núi vẫn “đêm đêm hát lượn, ngày ngày bắt chim” như trong lời hát cất lên ở bìa rừng. Lại nghĩ anh ta ngoại ngũ tuần, “uống rượu cho nó thơm râu”, chắc râu ria A Sàng sẽ hồn hậu như các gã phía sau cổng trời khác. Ai dè, A Sàng nhỏ nhẹ, khiêm cung, rượu cũng chả uống, râu chả có, nói năng lại không ra dáng ông Phó Giám đốc bệnh viện tí nào cả.
Anh bảo: “Cả tỉnh, chẳng may phải đi bệnh viện phẫu thuật, ai cũng muốn mình mổ cho. Đến lúc vừa rồi tôi đau ruột thừa, cần cắt. Rõ khổ, dao sắc không gọt được chuôi. Không lẽ mình lại mời mình mổ ca ấy cho... mình? Thế là nhờ chú Đông - bác sĩ, cấp dưới của tôi. Rõ khổ, chú ấy mổ cho sếp, lại là bề trên trong nghề mổ, thế là cứ run tay, ngộ nhỡ có cái gì sai sót thì... sợ “thủ trưởng Sàng” lắm”. Vừa nói, A Sàng vừa ôm bụng sau ca mổ ruột thừa.
Hỏi chuyện nghề, A Sàng nói say sưa, quên cả trò chuyện với quan khách khác. Một niềm say mê kỳ lạ. Có những vụ cả tỉnh Yên Bái bái phục tay dao Vàng A Sàng, có người yêu chuyện cổ, gọi anh là “thần y cái thế”. Có anh cán bộ thuế của thành phố Yên Bái bị một bà bán thịt lợn nổi xung đâm cho một nhát xuyên lồng ngực. Máu xối xả, anh ta tím tái. Bác sĩ khác trả về để mai táng, họ khênh đến A Sàng, cậy nhờ “còn nước còn tát”. Anh rạch ngực, luồn lách phát hiện tâm thất trái nạn nhân bị đâm thủng một vết 2cm, liền tiếp tục “đi” dao qua mạng sườn, lách vào phía tim, cắt cái lớp ngoài cứng cứng của tim ra để tìm hiểu về vết bị đâm. Khâu lại.
Tất nhiên là từ chuyên môn về việc mổ xẻ kia tôi chả biết gì, chỉ là đại ý như vậy thôi. Nhưng có điều, bây giờ, khi tôi viết những dòng này, anh cán bộ thuế bị bà bán thịt lợn đâm tợn dạo ấy vẫn tiếp tục đi thu thuế. Có vụ một thanh niên ở Lục Yên tự tử, anh ta cắt tưởng như đứt hết mạch máu, thanh quản, da cổ, ai nấy kêu trời “đầu lìa khỏi cổ” rồi thì có Bồ Tát cũng chả cứu được. Cảm giác, lúc A Sàng “mở” ra, máu phun xối xả như vòi nước... rửa xe. A Sàng bảo, nếu động mạch cảnh của anh ta chưa đứt, thì cái chết 99,9% này vẫn có thể cứu được. Phúc đức, anh ta đã được cứu sống, trở về đi học đàng hoàng. Giờ đây, “sống tết, chết giỗ” với “bố” A Sàng. Có khi chai rượu ngô, có khi con gà trống, chút rau rừng tươi, A Sàng tuyệt đối không nhận quà gì to tát hơn.
Cái khó nhất là học tiếng phổ thông
Sau này, khi đã liên lạc, đi lại, gặp gỡ nhiều, tôi càng hiểu ra, A Sàng có cái gì đó gồ ghề, mộc mạc và chậm rãi cố hữu, nhưng cũng có một phần là bởi vì anh muốn sống hết lòng hết nghĩa, sống chân thành đến trần trụi với nghề “cướp lại sinh mạng con người từ tay tử thần”. Anh dành hầu như toàn bộ thời gian, tâm huyết cho chuyên môn ngành y. Anh kể, hồi mới vào nghề, anh đã bị ám ảnh vì một bác sĩ chưa làm hết sức mình với bệnh nhân. Hậu quả của nó chưa “cháy nhà chết người”, nhưng dường như vì thế mọi chuyện cứ đập vào mắt anh nhiều hơn.
Hồi đó, anh thường đi mổ ở các bệnh viện miền tây như Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Căng Chải - cách tỉnh lỵ Yên Bái một đến vài trăm cây số. Anh chứng kiến, có bác sĩ bảo bệnh nhân đi rừng bị gãy giập tay là: Tay của anh phải cắt bỏ thôi, nếu không sẽ hoại tử mất luôn cả tính mạng. Anh này người thiểu số, phần vì yêu cánh tay của mình, phần vì thiếu hiểu biết, cứ kiên quyết đòi giữ lại cái tay, dù chết cũng được. Anh bác sĩ kia bỏ cuộc.
Sau này anh “khách sơn tràng” được phẫu thuật cứu sống, tay hơi khòng, nhưng vẫn là cánh tay kiếm sống nuôi gia đình bao năm qua của anh ta. Mỗi lần A Sàng gặp anh ta trên đường, nhìn cái dáng khuỳnh khòng của bệnh nhân đó, anh cứ thấy hối lỗi, thấy có cái gì đó như là sự xấu hổ cho nghề nghiệp của mình, dù anh chẳng có tí lỗi lầm nào trong việc kia. A Sàng lần nào gặp tôi cũng khoe vừa đi tập huấn ở Sài Gòn, ở miền Trung về, vừa làm xong “Bác sĩ chuyên khoa cấp 1”, vừa tập huấn mổ não bằng công nghệ cao. Ca mổ nào anh cũng lăn vào “chơi” tuốt.
Hồi năm 2005, được mời về Hà Nội dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua, được chụp ảnh chung với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các anh hùng khác, A Sàng bảo, gặp ai anh cũng thấy ngại ngại. Mình không quen chỗ đông người. Anh Sàng dùng một cái điện thoại cũ mèm, lúc đang nói chuyện với nhà báo, nó kêu ầm ĩ, mà anh không biết phải làm sao để nó không kêu nữa khi người ta gọi lại. Cứ giấu đi, lúc lúc nó lại kêu. Vừa rồi, tôi lên Yên Bái gặp A Sàng.
Vừa đến nơi, đã thấy Sùng A Hồng - phóng viên Báo Yên Bái, gã trai Mù Căng Chải - gõ cửa ầm ầm: “Chú Sàng ơi, chú mổ cho bố cháu ngay!”. Rồi A Sàng đi họp hội chẩn. Rồi nắn bụng từng bệnh nhân người Mông, nói tiếng Mông. Hỏi thăm sức khỏe từng cô người Dao, nói tiếng Dao. Chợt có cụ già bật từ lớp ga giường trắng toát gọi lớn: “Thằng A Sàng, lại đây khám cho bố, nhanh!”. Tôi không biết anh Sàng nói gì với đồng bào cùng ngôn ngữ với mình, nhưng cả thầy thuốc và bệnh nhân đều cười rạng rỡ như đang gặp nhau ở... hội chợ.
Tưởng như đã quen với đủ các vùng thiểu số xa ngái, hoang biệt nhất Việt Nam rồi, ngờ đâu tâm sự của A Sàng trong buổi chiều ông Giám đốc người Mông quýnh quáng chạy đi thăm hỏi từng bệnh nhân ấy vẫn làm tôi rưng rưng cái nỗi thiệt thòi của bà con đồng rừng. Anh bảo, tôi từng đi bộ 7 ngày từ Mù Căng Chải sang bên Sơn La để học chữ. Học cả tháng vẫn không thể nào nghe được tiếng Việt, từ nhỏ ở Púng Luông chỉ nói mỗi tiếng Mông. Học tiếng khó vô cùng, khó hơn cả đi bộ xuyên qua hàng trăm ngọn núi. Về tỉnh học tiếng, phải đi bộ suốt, cứ ngày đi, đêm ngủ nhờ, ăn nhờ ở bản làng nào đó, mai lại đi mải miết.
Cũng như hồi học xong ĐH Y khoa Thái Nguyên, về Mù Căng Chải công tác, cứu sản phụ bằng cách dùng búa đinh phá khóa bình ôxy “phế liệu”, dùng dây dẫn tự chế để thọc ôxy vào mũi người ta, tôi không tin có ngày mình lại làm chủ được công nghệ và kỹ năng hiện đại để cứu nhiều người như bây giờ. Tôi cũng không hình dung bây giờ đường đẹp thẳng băng lên Mù Căng Chải, không gian phố thị tràn ngập như thế này...”.
Tôi đọc Đỗ Doãn Hoàng khá nhiều, chủ yếu là các phóng sự miền ngược, những chuyện “buốt lòng” - từ Hoàng hay dùng. Phóng sự của anh đầy ắp chi tiết. Phải nói rằng, phát hiện chi tiết là cái tài của anh. Phóng sự mà thiếu chi tiết - nói như nhà phóng sự đàn anh Huỳnh Dũng Nhân - “thì vứt”.
Lần này đọc Hoàng, lại là một phóng sự nhân vật, cảm giác hơi lạ. Viết phóng sự về nhân vật là thể loại khó trong báo chí, mà lại viết về “người tốt việc tốt”, lấy được sự hào hứng của độc giả còn khó hơn gấp bội. Nhưng tôi đã hào hứng. Vẫn là thế mạnh phát hiện chi tiết và cách lựa chọn ngôn ngữ kỹ càng, cái anh chàng Vàng A Sàng qua cách kể chuyện duyên dáng của Hoàng đã cuốn hút tôi, đọc một mạch và vẫn thèm thuồng muốn biết thêm về người bác sĩ miền ngược trong 4 năm mà mổ tới 11.000 ca. Đúng là không tưởng tượng nổi...Trịnh Xuân Quang
Đỗ Doãn Hoàng
Lao động