ADN cổ đại từ một triệu năm trước được phát hiện ở Nam Cực
Tàu phá băng đang đi sâu vào khám phá Nam Cực (Ảnh: Cntraveler) |
Loài người khó có thể biết được sự sống đã tồn tại trên Trái đất được bao lâu. Để đi tìm lời giải, các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu và khám phá giải mã những bí ẩn của nhân loại. Vừa qua, các nhà khoa học đã đào được những đoạn ADN có niên đại từ một triệu năm trước.
Được tìm thấy dưới đáy biển Scotia, phía Bắc Nam Cực, những mảnh vật chất hữu cơ này có thể là vô giá trong việc lập biểu đồ lịch sử của khu vực - vẽ bản đồ những gì đã sống trong đại dương và trải qua những khoảng thời gian, không gian nào.
Về mặt kỹ thuật, những mảnh vật chất hữu cơ này được gọi là ADN seda (ADN cổ đại trầm tích). Các mẫu thu hồi được có thể rất hữu ích đối với những nỗ lực không ngừng nhằm tìm hiểu sự biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Nam Cực trong tương lai.
Chim cánh cụt trên một tảng băng ở biển Scotia, nơi phát hiện ra mẫu ADN cổ đại (Ảnh: Sciencealert) |
Nhà sinh thái biển Linda Armbrecht đến từ Đại học Tasmania ở Úc cho biết: “Đây là một mẫu ADN cổ đại trầm tích lâu đời nhất cho đến nay được tìm thấy”.
ADN seda được tìm thấy trong nhiều môi trường, bao gồm các hang động trên cạn và lớp băng vĩnh cửu dưới Bắc Cực. Tuy nhiên trước đó, các nhà nghiên cứu chỉ phát hiện những mẫu ADN seda có niên đại lần lượt là 400.000 và 650.000 năm.
Nhiệt độ lạnh, lượng oxy thấp và thiếu bức xạ tia cực tím khiến các môi trường biển vùng cực như biển Scotia là nơi tuyệt vời để ADN seda được lưu giữ nguyên vẹn.
Tảng băng được tạo hình do tan chảy (Ảnh: Cntraveler) |
Trong những phát hiện khác, nhóm nghiên cứu đã tìm ra ra tảo cát (sinh vật đơn bào) có niên đại cách đây 540.000 năm. Tất cả điều này giúp cung cấp thông tin tổng quan giúp các nhà khoa học tìm hiểu về sự phát triển của Trái đất trong những khoảng thời gian rộng lớn.
Nhóm nghiên cứu đã có thể liên kết sự phát triển phong phú của tảo cát với thời kỳ ấm hơn - thời kỳ cuối cùng ở biển Scotia là vào khoảng 14.500 năm trước. Điều đó dẫn đến sự gia tăng hoạt động chung của sinh vật biển trên toàn khu vực Nam Cực.
Nhà địa chất Michael Weber đến từ Đại học Bonn ở Đức cho biết: “Đây là một sự thay đổi thú vị và quan trọng liên quan đến sự gia tăng nhanh chóng của mực nước biển. Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra sự mất đi của băng ở Nam Cực do hiện tượng ấm lên tự nhiên”.
Những khối băng trôi tại Nam Cực nhìn từ trên cao (Ảnh: Cntraveler) |
Nghiên cứu mới nhất này là bằng chứng cho thấy những mẫu ADN có thể rất hữu ích trong việc tái tạo lại các hệ sinh thái qua hàng trăm nghìn năm, mang lại cho chúng ta một tầm nhìn hoàn toàn mới về cách các đại dương đã thay đổi.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu, giải mã những đoạn ADN cổ đại này để có được cái nhìn chân thực về quá khứ; Hiểu thêm về những thay đổi khí hậu trong quá khứ và cách hệ sinh thái đại dương phản ứng. Từ đó, các nhà khoa học có thể tìm ra mô hình và dự đoán chính xác hơn về những gì có thể xảy ra tiếp theo xung quanh Nam Cực.
“Nam Cực là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu trên Trái đất. Việc nghiên cứu các phản ứng trong quá khứ và hiện tại của hệ sinh thái biển vùng cực này đối với biến đổi môi trường là một vấn đề cấp bách”, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.