Ánh sáng diệu kỳ từ âm nhạc của cô gái khiếm thị
Sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng Nguyễn An Như (sinh năm 2003, Hà Nội) vĩnh viễn không thể nhìn thấy mọi thứ sau một tai nạn, khi em mới 11 tháng tuổi. Trải qua hơn 20 cuộc đại phẫu lớn nhỏ, cô gái 10X đã vượt qua những cơn đau cả về hể xác lẫn tinh thần để trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Không chỉ chinh phục đàn tranh, piano, violon và sáo trúc, An Như còn là vận động viên nhỏ tuổi nhất của CLB khiêu vũ nghệ thuật người khiếm thị với nhiều thành tích ấn tượng.
Cô gái Anh Như và niềm đam mê âm nhạc tại chương trình "Trạm yêu thương" |
Trạm yêu thương chủ đề “Những giai điệu ánh sáng” mở ra với rất nhiều nhạc nhạc cụ như đàn tranh, sáo trúc, violon, piano. Khi MC của chương trình còn đặt câu hỏi khách mời tuần này có phải là cả ban nhạc thì An Như xuất hiện đầy ấn tượng với cây sáo trúc cùng giai điệu quen thuộc của bài hát “Despacito”.
An Như chia sẻ: “Không thể nhìn thấy mọi thứ, nhưng cuộc sống của em luôn thú vị và tràn ngập niềm vui. Em có một niềm đam mê với các nhạc cụ. Âm nhạc không chỉ là bạn, là ánh sáng mà còn giúp cuộc sống của em tràn ngập màu sắc và yêu thương, và em muốn lan tỏa điều đó đến tất cả mọi người”.
Sự hồn nhiên, nhí nhảnh và có chút tinh nghịch của An Như đã khiến cuộc trò chuyện diễn ra hết sức cởi mở, lôi cuốn và có phần thú vị khi em sẵn sàng hát “L'italiano” bằng tiếng Ý khi tham gia thử thách của chương trình.
Khi được hỏi về biến cố khiến An Như trở thành người khiếm thị, em trả lời hết sức lạc quan: “Em nghĩ biến cố đã xảy ra, dù là người khiếm thị hay không, cũng nên sống một cuộc đời đáng sống”. Những bức ảnh mà cô Nhữ Thị Tuyết Anh, mẹ của Như mang đến đã giúp khán giả hình dung rõ hơn về biến cố từng ập đến với gia đình.
Quá trình học đàn của An Như là cả sự kỳ công, khi ấy chị Tuyết Anh vừa học cùng con, vừa nhớ bài để dạy lại cho con mỗi tối. Đồng hành cùng con những năm tháng trong viện, đưa con đi chữa bệnh rồi đi học, chị Tuyết Anh không chỉ trở thành bác sĩ, thành cô giáo mà còn trở thành người bạn thân thiết của con gái.
Vì không thể đọc được phổ nhạc nên cách học của An Như cũng khác, em học bằng cách nghe cô giáo chơi đàn rồi ghi nhớ nốt nhạc bằng cách nghe đi nghe lại nhiều lần. Chính điều đó giúp em nhận ra phong cách của mỗi giáo viên.
Sự xuất hiện bất ngờ của nghệ sĩ đàn tranh Phạm Hồng Hạnh đã mở ra nhiều điều thú vị về cô học trò đặc biệt cũng như nghị lực của em trên hành trình chinh phục cây đàn tranh - môn học siêu khó đối với cả những người mắt sáng.
Đối với An Như, cô Hạnh còn là bạn và là thần tượng của em: “Em nghe cô đàn, em tưởng tượng ra cô là một người rất xinh đẹp và ấm áp. Em luôn muốn mình giống như cô, học được nhiều điều ở cô để sau này em có trở thành cô giáo thì học trò của em sẽ yêu mến em giống như em yêu cô vậy”.
Thử thách thể hiện ca khúc “Bên trên tầng lầu” - bản hit đang được nhiều bạn trẻ Việt yêu mến bằng đàn tranh, sáo trúc, violin và piano sẽ giúp khán giả được mắt thấy, tai nghe khả năng chơi được nhiều nhạc cụ của An Như.
Không chỉ dừng lại ở các nhạc cụ, cô gái tài năng này còn có thể khiêu vũ. Phóng sự về hành trình theo đuổi bộ môn này cùng những thành tích mà em đạt được sau gần 3 năm theo học sẽ khiến khán giả thêm ấn tượng về cô gái khiếm thị nhưng ham học hỏi và không ngừng vươn lên.
Khi được hỏi về ước mơ trong tuơng lai, An Như mong muốn bản thân sẽ tập trung hoàn thành tốt chương trình học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chơi tốt các nhạc cụ đang theo đuổi và xa hơn nữa là trở thành cô giáo dạy nhạc, truyền lại các kỹ năng cảm thụ âm nhạc cho những hoàn cảnh không may mắn giống như mình.
Món quà của "Trạm yêu thương" sẽ góp phần chắp cánh cho ước mơ đầy nhân văn của cô bé khiếm thị tài năng này.