Áo dài cùng người Hà Nội đón Tết
Đầy ắp giá trị văn hoá
Những ngày này, trên mọi nẻo đường, con ngõ của Thủ đô Hà Nội đã ngập tràn không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết. Đúng với ý nghĩa gia đình sum vầy, uống nước nhớ nguồn, Tết Nguyên đán chính là thời điểm tốt lý tưởng về nhiệm vụ phải giữ gìn cũng như phát huy, tôn vinh những giá trị văn hoá.
Theo đó, suy nghĩ của người Hà Nội về Tết cổ truyền gắn với gắn liền với hình ảnh của sự đủ đầy, ấm áp và đẹp đẽ trong những bộ áo dài thơm mùi vải mới với ước mong hy vọng cho một năm mới tràn đầy may mắn và thịnh vượng.
Các bóng hồng tạo dáng check in bên hồ Hoàn Kiếm |
Việc xúng xính những trang phục truyền thống đón tết không biết tự bao giờ đã hình thành trong nếp nghĩ gắn liền với người dân Thủ đô. Sau những ngày làm việc chăm chỉ, họ luôn mong muốn xuất hiện trước bạn bè và gia đình với diện mạo tươi tắn, đồng thời trao nhau những lời chúc chân thành trong dịp năm mới.
Điều này làm cho truyền thống kết hợp với sự hiện đại và áo dài truyền thống không thể không được nhắc đến khi nói đến trang phục phù hợp cho mùa Tết, dù bạn chọn giữ vững với phong cách nguyên bản hay lựa chọn những thiết kế cách tân.
Bởi nếu như người Nhật tự hào về kimono, người Hàn nổi tiếng với hanbok thì người Việt luôn được biết đến với tà áo dài duyên dáng và thướt tha. Chiếc áo dài Việt Nam tổng thể là một bộ trang phục có thể tôn lên được những nét đẹp cơ thể nhưng vẫn kín đáo, thanh cao, lịch sự.
Hình ảnh Thuỳ Liên dịu dàng trong tà áo dài cô đã lựa chọn vào Tết Giáp Thìn 2024 (Ảnh: NVCC) |
Theo sự biến đổi của thời đại, áo dài cũng cải tiến theo năm tháng với nhiều mẫu mã, hình dáng, màu sắc khác nhau để lựa chọn. Là một người yêu thời trang đặc biệt là những tà áo dài truyền thống, Thuỳ Liên (23 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ: “Mặc áo dài khiến phụ nữ trở lên dịu dàng hơn nên mỗi năm, vào những dịp Tết như này tôi đều rất hào hứng đón xem các cửa hàng sẽ đem những câu chuyện văn hóa gì; sáng tạo chất liệu, kiểu dáng ra sao dựa trên phiên bản xưa.
Năm nay, tôi cũng chọn cho mình một bộ áo dài đón Tết, màu hồng xanh, có hoạ tiết hoa đào xuyên suốt, với hi vọng một năm mới luôn tươi tắn”.
Cho mùa Tết thêm rộn ràng
Một cách rất tự nhiên, văn hoá mặc áo dài đã trở thành thói quen của nhiều phụ nữ Việt Nam, xuất hiện trong đời sống của người dân, là trang phục lịch sự của nhiều các cô, các mẹ, chị em chọn trong những dịp lễ Tết, kỷ niệm quan trọng, trong công sở, trường học...
Nhất là trong không khí Tết Nguyên đán đang cận kề, không khó để bắt gặp nhiều bạn trẻ diện áo dài truyền thống xuống phố check - in đón Tết. Những thiếu nữ tuổi đôi mươi, má đỏ hây hây, ai nấy cũng cầm một bó hoa rực rỡ, mở những nụ cười tươi bừng cả góc phố. Thủ đô nhờ vậy mà trở nên tràn trề sức xuân, đông vui náo nhiệt, cả bầu trời kỉ niệm về mùa Tết cũ bỗng ùa về.
Hội chị em tạo dáng tinh nghịch trong trang phục áo dài sặc sỡ (Ảnh: Kế Tùng) |
Nhiều người trẻ cũng chia sẻ rằng, trong những năm gần đây, xu hướng chụp ảnh xuân trở thành một cách để gìn giữ kí ức, mang lại sự giản dị và hoài niệm với hình ảnh của Tết xưa. Để tạo nên một bộ ảnh đầy đủ ý nghĩa, hầu hết mọi người đều lựa chọn áo dài truyền thống và tạo dáng gần các gánh hoa tươi và trái cây trước các chợ.
“Mấy ngày vừa rồi, Hà Nội mưa suốt nên tranh thủ trời nắng, khô ráo, mình rủ ngay hội bạn chụp một bộ ảnh áo dài đón Tết, theo hướng tinh nghịch, hài hước bằng cách đội khăn, đeo thêm phụ kiện kính râm. Mình hy vọng bộ ảnh sẽ đem đến tiếng cười và năng lượng tươi vui đến mọi người", bạn Minh Thơm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Còn Anh Thư (23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), cùng cô bạn thân rong ruổi khắp phố phường Hà Nội để chụp bộ ảnh đón Tết. Thư yêu thích bối cảnh đường phố, con phố nhỏ yên bình của thủ đô để lưu lại nhiều khoảnh khắc xinh đẹp của mình. “Những địa điểm như Bốt Hàng Đậu, phố Phan Đình Phùng đều có ánh sáng đẹp, góc nào góc nấy đều rất thơ, chỉ cần đứng vào là mình đã có ảnh đẹp", Thư kể.
Áo dài như mang Tết gần hơn đến với người dân Thủ đô. Bởi lẽ, bây giờ Tết không chỉ vài ngày mà kéo dài cả mùa. Điều kiện kinh tế tốt hơn, đời sống khá giả, người ta chơi Tết dài hơn. Hoạt động nhỏ nhưng mang ý nghĩa to lớn, góp phần giữ gìn, lan tỏa giá trị văn hoá của áo dài, cũng như hình ảnh Thủ đô đến nhiều bạn bè quốc tế biết đến hơn.