“Bà tiên” dang vòng tay bao bọc cho 26 đứa trẻ mồ côi
Ngày 1/6 của trẻ mồ côi Làng Hòa Bình ở Quảng Nam Chàng trai người Mỹ tiết kiệm từng đồng cho trẻ mồ côi miền núi Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ mồ côi |
Nhận nuôi 26 đứa trẻ bất hạnh, bà Hiền coi đó là lẽ sống của cuộc đời mình |
“Bà nội” của 26 đứa trẻ mồ côi
Bà Lê Thị Trí Hiền năm nay đã 60 tuổi. Căn nhà của bà nằm cặp quốc lộ 1A, thuộc phường 7, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Từ vẻ bề ngoài của người phụ nữ này đã toát lên bà là con người nhân hậu với trái tim luôn dạt dào tình cảm. Bà nhận nuôi lần lượt từ đứa trẻ này đến đứa trẻ khác, cho đến nay đàn cháu của bà đã lên đến 26 đứa…
Việc bà nhận nuôi trẻ mồ côi như đã có truyền thống. Hàng chục năm trước, cha của bà là cố Hòa thượng Tịnh Hạnh – người sáng lập ra chùa Năng Nhơn, đã hướng đạo chúng sinh và phát tâm nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi trong vùng. Đến khi qua đời, ông để lại di nguyện cho con gái, mong muốn tiếp bước ông, bao bọc cho những đứa trẻ bất hạnh.
Dù là một phần thực hiện di nguyện của đấng sinh thành, nhưng nếu không có một tấm lòng bác ái, bà Hiền không thể nào có đủ sức mạnh để dang đôi tay đón nhận hàng chục đứa trẻ mồ côi như thế. Từ hơn 10 năm trước, bà Hiền bắt đầu nhận nuôi trẻ, đứa nhỏ nhất lúc bà nhận mới 4 tuổi. Có trường hợp những đứa trẻ này bị bỏ rơi ở cổng chùa. Cũng có trường hợp, qua nhiều người mà bà biết tại các bệnh viện có trẻ sắp không có nơi nương tựa. Bà tìm đến đưa chúng về, tạo dựng cho chúng một cuộc sống mới.
Ba nguyên tắc mà người phụ nữ này tâm niệm khi nuôi trẻ đã nói lên được con người và lý tưởng của bà. Thứ nhất, nhận nuôi trẻ mồ côi thì phải có cái tâm. Cái tâm đó tiếp cho bà sức mạnh, can đảm vượt qua khó khăn để nuôi chúng đến khi trưởng thành. Thứ hai, phải cho những đứa trẻ này tình thương. Đó là tình cảm gia đình xuất phát từ những điều chân thật nhất, chỉ có tình yêu thương thực sự mới cảm hóa và giúp những đứa trẻ này đi đúng hướng cho đến khi trưởng thành. Thứ ba, khi quyết định nhận nuôi trẻ thì phải xác định cho các em điểm tựa, từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Đó là lý do mà bà Hiền xác định sẽ nuôi dưỡng các em cho đến khi 20 tuổi – đủ lớn để định hướng được con đường phát triển của bản thân. Còn bà vẫn luôn trong vai trò bà nội dõi theo và động viên các em. Bà sẽ luôn là gia đình của các em, một nơi mà chúng có thể tìm về bất cứ lúc nào khi mệt mỏi.
Mỗi lần đi đâu về, những đứa trẻ này làm rộn ràng căn nhà vốn yên tĩnh |
Bà Hiền luôn nghĩ rằng những đứa trẻ đến với bà cũng có phần duyên số nên bà nguyện làm tất cả khả năng và dành cho chúng tình yêu thương chân thành. Vì thế, những đứa trẻ do chính bà đặt tên cứ thế lớn lên, ngoan ngoãn và có một tuổi thơ tươi đẹp.
Tất cả vì đàn cháu thân yêu
Bà Hiền có 4 người con thì 3 người đã xuất gia tầm đạo. Còn 1 cô con gái thì ở cùng bà, phụ giúp chăm lo cho các em – cháu. Bà Hiền từng có kinh nghiệm nuôi con nhỏ, nhưng để nuôi tới 26 đứa trẻ thì lại là một câu chuyện khác. Từ khi đón chúng về, bà chăm lo từng chút một, thức khuya dậy sớm, lo lắng khi có đứa trở mình đau ốm. Mỗi khi nhận thêm 1 đứa trẻ thì tình yêu của bà phải lớn thêm, lớn thêm nữa để đủ san sẻ cho những mảnh đời này.
Bà không muốn một đứa trẻ nào sống cùng bà, gọi bà tiếng bà nội mà phải chịu thiệt thòi. Bà tất tả lo toan, đêm hôm chăm bẵm từng đứa một. Sự vất vả đó không thể đong đếm được. “Nếu có tình yêu, con người ta sẽ làm được những điều phi thường, to lớn. Bà Hiền chính là người như thế”, một người dân ở TP Sóc Trăng nói.
Từ đầu năm đến nay, khi dịch Covid-19 hai lần bùng phát, vì sự an toàn cho đàn cháu nội, bà Hiền từ chối tiếp khách lạ. Bà đóng cửa và chơi đùa cùng các cháu suốt nhiều ngày liền. Nhưng sống với hàng chục đứa trẻ đang ở độ 7 – 8 tuổi như thế bà Hiền cũng phải trải qua những khoảng thời gian dở khóc dở cười. “Con nít tuổi này quậy dữ lắm. Mà cả chục đứa như vậy thì tụi nó vừa chơi vừa quậy tanh bành. Nhưng tôi nói thì tụi nhỏ nghe lời lắm, thấy tôi là im re. Nhìn chúng lớn lên từng ngày là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”, bà Hiền nói.
Những đứa trẻ sống cùng luôn được bà đặt ưu tiên lên tất cả. Chính vì thế, trong khuôn viên vườn nhà, bà thiết kế rất nhiều khoảng trống, chỗ vui chơi cho lũ trẻ. Mỗi ngày, vợ chồng bà và con gái thường thức dậy vào 5 giờ sáng, khi những đứa trẻ còn đang say ngủ. Họ hì hụi chuẩn bị đồ ăn sáng, gọi từng đứa dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng, mặc đồ chải tóc xong rồi mới tới trường.
Để các cháu có nhiều không gian để vui chơi, bà Hiền thiết kế đơn giản nhiều góc sân, góc vườn trong nhà |
Để cho các cháu an toàn, mấy năm qua, bà Hiền làm hợp đồng với 1 hãng taxi trên địa bàn TP. Sóc Trăng để đều đặn đưa các cháu đến trường. “Ông tài xế taxi nào cũng hết hơi với tụi nó, cứ lên xe là tụi nó quậy, nhưng có tôi thì ngồi ngoan ngoãn lắm. Mà tôi thì không có nhiều thời gian để ngày nào cũng đưa chúng đến trường rồi rước về được. Tài xế chở tụi nhỏ đi là tài xế quen, đến cổng trường thì có bảo vệ đón. Tôi chỉ đưa đi thời gian đầu cho mấy đứa nhỏ quen thôi”, bà Hiền chia sẻ.
Hiện ở thường xuyên cùng bà chỉ còn 15 đứa trẻ. Những em trưởng thành hơn được bà gửi đến các chùa để học tập, trau dồi bản thân. Bà cho biết sẽ nuôi dạy các em học hết THPT, sau đó sẽ học đến Trung cấp Phật học. Sau khi các em định hướng được bản thân, bà sẽ để chúng tự lựa chọn con đường đi. “Tôi mong các cháu sau này đều là những người hướng thiện. Nếu đủ duyên thì sẽ trở thành tu sĩ, tu hành theo đạo Phật. Còn nếu có chí hướng bên ngoài xã hội thì cũng sẽ trở thành người tử tế, có ích”, bà Hiền chia sẻ.
Chồng bà làm bên thú y, không ý kiến gì về việc làm thiện của bà. Còn con gái bà, người phụ giúp bà nuôi các em cũng được bà động viên đi học thêm các lớp huấn luyện y tế để chăm sóc tốt hơn cho trẻ, phòng lúc chúng đau ốm bệnh tật. Bà kể, mỗi tháng chi phí ăn uống cho những đứa trẻ này không biết bao nhiêu mà tính cho hết. Để có tiền trang trải, nuôi nấngchúng, ngoài nguồn kinh phí được các Phật tử đóng góp, bà còn nhận được sự hỗ trợ từ phía người thân ở nước ngoài.
Bà chia sẻ: “Nếu người ta cho nhiều thì mình đỡ phải mua, còn nếu gặp bữa người ta không cho thì mình phải mua. Đó là chưa kể lỡ không may có đứa cảm sốt, nhức đầu, đau bụng. Lâu lâu thì cũng phải liên hoan cho tụi nhỏ. Như đợt dịch vừa rồi, tụi nhỏ ở nhà nhiều, tôi phải liên tục mua đồ chơi cho mấy đứa thay nhau chơi. Tốn kém một chút nhưng nhìn mấy đứa chơi vui mình cũng mừng”.
Ngoài việc cưu mang hàng chục đứa trẻ, bà Hiền còn phát tâm làm từ thiện ở địa phương như xây dựng phòng học, xây nhà và cầu giao thông nông thôn. Đợt khai giảng năm học mới này, bà còn vận động để phát tập sách cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Từ thương cháu, thương con, mà bà đem tình thương đó san sẻ khắp nơi. Nhìn những đứa trẻ đang vui đùa trong sân nhà, bà Hiền đưa mắt dõi theo rồi tự mỉm cười hạnh phúc…