Bài 1: Món quà nghĩa tình tặng cựu thanh niên xung phong
Những năm qua tuổi trẻ Thủ đô đã có nhiều việc làm thiết thực, mô hình hay thể hiện lòng biết ơn các thế hệ cha anh đi trước...
Ngay từ đầu tháng Bảy, nhiều cơ sở Đoàn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nô nức tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí tới các bác cựu thanh niên xung phong (TNXP), thương bệnh binh. Hoạt động thiết thực này đã giúp những người lính năm xưa có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Tấm lòng người trẻ
Hơn 100 cựu TNXP quận Đống Đa (Hà Nội) vừa tham gia chương trình khám bệnh, tư vấn sức khỏe và tặng quà do Đoàn Thanh niên quận tổ chức nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018) và Ngày truyền thống lực lượng TNXP (15/7). Bà Kiều Thị Nga xúc động cho biết: “Khám bệnh, phát thuốc miễn tới cựu TNXP, thương bệnh binh là hoạt động thường niên của Đoàn Thanh niên quận Đống Đa và được đánh giá rất cao. Đặc biệt, năm nay ngoài được tư vấn, khám bệnh, bác sĩ còn kê đơn và tặng kèm thuốc điều trị bệnh cho chúng tôi. Với những cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn đây thực sự là món quà quý giá”.
17 tuổi, cô nữ sinh Hà Nội, Kiều Thị Nga đã theo tiếng gọi của phong trào “Ba sẵn sàng” đi thanh niên xung phong. Những năm tháng tuổi xuân bà cống hiến cho Tổ quốc, chiến đấu kiên cường bám cầu, đường để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình, bà tiếp tục đi học rồi tham gia các công tác ở địa phương. Đến nay, bà đã có hơn 10 năm gắn bó với công tác của Hội cựu TNXP quận Đống Đa.
“Cả trong cuộc sống và công việc chúng tôi đều nhận được sự quan tâm của Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị, đặc biệt là các cháu đoàn viên, thanh niên. Tình cảm và sự chân thành của các cháu khiến chúng tôi càng có thêm động lực sống mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến cho đất nước” – bà Nga tâm sự.
20 tuổi, tình nguyện tham giam lực lượng TNXP, ông Nguyễn Văn Luật (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội) cùng đồng đội từng bám trụ cầu phao Đông Trù trong 12 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên phủ trên không. Khi ấy, sự hủy diệt của B52 không làm lung lay ý chí của những người chiến sĩ trẻ như Luật. Họ đã cùng quân dân Thủ đô làm lên chiến thắng oanh liệt năm 1972. Tháng 11/1975, chàng trai Nguyễn Văn Luật dời đơn vị thanh niên xung phong về địa phương lao động, tham gia các hoạt động xã hội và giúp đồng đội phát triển kinh tế.
Đầu tháng 7/2018, ông và đồng đội lại có thêm niềm vui khi được tham gia chương trình khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí do Huyện đoàn Gia Lâm (Hà Nội) phối hợp với Đoàn Thanh niên Bệnh viện Việt Đức tổ chức. Với tinh thần tình nguyện, tâm huyết và trách nhiệm cao, tại chương trình, các y bác sỹ đã khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí tới 220 cựu TNXP trên địa bàn cụm sông Hồng (thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).
“Chúng tôi được tư vấn sức khỏe, khám mắt, tai, mũi, họng... Qua các chương trình khám bệnh, phát thuốc miền phí của Đoàn, các bác sỹ phát hiện bệnh sớm, đồng thời tư vấn để cựu TNXP có hướng điều trị kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó 100% cựu TNXP đến khám đều được cấp thuốc điều trị bệnh, thuốc bổ và được Đoàn Thanh niên tặng quà. Đây là việc làm thiết thực và vô cùng ý nghĩa với cựu TNXP nói riêng và thương bệnh binh nói chung” – ông Nguyễn Văn Luật chia sẻ.
Trân trọng quá khứ
Theo anh Phùng Như Hùng, Bí thư Quận đoàn Đống Đa (Hà Nội), phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được Đoàn Thanh niên các đơn vị đặc biệt chú trọng. Vì vậy, Quận đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Hội cựu TNXP quận tổ chức tốt các chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Đối với các gia đình cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn Quận đoàn còn chủ động xã hội hóa và xin trích quỹ từ Ban vận động vì người nghèo để thăm hỏi, tặng quà. Trong chương trình khám bệnh, phát thuốc vừa tổ chức Đoàn Thanh niên quận đã tặng quà tới 21 cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất gồm 500.000 đồng tiền mặt và nhiều hiện vật ý nghĩa.
Cùng với hoạt động này, trong Chiến dịch "Mùa hè thanh niên tình nguyện" 2018, tuổi trẻ quận Đống Đa còn tổ chức nhiều hoạt động khác như: Chỉnh trang các đài tưởng niệm, thắp nến tri ân; khám bệnh phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các gia đình thương bệnh binh, gia đình chính sách, có công với cách mạng; tổ chức chương trình nghệ thuật "Màu hoa đỏ"; phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh quận tổ chức các hoạt động về nguồn tới các địa chỉ đỏ từ Nghệ An đến Quảng Trị với chủ đề "Theo bước chân những người anh hùng"...
“Những hoạt động của tuổi trẻ quận là việc làm thiết thực góp phần cùng toàn xã hội chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa với những người có công. Bên cạnh đó, các hoạt động này còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ biết sống nhân ái, trân trọng những giá trị cao đẹp của quá khứ, từ đó hướng tới tương lai tươi sáng” – anh Phùng Như Hùng, Bí thư Quận đoàn Đống Đa chia sẻ.
Từng tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện do Đoàn Thanh niên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tổ chức nhưng đây là lần đầu tiên bác sĩ Nguyễn Đức Quỳnh được tư vấn, khám bệnh cho các bác cựu TNXP. Vì thế, cảm xúc trong anh thật đặc biệt. Anh Quỳnh tâm sự: “Rất nhiều bác mắc các bệnh do di chứng chiến tranh để lại và phải chịu đau đớn về cả thể xác và tinh thần. Tuy nhiên, các bác luôn có tinh thần lạc quan, sống và cống hiến cho xã hội khiến những y, bác sĩ trẻ như mình cảm thấy rất nể phục. Được khám bệnh và nghe các bác kể lại những năm tháng trên chiến trường chính là niềm vinh dự với mình”.
Anh Quỳnh cho biết thêm, qua những hoạt động khám bệnh, phát thuốc tình nguyện đội ngũ y, bác sĩ trẻ không chỉ có thêm kiến thức y học mà còn nâng cao khả năng giao tiếp, hiểu người dân hơn để làm tốt nhiệm vụ của một thầy thuốc. Câu chuyện của thế hệ cha anh đi trước cũng giúp người trẻ khơi dậy niềm tự hào và phát huy sức mạnh truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, truyền thống anh hùng cách mạng của Thủ đô và đất nước.
Được tham gia ngày hội “Tuổi trẻ Hoàn Kiếm chung tay vì sức khỏe cộng đồng” và trực tiếp khám chuyên khoa tim mạch và phát thuốc miễn phí cho các bác là cựu thanh niên xung phong cũng là niềm tự hào của bác sĩ Nguyễn Thanh Hoa, Bệnh viện Tim Hà Nội. Tham gia khám bệnh tình nguyện từ khi còn là sinh viên, chị Hoa đã có dịp đến nhiều vùng xa xôi với những người có hoàn cảnh của đất nước. Năng lượng để chị tham gia các hoạt động không biết mệt mỏi bắt nguồn từ những câu chuyện về những năm tháng chiến tranh của các bác cựu chiến binh.
“Mình thấy thật nhỏ bé trước những cống hiến, hi sinh của các chú, bác. Họ không tiếc máu xương để Tổ quốc tự do, nhân dân sống trong hòa bình. Trách nhiệm của những người trẻ như mình là phải kế thừa và phát huy truyền thống ấy” – bác sĩ Hoa khẳng định.
(Còn nữa)