Bài 159: Ứng xử sẽ bớt “lệch chuẩn” khi có chuẩn mực văn hóa phát ngôn
![]() |
>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 158: Mong đền Bạch Mã sớm gắn biển quy tắc ứng xử
Bức xúc những hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực
Trong thời gian vừa qua, đã có một số công chức có biểu hiện lạm quyền, quan liêu, văn hóa ứng xử không đúng mực gây bất bình trong xã hội. Điển hình như vụ xin cấp giấy chứng tử tại UBND phường Văn Miếu (Hà Nội), công chức địa phương có hành vi xúc phạm phóng viên khi tác nghiệp… Ngoài ra, nhiều ý kiến của người dân cũng rất bức xúc trước thái độ làm việc tiếp công dân của một bộ phận công chức còn cửa quyền, hách dịch “hành là chính”.
Nhìn sâu xa, hành vi và lối ứng xử của công chức thể hiện nền tảng văn hóa và môi trường giáo dục của gia đình, xã hội và cả nơi họ sinh sống, làm việc. Do đó, tạo dựng và quản lý chặt chẽ một môi trường công sở có văn hóa, chúng ta sẽ có được đội ngũ công chức vừa có tài, vừa có đức, hết lòng, hết sức vì công việc, phục vụ đất nước và nhân dân.
![]() |
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống, Sở VH-TT Hà Nội - đơn vị được giao soạn thảo dự thảo quy định này, chia sẻ: “Còn tồn tại nhiều trường hợp giao tiếp chưa đúng mực nên Hà Nội muốn có một bộ chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội”.
Dự thảo có nhiều quy định rất cụ thể như tại Điều 3 - Quyền và trách nhiệm phát ngôn, quy định công chức không bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân. Còn tại Điều 5 - Ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn, công chức phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, không sử dụng ngôn ngữ địa phương.
Ngoài ra có nhiều vấn đề được đưa ra cụ thể như nói trống không, cộc lốc, không được cắt lời người đang giao tiếp; chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng để đảm bảo việc phát ngôn hiệu quả. Đặc biệt, “khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc, phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ. Tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm…”. Đây là những vấn đề phù hợp với đòi hỏi thực tiễn nhưng nhiều năm nay vẫn chưa có một bộ dự thảo quy định nào đề cập tới.
Góp phần siết chặt kỷ cương hành chính
Hiện nay, ở các Bộ, Ngành, cơ quan đang có một loạt hệ thống quy tắc. Hà Nội mới ban hành hai bộ QTƯX, trong đó hành vi ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc TP Hà Nội đều thuộc đối tượng phải điều chỉnh trong hai bộ quy tắc này. Chính vì vậy, nhiều người lo ngại quy tắc chồng quy tắc sẽ khiến mọi người khó nhớ, khó hiểu và không hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Nam, các quy định chỉ chồng chéo nhau khi đối lập, trái ngược nhau còn hiện tại Hà Nội chưa có quy định cụ thể nào về ăn mặc, chuẩn bị kiến thức, xử lý tình huống trong phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. QTƯX là quy định tổng quát, mang tính định hướng chung, còn Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn nếu được ban hành sẽ góp phần siết chặt kỷ cương hành chính của các cơ quan thuộc TP Hà Nội, cụ thể hóa những quy định về hành vi ứng xử trong bộ QTƯX.
Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn không chỉ dành cho cán bộ có thẩm quyền phát ngôn cho báo chí, mà áp dụng để chấn chỉnh cách nói năng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở mọi tình huống giao tiếp. Sau nhiều lần xây dựng và chỉnh sửa, bản dự thảo Quy định mới nhất vừa trình lãnh đạo UBND TP xem xét có 3 chương, 9 điều. Trong đó đáng chú ý là có những quy định không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.
“Cán bộ có quyền sử dụng facebook nhưng tuyệt đối không được đưa những quan điểm cá nhân, đi ngược quan điểm chính sách lên mạng xã hội. Cán bộ, viên chức, người lao động của TP Hà Nội chỉ nên dùng facebook để giao lưu bạn bè, tránh bình luận đưa thông tin phiến diện về lĩnh vực mình phụ trách lên mạng xã hội”, ông Nam nhấn mạnh.
Đây là một quy định rất cần thiết, bởi mạng xã hội facebook đang có ảnh hưởng rất lớn đến toàn cầu. Nhiều quốc gia cũng đang lo ngại tầm ảnh hưởng xã hội và những tác động xấu của việc tự do ngôn luận thái quá trên mạng xã hội. Những lời bình luận “chém gió” tầm phào nhờ sức lan tỏa của mạng xã hội có thể ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng tiếng tăm đến các thương hiệu, tập đoàn kinh tế lớn.
Đối với vấn đề hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương được đặt ra trong dự thảo cũng tương đối nhạy cảm, bởi đa phần những người có thói quen này do ảnh hưởng của địa phương nơi mình từng sinh sống.
Ban soạn thảo dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức khẳng định những quy định đưa ra là chuẩn mực để định hướng văn hóa phát ngôn của công chức. Quy định này nhắc nhở công chức ý thức rèn luyện, sửa chữa để chuẩn hóa ngôn ngữ của mình, làm cho người đối diện nghe và hiểu được.
Ông Ngô Văn Nam cho biết: “Đây là những quy định rất cần thiết để xây dựng nền hành chính hiệu quả, chuyên nghiệp. Khi hoạt động công vụ hàng ngày, cán bộ công chức phải đảm bảo để những người giao tiếp với mình dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện”.
(còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hấp dẫn và bổ ích chuỗi hoạt động tại Phố Sách Hà Nội

Bí quyết chăm sóc sắc đẹp tự nhiên cho chị em phụ nữ

Phát triển công nghiệp văn hoá theo lộ trình chắc chắn, phù hợp

Nhiều nghệ sĩ trẻ truyền cảm hứng yêu nước, tự hào dân tộc

Mô hình trung tâm công nghiệp văn hóa trong đơn vị sự nghiệp công lập

Khai thác không gian cảng sông Bát Tràng thành Khu thương mại văn hoá

Đa dạng hóa mô hình tổ chức Trung tâm công nghiệp văn hóa

Bàn giải pháp tổ chức, quản lý hai mô hình phát triển văn hóa

“Sách mở rộng thế giới tư duy” tôn vinh văn hóa đọc
