Bài 186: Lắng lại cùng những gánh hàng rong
![]() |
>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 185: Những kí ức không quên
Giữa sắc màu lấp lánh của thành phố mới lên đèn, tiếng rao của những người bán hàng rong nghe nhỏ bé, cô quạnh như chính chủ nhân của nó. Họ vẫn cần mẫn mưu sinh giữa những tấp nập, bộn bề của cuộc sống. Mỗi gánh hàng rong là một mặt hàng khác nhau và đằng sau mỗi đôi quang gánh ấy là một số phận, một cuộc đời với những vui ít, buồn nhiều và tiếng gượng cười cho qua ngày tháng.
“Người ta vẫn thường nói vui với nhau: “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, bác ngồi lê ở thành phố đến nay đã 18 năm nhưng vẫn chưa thấy giàu, có lẽ phải ngồi thêm, cháu ạ!”. Đó là những lời tâm sự rất hóm hỉnh của bác Nguyễn Thị Hồng (58 tuổi) bán hoa quả rong trên phố Đinh Lễ. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hưng Yên, có truyền thống làm nông nghiệp, cả gia đình bác với 6 miệng ăn không còn nguồn thu nào ngoài mấy sào ruộng. Kinh tế gia đình càng thêm khó khăn hơn khi chồng bác bị tai nạn trong lúc phụ hồ. Bác đã theo mấy người cùng quê lên thành phố mưu sinh từ đó. Vốn liếng trong tay không có là bao, không bằng cấp, trình độ, bác chọn gánh hàng rong làm nghiệp mưu sinh.
![]() |
Đi một vòng quanh các phố cổ của Hà Nội như Hàng Đào, Hàng Bạc, Lương Ngọc Quyến… không khó để chúng ta có thể bắt gặp một gánh hàng rong. Hầu như mặt hàng nào, chúng ta cũng có thể tìm thấy trên những mẹt, những thúng, từ lương thực, thực phẩm cho đến giấy tiền, vàng mã, hoa quả, hay hàng quà như bánh rán, bánh trôi, bánh chay, củ khoai, củ sắn… Đa phần những người bán hàng rong đều là phụ nữ. Họ đến từ các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An…
Không thời gian hoạt động cụ thể, không địa điểm hoạt động cố định, những người bán hàng rong lam lũ, tần tảo rong ruổi khắp mọi nẻo đường thành phố. Với tính cách cần cù, chịu khó có lẽ vẫn chưa đủ giúp họ có thể bán được nhiều hàng. Phần lớn những người bán hàng rong cho rằng việc nhận biết được khách hàng giúp cho họ bán được hàng với giá cao hơn, bán được nhiều hàng hơn và không bị lừa gạt, giật hàng. Hầu hết người bán hàng rong cho rằng mình có khả năng nhận biết được tâm lý khách hàng qua khuôn mặt, lời nói, qua cách trả giá, đặc biệt thái độ xem và mua hàng của khách.
Mục đích của họ là cố bán được nhiều hàng với giá có lãi nhất, nên với mỗi loại khách, họ thường có các cách cư xử khác nhau. Một số người bán hàng cho rằng, phải luôn nghĩ ra các cách để bán được hàng. Với họ, một thái độ nhịn nhục, vui vẻ, hòa nhã với khách hàng sẽ dễ bán được nhiều hàng hơn. Một người bán trứng chia sẻ: “Họ là người Hà Nội, họ có quyền. Còn mình là dân quê, đi làm thuê nơi đất khách quê người nên không dám cãi lại. Người ta nói sao thì mình biết vậy, do thân phận mà. Dù có đúng mình cũng nín nhịn. To tiếng người ta đánh cho, ai bênh”. Điều này cho thấy sự nghèo khó về kinh tế, sự thấp kém về học vấn và sự khác biệt về văn hóa, lối sống đã khiến cho những dân quê ra Hà Nội bán hàng rong dễ dàng nín nhịn khách hàng người thành phố.
Gần khu chợ Long Biên, các chị bán hoa quả rong chỉ dám thuê nhà trong các khu ổ chuột ven thành phố. Chị Lan chia sẻ, phòng trọ chị ở là cả 10 chị em cùng cảnh ngộ. Có chục mét vuông lợp pờ rô xi măng, đến ngồi còn cảm thấy ngột ngạt khó thở chứ nói gì đến nằm. Mùa đông còn đỡ, còn những ngày Hà Nội nắng nóng cao điểm, thức trắng đêm của các chị là “cơm bữa”. Có hôm nóng quá không thể nghỉ chân ở phòng trọ, các chị lại rủ nhau ra gốc cây công viên để hóng gió. Giấc ngủ muộn màng trong chập chờn mộng mị.
Xã hội ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh cũng là lúc nhu cầu thưởng thức của con người ngày càng tăng lên cả về chất và lượng. Giữa phố phường thênh thang, lung linh sắc màu, những nhà hàng, quán ăn sang trọng, hàng rong không còn là lựa chọn được nhiều người ưu ái nữa. Buôn bán ngày càng khó khăn, chi phí sinh hoạt ở thành phố ngày càng đắt đỏ khiến họ phải chi tiêu tằn tiện mới có thể về thăm nhà, thăm con.
Tác giả Nguyễn Quang Thiều đã viết về những gánh hàng rong đó như sau: “Một gánh cốm làng Vòng, những nải chuối “trứng cuốc” thơ mộng, một gánh bún lá với đậu phụ, một thúng bánh khúc đội đầu, những chiếc mẹt đựng cơm nắm và muối vừng, những thúng khoai luộc, bánh tẻ, bánh nếp, chiếc xe đạp chở phía sau những hoa chuối đỏ, bông sen thoang thoảng hương thơm".
Tuy nhiên, xét dưới khía cạnh luật pháp, những người làm nghề bán hàng rong luôn phải di chuyển liên tục trên các đường phố nhưng họ lại không hiểu biết về luật giao thông. Như một người bán rong nói: “Đèn đỏ ư? Em có để ý gì đâu, em tưởng nó chỉ cấm người đi xe”. Vì mưu sinh họ vẫn phải duy trì công việc trên các đường phố. Đôi khi, người bán hàng lại lấn chiếm vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường làm ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ tan tầm, cuối buổi chiều. Điều này đôi khi còn là nguyên nhân gây nên những vụ tai nạn cho người qua lại. Công việc bán rong còn gây ra mất vệ sinh công cộng do vứt rác bừa bãi...
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tìm lại ký ức Sài Gòn xưa và nay tại ga Metro Bến Thành

Các hoạt động nghệ thuật đa dạng, phong phú và hấp dẫn

Ninh Thuận: Phê duyệt đề án bảo tồn Lễ hội Katê

Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Dấu ấn Thủ đô tiên phong trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc

Vỡ òa từng cung bậc cảm xúc với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đảng trong mùa xuân đại thắng”

"Con đường tương lai" gợi mở các mô hình phát triển bền vững

Những công trình tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh vào trang sách

Các đại sứ trình diễn bộ sưu tập áo dài "Radiant Peace - Hòa bình rực rỡ"
