Bài 2: Còn nhiều rào cản khi tính phí rác theo cân
Xả nhiều rác, đóng phí cao
Khoản 1 Điều 79 của Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) chỉ rõ: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ: Phù hợp với quy định của pháp luật về giá; Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo đúng quy định thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Như vậy, một trong những căn cứ để tính giá rác thải sinh hoạt là khối lượng hoặc thể tích của rác sau khi đã được phân loại. Cá nhân, hộ dân nào thải ra càng nhiều rác, mức phí sẽ càng cao. Khoản 7 của Điều 79 trong Luật cũng quy định cụ thể: Việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng sẽ được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Luật đề ra mốc thời gian này bởi xét theo thực tế, nếu áp dụng luôn phương thức tính phí mới, nhiều địa phương chưa có điều kiện thực hiện.
Tính phí rác theo khối lượng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng |
Nói về vấn đề này, chị Lê Thanh Huyền (ở quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ hoàn toàn ủng hộ chủ trương mới của Nhà nước.
“Làm thế rất hợp lý, nhà nào ít rác thì thu ít tiền, nhà nào nhiều rác thì thu nhiều tiền. Nếu thu bình quân thì có nhà ít rác nhưng trả tiền cũng bằng nhà nhiều rác, có phần thiếu công bằng. Khi xả rác nhiều phải trả tiền nhiều thì chắc chắn mỗi người, mỗi gia đình sẽ có ý thức hơn trong việc xả rác và cố gắng tái sử dụng rác thải. Như thế tôi nghĩ sẽ rất tốt cho môi trường”, chị Huyền nói.
Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng đánh giá cao quy định mới này. GS.TS Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ với báo chí rằng, Luật sửa đổi lần này đã cập nhật theo hướng hiện đại, đặc biệt có những điểm mới mang tính đột phá.
Theo bà Chi, đã có những đổi mới trong phần quản lý chất thải và có tính cách mạng. Bà cho rằng, chưa bao giờ chúng ta thu phí theo khối lượng xả ra, Luật đưa ra vấn đề thu phí theo khối lượng rác - đây là điểm mới tích cực. Do từ trước đến nay, chúng ta thường không phân loại rác tại nguồn, khi đưa yêu cầu phân loại rác tại nguồn là bước tiến tích cực.
Luật được thông qua và đi vào cuộc sống sẽ thu lại được những phần rác có thể phân loại tái chế, biến nó thành phân sinh học đóng góp cho nông nghiệp. Đã đến lúc, chúng ta không dùng phân bón hóa học, giảm diện tích dùng cho chôn lấp rác. Các hộ gia đình sẽ phải trả tiền cho việc đổ chất thải. Việc này khiến họ phải có ý thức hơn về khối lượng chất thải bỏ ra, lượng chất thải sẽ giảm đi.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam hiện nay cũng tương tự như Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây. Việc phân loại rác tại nguồn gần như ở con số không. Các giải pháp mang tính phong trào còn rất ít và chưa đủ mạnh mẽ để thay đổi tình thế. Gánh nặng xử lý rác thải ngày càng lớn trên vai của chính quyền địa phương các cấp, gây ra nhiều hệ lụy xấu về môi trường.
Trong bối cảnh đó, xả rác phải đóng tiền không phải là câu chuyện thêm một loại phí trên vai người dân mà chính là cụ thể hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân đối với môi trường mình sống.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Có thể thấy, việc tính phí rác thải theo khối lượng là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, có không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn xung quanh quy định về tính phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng. Nhiều người dân lo ngại việc thực hiện sẽ gặp khó khăn vì người thu gom rác không thể mang theo cân khi đi thu gom để xác định khối lượng rác thải của các hộ gia đình. Chưa kể, nhiều người ý thức kém sẽ thỏa thuận với người thu gom để kê sai số rác thải, dẫn đến tiêu cực.
Anh Lại Quốc Toản (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) nêu vấn đề ai sẽ là người chịu trách nhiệm cân rác? Hộ gia đình trực tiếp cân hay người thu gom rác làm việc này? Nếu là người thu gom rác thì mỗi khi đi thu gom, người này phải mang theo một cái cân, vừa thu gom rác, vừa cân rác để tính tiền? Còn hộ gia đình thì phải luôn "giữ rác" trong nhà, đợi đến giờ đổ rác để mang ra cân hay sao?
“Việc thu phí rác thải theo khối lượng sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhà này bỏ rác sang nhà kia hoặc vứt rác ra nơi công cộng để né phí. Như nhà tôi ở các khu chung cư, do không có khung giờ đổ rác cố định và lượng rác thải xả ra quá lớn nên việc tính rác theo cân tôi nghĩ cũng sẽ có những khó khăn nhất định.
Ngoài ra, theo Luật này, những nơi như kinh doanh ăn uống sẽ phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt thì phải nộp phí cao hơn so với các hộ gia đình, tôi rất ủng hộ. Ngược lại, một số người thường lợi dụng đêm tối chở chất thải xây dựng, chất thải cồng kềnh tới các điểm tập kết rác khi không có mặt nhân viên môi trường, như vậy thì làm sao mà thu phí được”, anh Toản băn khoăn.
Vẫn còn nhiều rào cản trong việc thực hiện quy định mới của Luật, đặc biệt là việc phân loại rác tại nguồn |
Tương tự, khi đặt câu hỏi về vấn đề thu phí theo khối lượng rác, anh Nguyễn Tùng Dương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn còn cảm thấy mơ hồ, lo ngại quy định này sẽ khó thực hiện.
“Biết rằng việc phân loại và thu phí rác thải theo khối lượng đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tại Việt Nam sẽ có nhiều rào cản. Bởi ở nước ta, việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa trở thành thói quen. Nếu không thay đổi được điều này thì việc tính phí thu gom rác sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện”, anh Dương chia sẻ thêm.
Nhiều người lo ngại, việc tính rác theo khối lượng sẽ xảy ra hiện tượng bỏ rác lén lút bất cứ chỗ nào để giảm bớt tiền rác. Khi đó sẽ xảy ra tệ nạn vứt rác sang nhà hàng xóm, vứt xuống kênh, nơi công cộng. Lúc đó, tiền thu được từ rác thải liệu có đủ để xử lý nạn vứt rác tràn lan?
Theo GS. TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và Bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, việc thực hiện thu phí theo khối lượng sẽ gặp không ít khó khăn. Vì việc xác định lượng rác thải của từng hộ không dễ, người thu gom rác không thể mang theo cân khi đi thu gom để xác định khối lượng rác thải của các hộ gia đình. Từ giờ đến năm 2025, còn rất nhiều điều phải làm để cho việc thu gom rác thải được tiện lợi cho người dân và cả người thu gom rác thải.
Bên cạnh đó, yêu cầu phân rác tại nguồn cũng gặp không ít khó khăn. Theo các chuyên gia, hiện nay, thói quen của hầu hết người dân vẫn là đổ chung tất cả rác vào một túi và bỏ rác vào thùng. Việc phân loại rác ít người quan tâm. Trong khi đây lại là một trong những yếu tố có vai trò quyết định sự thành công của việc thực thi quy định mới này.
Rõ ràng, mặc dù Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) là quy định có tính “cách mạng” trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay. Tuy nhiên, để quy định đi vào thực tế vẫn còn những rảo cản và khó khăn nhất định. Chúng ta cần phải đưa ra những giải pháp thực tế trong 5 năm tới trước khi quy định này chính thức có hiệu lực vào năm 2025.
(Còn nữa)
Thu phí theo khối lượng: "Cuộc cách mạng" trong xử lý rác thải sinh hoạt Thu phí rác thải theo khối lượng đem lại nhiều điểm lợi Thu phí rác thải theo khối lượng sẽ hạn chế xả rác ra môi trường |