Bài 2: Nghệ nhân già truyền nhân đời thứ 6 “đi mo”
Những người gìn giữ mo Mường Hà Nội TTTĐ - Với sự hình thành và phát triển ngàn đời, mo Mường là di sản chứa đựng giá trị của nhiều loại hình văn ... |
Muôn hình muôn vẻ
Theo kết quả kiểm kê năm 2022 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thì của nghệ nhân Nguyễn Thị Bí đã thực hiện ước tính 2400 lễ mo tang ma. Bà Bí cũng chia sẻ với chúng tôi rằng, từ đó đến nay bà cũng đã thực hiện thêm nhiều lễ tang cho những người xấu số về với Mường Ma.
Đồn rằng: Có một năm mưa dầm mưa dãi Nước vượt khỏi đồi U Nước dâng tràn đồi Bái Năm mươi ngày nước rút Bảy mươi ngày nước xuôi Mọc lên một cây xanh xanh Có chín mươi cành Thân trên mặt đất, thân cây biết rung Cành chọc lên trời lá xanh biết cựa Trong tán trong cành có tiếng đàn bà con gái Cành chọc trời là con đầu Tên gọi ông Thu Tha Cành bung xung là con thứ hai Tên gọi bà Thu Thiên (Phần đẻ đất - sử thi "Đẻ đất đẻ nước" |
Trong đó, các bài mo mà bà vẫn còn nhớ và thực hành được có thể kể đến mo "Đẻ đất đẻ nước", mo kẹ, mo cúng cơm, mo về cõi âm, mo lên vườn hoa, mo lên trời...
Điều đặc biệt, theo bà Bí, không phải ai cũng có thể làm mo mà phải có cơ duyên thì mới được lựa chọn để thực hành các nghi lễ này.
Với bà Bí, cứ mỗi lần trong vùng có người về thế giới bên kia mà nhờ đến bà, bà sẽ xuống điện thờ của gia đình, thắp nhang báo với bề trên địa chỉ, tên tuổi người xấu số thiệt phận trước khi đi.
Nghi lễ của mo Mường thường có hai mâm cỗ. Một mâm chay dâng Phật gồm trà, nước, hoa quả thanh tịnh. Mâm mặn có hai miếng thịt trong đó có một miếng sống và cơm rượu. Gia chủ chuẩn bị xong hai mâm lễ, bà Bí thắp nhang lên, tùy theo yêu cầu của chủ nhà thực hiện nghi lễ nào là cứ thế bà “đọc như cháo chảy, như có ai mách bảo trong đầu”.
Vì chỉ có một mình, không còn ai để thay đổi nên thường bà Bí phải làm một mạch từ 8 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau không nghỉ. Với mỗi đám tang, tùy theo yêu cầu của chủ nhà, thầy mo sẽ thực hiện các bài khác nhau, muôn hình muôn vẻ. Từ việc người thân đến dâng cơm, dâng quả cúng đến việc người chết phải đi tìm bố mẹ, ông bà, tổ tiên họ hàng dưới âm phủ, mỗi một hoạt động thầy mo lại “tự nhiên ở trong đầu” mà đọc ra thành bài cúng.
Trong đó, đặc biệt phải kể đến Chàng Cuông non cuông rét - Mo kể công ơn cha mẹ sinh thành. Đây là roóng mo được kể đầu tiên, là câu chuyện kể về vòng đời của người Mường với quan niệm về sự sống chết, quan hệ tình thân, cha con, vợ chồng…
Nghệ nhân Nguyễn Thị Bí thực hành mo Mường |
Mo nhìn Chạ Đống là phần mo đi nhìn đống mả Mường Ma nơi sau này người chết sẽ về đó. Đây là phần mo quan trọng, bắt buộc phải có trong tang lễ.
Thăm nhận chú bác họ hàng bên ma
Để mai sau về áng
Tháng sau ngày dài
Khỏi nên con ma chết lạc loài
Mai sau có họ
Mai sau khi chết
Không thành ma đói khó…
(trích trong thực hành mo)
Trong phần mo kể chuyển có: Mo "Đẻ đất đẻ nước", đẻ ra muôn loài, Săn muông… nhưng hiện nay, không còn đủ thời gian để thầy mo mo nội dung này.
Đám tang của người Mường |
Trong phần đưa tang, ông mo hoặc bà mo sẽ rung chuông lắc dẫn đường. Đoàn đưa tang gồm: Con trai cả quẩy trên vai ống nước có buộc cái áo của người quá cố, các con trai chống gậy theo sau. Đi tiếp sau quan tài là đoàn nhạc tang lễ người đánh trống, thổi kèn và sau nữa là con cháu đưa tang. Đến địa điểm hạ huyệt, con cháu và người thân đắp mộ, người mất được mồ yên mả đẹp.
Sứ mệnh với người Mường
Với người Mường thôn Đồng Rằng, trước khi đi hỏa táng, người nhà phải trở về Hòa Bình nơi “Đẻ đất đẻ nước” để lấy nước nguồn giúp cho người đi chôn được sạch sẽ. Thầy mo cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nghi lễ này.
Từ kinh nghiệm từ mấy chục năm làm thầy mo cũng như quan sát nhiều đời thực hành các nghi lễ, bà Bí cho biết với mỗi đối tượng trẻ con, người lớn, người già, đàn ông, đàn bà… đều có những bài cúng, cách cúng khác nhau, không thể áp dụng chung tất cả một bài cho tất cả mọi người được.
Thế nên ngoài việc chú ý học hỏi thì những người muốn làm thầy mo đều phải có cơ duyên, do “được chọn” và thành tâm thì mới có thể hoàn thành vai trò của mình, xứng đáng là người dẫn dắt, lưu truyền văn hóa của dân tộc.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Bí cùng các nghệ nhân trong buổi đón nhận Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Thầy mo như là cầu nối giữa người âm với người dương, là người đưa đường chỉ lối cho người chết về với họ hàng anh em ở Mường Ma nhưng không phải chỉ là công việc âm thầm mà mỗi chặng đường đi đều được thể hiện bằng những lời thơ, những câu chuyện đậm chất văn hóa. Mà những câu chuyện ấy, những lời mo ấy bà không làm thì người Mường đời sau bớt đi cơ hội được lắng nghe, được thụ hưởng văn hóa của dân tộc mình.
Vậy nên, dù tuổi đã cao nhưng cứ có người nhờ đến là dù quanh vùng hay xa tận các huyện khác bà Bí cũng vẫn nhiệt tình lên đường. Đó như là sứ mệnh, cũng là sự tiếp nối truyền thống gia đình bà đã gìn giữ 6 đời này.
Ông Pồng Pêu (thần nước) Ngồi đan chài ở cửa sổ Trông ra ngoài ngõ Trông lên trên trời Ông Pồng Pêu ao ước Ước ơi là ước Ước sao được một trận mưa Mưa dầm dề chín đêm mười bữa sáng Mưa rào rào chín buổi sáng mười đêm Mưa ở giữa đồng Mưa vòng ra bờ suối Mưa xói núi Mưa mòn gò Mưa từ chân trời này Mưa sang chân trời nọ (Phần Đẻ nước - sử thi "Đẻ đất đẻ nước") |
(Còn nữa)