Bài 2: Những người "lên phòng khách, xuống phòng bếp" đều tỏa sáng
Tỏa sáng tinh thần Việt Nam trong chương trình ''Sao Độc lập 2021'' |
Niềm tự hào của Thủ đô...
Nhiều người khi đi qua bức tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ở Vườn hoa Bà Kiệu và Vườn hoa Hàng Đậu đều xúc động, trào dâng tình yêu nước nồng nàn khi thấy khí thế ngút trời của các nhân vật trên bức tượng, đặc biệt là người phụ nữ trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà bức tượng có hình tượng ấy. Đó không chỉ là sự tương trưng về giới mà thực sự là để ghi công những đóng góp của họ trong 60 ngày đêm “sống chết với Thủ đô”.
Ý nghĩa của hình tượng là này là giới trí thức, trong đó có rất nhiều phụ nữ, là tầng lớp tinh hoa của Hà Nội sau cách mạng. Nghe theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, họ xếp sách vở sang một bên để dấn thân mạnh mẽ vào công cuộc cứu nước. Hình tượng người nữ trí thức vừa mang vẻ nữ tính đặc trưng của phụ nữ Hà Nội xưa với tà áo dài truyền thống, khuôn mặt thanh tú, mái tóc bồng bềnh như mây bay vừa mang dáng vẻ bất khuất, kiên cường của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu với lưỡi gươm sắc đã tuốt trần, sẵn sàng chém xả vào kẻ thù để bảo vệ thành phố thân yêu.
Hình ảnh người phụ nữ Hà Nội trên tượng đài "Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh" |
Truyền thống ấy tiếp tục được nối dài trong kháng chiến chống Mỹ, khi biết bao phụ nữ Hà Nội cũng như đấng mày râu “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tham gia vào tất cả các lực lượng từ văn công, y tế, vận tải… mà tiêu biểu chúng ta biết đến tấm gương nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn nhật ký tràn ngập lý tưởng cao đẹp của chị.
Ở hậu phương, chị em phụ nữ Thủ đô tiếp tục vừa sản xuất vừa chiến đấu, những mất mát hi sinh của họ không thể đếm được bằng lời. Ngày nay, ai đi qua phố Khâm Thiên đều nghiêng mình trước tượng đài Mẹ bồng con, chân đạp lên quả bom B52 được dựng lên để ghi nhớ trận bom 577 người chết và bị thương trong đêm 26/12/1972 tại phố Khâm Thiên.
Sự kiên cường, bản lĩnh của họ đã góp phần cùng Hà Nội vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ để Thủ đô đẹp đẽ, tươi sáng như ngày hôm nay. Để trong thời bình, từng thế hệ phụ nữ Hà Nội đều ghi dấu ấn cá nhân trong sự nghiệp khiến chúng ta tự hào vì những cống hiến của họ.
Đó là PGS.TS Trần Vân Khánh - Trưởng Bộ môn Sinh học phân tử, Khoa Kỹ thuật y học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gen, protein, Trường Đại học Y Hà Nội đã có những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống. Bà được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2017.
Đó là cung thủ Lộc Thị Đào, vận động viên đã mang về 3 tấm Huy chương Vàng tại SEA Games 30 năm 2019, làm rạng danh thể thao Việt Nam nói chung và thể thao Hà Nội nói riêng.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo |
Đó là doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc của VietJet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank. Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.
Năm 2019, CEO Vietjet góp mặt trong sách 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới do Forbes công bố. Đây là năm thứ 3 liên tiếp bà Thảo có tên trong danh sách này. Ngoài ra, Bloomberg cũng đánh giá bà là một trong 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu 2018, bên cạnh những nhân vật toàn cầu như Tổng thống Nam Phi, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Giám đốc tài chính của Microsoft, Ngoại trưởng Canada…
Đó là bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam. Vị “nữ tướng” này đã đưa Tập đoàn BRG đi lên từ hoạt động xuất nhập khẩu trước khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, sân golf và nhiều lĩnh vực khác. Bà Nga góp mặt liên tục trong danh sách các phụ nữ có ảnh hưởng của Forbes Việt Nam.
Còn rất nhiều, rất nhiều những nữ giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, kĩ sư, bác sĩ... mà nhắc tới tên tuổi của họ không chỉ người trong ngành mà cả đất nước, cả bạn bè nước ngoài cũng phải ngả mũ thán phục.
Những năm gần đây, “nhan sắc” Thủ đô không ngừng đăng quang trong các cuộc thi người đẹp, hoa hậu. Dường như, với vẻ đẹp truyền thống, thêm nữa con gái Hà Nội ngày nay được thừa hưởng cái “gen” nhan sắc, nên ở cuộc thi nào cũng trội hơn hẳn. Vì thế, người Thủ đô luôn tự hào vì có những Hoa hậu: Nguyễn Diệu Hoa, Bùi Bích Phương, Mai Phương Thúy, Ngọc Khánh, Ngọc Hân… đăng quang trong “rừng nhan sắc” của đất nước.
… và những “chiến công” thầm lặng
Trong những năm gần đây, ngoài niềm tự hào thể hiện trên nhiều lĩnh vực mà phụ nữ Thủ đô ghi dấu, chúng ta cần phải nhắc đến “chiến công” vô cùng thầm lặng nhưng mang đóng góp rất lớn với Hà Nội. Đó chính là việc gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa của ngàn năm Thăng Long và công cuộc nêu cao văn hóa ứng xử của người Hà Nội.
Với thiên chức trời ban, phụ nữ luôn là người gánh trách nhiệm dạy dỗ con cái, bảo ban điều hay lẽ phải cho các thế hệ chủ nhân tương lai của thành phố. Chính bởi vậy, họ trước hết phải làm gương về lời ăn, tiếng nói, lối ứng xử, giao tiếp xã hội, từng hành vi, cử chỉ của mình ở trong nhà cũng như đến cơ quan, ra nơi công cộng.
Những người phụ nữ Hà Nội đang miệt mài, âm thầm mang đến nét đẹp văn hóa ứng xử cho người Thủ đô (Ảnh minh họa) |
Gia đình là nền tảng của xã hội, không một cá nhân nào phát triển tri thức, nhân cách tốt mà không được hưởng một nền giáo dục tốt từ trong chính ngôi nhà của mình. Người Hà Nội hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa ứng xử, người phụ nữ Hà Nội lại càng là tinh hoa của những tinh hoa ấy. Giọng nói dịu dàng, bước đi nhẹ nhàng, tiếng thưa tiếng gửi, nét ăn nết ở, cách đối nhân xử thế ra sao cho không chỉ đúng mà còn chứa đựng cả văn hóa con người, cả tinh thần nhân văn trong đó thì không gì hiệu quả hơn là mẹ truyền cho con.
Trong các gia đình, người phụ nữ từ khi là con gái rồi trở thành mẹ, thành bà vẫn vừa là người thực hành, dạy dỗ vừa là người giám sát tất cả quá trình hình thành nhân cách, lối ứng xử của con cái cháu chắt trong gia đình. Tuy nói rằng bẩm sinh mỗi người sẽ có sở thích, tính cách khác nhau nhưng sự thanh lịch, duyên dáng, tự tinh, hiện đại hòa lẫn truyền thống vẫn là mẫu số chung mà người phụ nữ Hà Nội duy trì và hướng đến.
Bà Phúc (ở Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) bảo ngày xưa mẹ đẻ ra bà trên phố Thuốc Bắc, là phụ nữ “phố Hàng” gốc, người Hà Nội gốc, rất thạo nữ công gia chánh, yêu cắm hoa, chế biến đồ ăn nên bà bây giờ gần 90 tuổi rồi ngày nào cũng thích cắm hoa. Cô Hoàn, con gái út của bà cũng như mẹ, như bà ngoại, truyền tình yêu cái đẹp, nét hưởng thụ cái đẹp, làm đẹp thêm cuộc sống của mình như thế cho các con.
Ảnh minh họa |
Chị Miên (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể không sinh ra lớn lên tại Hà Nội nhưng gắn bó mảnh đất này hơn 20 năm rồi, chị yêu tất cả các mùa hoa ở nơi đây. Thời sinh viên chị đi thưởng thức hoa một mình, bây giờ chị thường đưa các con gái đi cùng khắp các nơi để chụp ảnh với hoa cải, hoa sưa, hoa ban, hoa cúc họa mi, hoa loa kèn, hoa sen… để các con chị biết yêu, biết trân trọng cái đẹp.
Chị Lê (ở quận Hà Đông, Hà Nội) thì luôn cùng hai con của mình đến các địa điểm nổi tiếng, các di tích lịch sử của Hà Nội như Văn Miếu, cầu Long Biên, Cột cờ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long… và giải thích cho các con ý nghĩa lịch sử của các nơi này. Đi qua từng con phố, chỉ không bỏ qua cơ hội giảng giải cho các con về tên tuổi, công lao của các danh nhân. “Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi mình biết rõ về nơi mình đang sống. Biết để hiểu, để trân trọng hơn. Thông qua các dạy con, chính mình cũng đang “ôn lại” kiến thức và tình yêu với mảnh đất này”, chị Lê tâm sự.
Chẳng có gì là to tát, những bà mẹ trẻ của Hà Nội ngày nay đang hàng ngày dạy con bằng những việc làm cụ thể như không xả rác, dẫm lên cỏ ở công viên, không nói to trong bệnh viện, không tò mò làm tổn thương những người kém may mắn, đồ ăn đồ uống thừa mua tại cửa hàng ăn nhanh phải được gói ghém cẩn thận trước khi vứt vào thùng rác, biết chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ người gặp hoạn nạn. Cũng như thế, họ cùng con điều chỉnh các hành vi ở siêu thị, nhà hàng, không lãnh phí, tránh vô trách nhiệm, có văn hóa khi tham gia giao thông. Họ dạy con biết xin lỗi khi sai lầm, biết cảm ơn khi được giúp đỡ, tại nơi công cộng cũng như ở nhà mình, không quen ai không có nghĩa là bất chấp…
Cứ bền bỉ như phù sa sông Hồng bồi đắp qua năm tháng, để diện mạo văn hóa ứng xử nói riêng và văn hóa con người Hà Nội được như ngày hôm nay thì công sức của những người phụ nữ Thủ đô không hề nhỏ. Dù là làm việc nước hay việc nhà, họ đều đa năng, phát huy hết năng lực và sự sáng tạo của mình, mang đến hiệu quả đong đếm bằng thành quả mà chúng ta đang được hưởng.
(Còn nữa)
Tìm hiểu 100 bóng hồng “không phải dạng vừa” thay đổi thế giới |
Hành trình phát triển vắc-xin AstraZeneca chuẩn bị ra mắt bạn đọc |
Ra mắt cuốn sách giúp bé học nói dễ dàng với các bài thơ hay |