Bài 2: Sức sống mới nơi các thôn, làng
Thăng Long - Hà Nội đang bừng sáng và vươn mình với sức sống mới Quảng Nam: Sức sống mới nơi “miền đất lở” |
“Trái ngọt” 15 năm
Tháng 8 mỗi năm, câu chuyện về chủ trương hợp nhất lại trở nên rôm rả trong bữa cơm các gia đình, quanh bàn cờ trong sân nhà văn hóa... trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ... Ấy là khi người dân ngồi ôn lại những ngày tháng năm xưa, khi cái nghèo cái đói còn bủa vây, đường xá chưa được đầu tư, nhà cửa còn lụp xụp và nhiều nơi, điện còn chưa về tới bản.
Là xã miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với 80% dân số là người Mường, Yên Trung (nay là xã thuộc huyện Thạch Thất) khi ấy là địa phương khó khăn nhất trong số 4 xã hợp nhất về Hà Nội.
Những con đường liên thôn được trải nhựa thẳng tắp |
Chỉ về những con đường đã được bê tông hóa thẳng tắp, bà Nguyễn Thị Cầu ở thôn Hội nhớ lại: "Đường xá trong thôn đều là đường đất, rất xấu và hẹp, trời mưa đi lại rất khó khăn. Thậm chí, để đến với một số thôn, người dân phải leo bộ qua vài con dốc. Người dân trong thôn chủ yếu sống bằng trồng rừng và cấy lúa. Sản xuất nhỏ lẻ, lại không có điện nên các dịch vụ buôn bán, trao đổi khó khăn".
Trong dòng hồi tưởng của mình, bà Cầu vẫn nhớ rất rõ: Chỉ trong vòng một tháng kể từ ngày trở thành công dân Thủ đô, lưới điện quốc gia đã về làm nơi đây từng bước thay da đổi thịt. Có điện, một số nhà đã đổi thóc sắm quạt điện, nồi cơm điện và các tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Nhiều gia đình năng động đã đầu tư mua sắm máy xay xát, máy đóng gạch, máy cưa xẻ mở rộng sản xuất.
Ngay như nhà bà Cầu đã bỏ 50 triệu đồng sắm cả dây chuyền đóng gạch ba banh vừa giải quyết việc làm trong gia đình, vừa tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với mức thu nhập mỗi ngày khi ấy bình quân 50.000 đồng/người.
Cũng giống như xã Yên Trung, trước đây, toàn bộ đường liên thôn của xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) là đường đất, đại đa số người dân chỉ sản xuất tự cung tự cấp, không giao thương buôn bán với bên ngoài.
Trở thành một phần của Thủ đô, hệ thống hạ tầng trên địa bàn xã Đông Xuân được đầu tư đồng bộ, khang trang. Trong đó, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương, giao thông nội đồng được cứng hóa, đã góp phần tạo thuận lợi cho Nhân dân sản xuất nông nghiệp. Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh như điện sinh hoạt, trạm y tế, trường học... được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn đời sống Nhân dân; Đã góp phần vào việc thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo điều kiện cho sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương.
Trở thành một phần của Thủ đô, hệ thống hạ tầng trên địa bàn xã Đông Xuân được đầu tư đồng bộ, khang trang |
Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Tiến Linh chia sẻ, 15 năm sau ngày sáp nhập, từ một mảnh đất bán sơn địa nổi tiếng vì đói nghèo và lạc hậu, nay Đông Xuân trở thành một trong những địa phương tiêu biểu cho công cuộc đổi mới với hệ thống điện, đường, trường, trạm không hề thua kém những địa phương khác.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng vượt bậc. Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 6.000.000 đồng/người/năm, thì đến năm 2023 ước đạt 61,5 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo của xã cuối năm 2008 là 33 hộ (chiếm 3,1%) đến nay chỉ còn 2 hộ, chiếm tỷ lệ 0,13%. Từ địa phương chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, nay trong cơ cấu kinh tế xã, ngành này chỉ còn dưới 50%. Nhà nhà đều có điện, có xe máy, ti vi, internet...
Từ về đích cuối cùng, “lội ngược dòng” thành xã Nông thôn mới nâng cao
Từ Đông Xuân, ngược về thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ), nơi tập trung rất đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn về hạ tầng những ngày đầu thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội
Địa thế hiểm trở, đất đai cằn cỗi, manh mún, nhỏ lẻ khiến canh tác nông nghiệp của đồng bào dân tộc Mường nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ có vậy, việc sản xuất gặp khó khăn bởi thiên tai. Mùa khô, nơi đây thường xuyên rơi vào cảnh thiếu nước sản xuất, trong khi mùa mưa, lũ rừng ngang sẽ nhấn chìm những bờ thửa.
Không chỉ vậy, nơi đây còn gặp muôn vàng khó khăn chung về điện - đường - trường - trạm, trong đó có cơ sở vật chất y tế. Do nằm xa trung tâm nên bà con phải đi quãng đường hàng chục cây số để khám chữa bệnh tại Trạm Y tế trung tâm xã, cho đến trước khi một trạm y tế thứ hai được chính quyền đầu tư xây dựng.
Mô hình trồng hoa ly tại xã Tự Lập |
Những tưởng sự nghèo khó sẽ còn bủa vây dai dẳng xứ Mường này nhưng sự đổi thay đã đến sau khi trở thành một phần của Thủ đô. Bà Nguyễn Thị Sáng (62 tuổi), người đã gắn bó cả cuộc đời với vùng đất này chia sẻ: "Từ khi hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư, bà con có thể áp dụng cơ giới hóa vào làm đất, gieo cấy. Một năm bà con có thể gieo cấy được 2 - 3 vụ; Năng suất cây trồng cũng ngày một được nâng cao".
Giờ đây, nguồn thu nhập của bà con đã được đa dạng hóa khi hàng trăm đồng bào thôn Đồng Ké đã được đào tạo nghề mây giang đan. Đồng bào dân tộc nơi đây nhờ đó cũng có thêm công ăn việc làm với mức thu nhập khá không còn phải loay hoay với trồng cây gì, nuôi con gì để mưu sinh.
Tương tự như các thôn, xã trên, xã Tự Lập (huyện Mê Linh) trước đây khi còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất còn xập xệ; Thu nhập đầu người chỉ khoảng 10 triệu đồng/đầu người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo cao.
Thế nhưng những năm gần đây, diện mạo miền quê này đã có nhiều thay đổi. Không chỉ các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang mà địa phương còn huy động nguồn lực từ xã hội hóa đầu tư xây dựng khu tập luyện thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng sáng trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh.. chủ động sáng tạo nắm bắt xu hướng thị trường. Nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu hình thành và phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân, bình quân 64 triệu đồng/người/năm.
Đáng kể, mặc dù năm 2020, Tự Lập là địa phương hoàn thành xây dựng Nông thôn mới cuối cùng nhưng năm 2022, xã Tự Lập đã "lội ngược dòng", trở thành một trong 2 xã về đích Nông thôn mới nâng cao sớm nhất của huyện Mê Linh.
Ông Trần Văn Huệ - Chủ tịch UBND xã Tự Lập trao đổi với phóng viên |
Ông Trần Văn Huệ - Chủ tịch UBND xã Tự Lập cho biết: Kết quả này có được nhờ sự quan tâm giúp đỡ của thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh cùng với đó là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận cao của người dân.
Thành quả từ xây dựng Nông thôn mới nâng cao tại xã Tự Lập đã mang lại những lợi ích to lớn cho người dân địa phương, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ tinh thần, ý chí vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương. Ông Vũ Tiến Việt (thôn Yên Bài, xã Tự Lập) chia sẻ: "Là địa phương đi lên từ sản xuất nông nghiệp đến nay được công nhận là xã Nông thôn mới nâng cao, người dân chúng tôi rất phấn khởi, tự hào. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để địa phương chúng tôi duy trì và phát triển danh hiệu Nông thôn mới nâng cao, tiến tới Nông thôn mới kiểu mẫu".
Những đổi thay trong mỗi gia đình hoặc trên phạm vi rộng hơn là các thôn xã như Đồng Ké, Đông Xuân,Yên Trung, Tự Lập... sau 15 năm là những ví dụ sinh động nhất cho tính đúng đắn của một chủ trương hợp nhất. Nói không quá, đó là cuộc kiến tạo mang tầm vóc lịch sử, mà người hưởng lợi trước nhất chính là người dân...
(còn nữa)