Bài 28: Trao cơ hội cho người trẻ tạo dựng thành công
![]() |
Như cây non được trồng ở nơi có đất tốt, nhiều nắng, gió và nước thì sẽ nhanh chóng vươn cao, nhân lực trẻ nếu đặt vào đúng vị trí cũng sẽ phát huy hết tiềm năng, trở thành nhân tài cho đất nước. Chính sách “trải thảm đỏ” thu hút người giỏi, tạo điều kiện tốt, môi trường làm việc cởi mở chính là một trong những yếu tố thúc đẩy tài năng trẻ.
Phát triển nguồn nhân lực trẻ- Nhiệm vụ chính trị cấp thiết:
Bài 25: Cần có định hướng để văn nghệ sĩ trẻ phát huy được tài năng
Bài 26: Đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu điện ảnh: Càng khó khăn càng phải quyết liệt
Bài 27: Tuyển sinh viết văn không cần chạy theo số lượng
Theo ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, hàng năm nhà hát luôn có nguồn diễn viên khá lớn từ nhiều trường nghệ thuật tìm đến để mong được cống hiến tài năng cho khán giả. Tại đây, ngoài lứa diễn viên đầu tiên đã rất nổi tiếng như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Chí Trung... hiện còn có thêm ba thế hệ diễn viên mới. Đặc biệt, có những năm có tới 10 - 15 diễn viên trẻ ra trường đầu quân về nhà hát. Chất lượng diễn viên mới ra trường tất nhiên không đồng đều nhau nên những người xuất sắc, nổi bật nhất luôn được Nhà hát mở rộng cánh cửa để chào đón. Lứa nghệ sĩ NSƯT Đức Khuê, Cao Nguyệt Hằng, Bá Anh, Sĩ Tiến, Thanh Bình, Thanh Dương là lứa diễn viên được đào tạo khóa hai của nhà hát đang giữ vai trò “nòng cốt” hiện nay. Hay như nghệ sĩ Hương “tươi” từ trường Sân khấu Điện ảnh về cũng đã tạo được những dấu ấn nhất định và ghi dấu tên tuổi mình trong lòng khán giả. Ở lĩnh vực ca nhạc thì các NSƯT Hoài Phương, NSƯT Hải Yến, Lưu Thiên Hương, Ánh Tuyết... cũng được công chúng hâm mộ, yêu mến.
![]() |
Cảnh trong vở "Công lý không gục ngã" do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, biểu diễn và đoạt nhiều giải thưởng.
Thế hệ diễn viên trẻ nhất, đang ở độ tuổi từ 25, mới về công tác tại nhà hát khoảng năm năm, thậm chí có những người mới ra trường cũng luôn được nhà hát tạo điều kiện để họ phát huy tối đa tài năng của họ. Ông Trương Nhuận cũng cho biết: Diễn viên trẻ luôn được tạo điều kiện tham gia những vai chính trong những vở lớn, kinh điển, có giá trị nghệ thuật cao để có cơ hội đi thi, cọ sát và khẳng định được tài năng của mình. Các chính sách về đời sống của Nhát hát Tuổi trẻ cũng tương đối thoáng, tức là không quản lí chặt chẽ về thời gian, miễn là diễn viên có thể uyển chuyển, cân đối được lịch biểu diễn ở nhà hát thì có thể thoải mái đi đóng phim, biểu diễn bên ngoài. Hoạt động này vừa để anh em nghệ sĩ tự quảng bá cho bản thân, tạo thương hiệu cho mình cũng như cải thiện được đời sống vật chất, từ đó chuyên tâm, hứng thú với nghề hơn. Ngoài ra, Nhà hát Tuổi trẻ cũng có chính sách đào tạo lại, tức là hoạt động tu nghiệp ngắn ngày với các chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện để anh chị em nghệ sĩ được đi châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc học tập, cọ sát để học hỏi, giao lưu.
Song song với hoạt động đó, các thế hệ đàn anh đàn chị đã nổi tiếng như NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Ngọc Huyền... cũng trực tiếp đứng ra tập huấn về nghề cho các thế hệ đàn em thông qua những tiểu phẩm, vở diễn có tính kinh điển để diễn viên trẻ tham khảo, trau dồi về nghề. Nhà hát cũng tìm cách kết nối những nghệ sĩ trẻ có ý thức phục vụ cộng đồng, ham thích hoạt động từ thiện với các chương trình đi biểu diễn phục vụ trẻ em vùng sâu vùng xa, đến với biên giới, hải đảo như những chuyến đi hải đảo Trường Sa, vung biên giói Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu… Đây không chỉ là hoạt động chuyên môn mà còn để nghệ sĩ có thêm bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức vươn lên, chia sẻ với đồng bào đồng chí của mình, thêm hiểu thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.
Đó là những chính sách bồi dưỡng, phát triển và đãi ngộ nghệ sĩ trẻ mà Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện nhiều năm nay. Đặc biệt, khi nghệ sĩ đoạt được huy chương, giải thưởng nào đó tại các hội diễn, liên hoan thì nhà hát luôn có phần thưởng riêng, tương đương với giá trị giải thưởng mà họ đạt được. Bên cạnh đó, họ được tạo điều kiện kí hợp đồng dài hạn luôn hoặc vào biên chế ngay. Giám đốc Trương Nhuận khẳng định: Nhà hát luôn coi trọng diễn viên trẻ có tài năng, mang đến cho họ những chính sách ưu đãi để có thể phát huy một cách tốt nhất sở trường của mình. Các thế hệ đi trước luôn có trách nhiệm dìu dắt, tạo điều kiện cho người đi sau để cùng phát triển. Chẳng hạn, dù NSND Lê Khanh cũng rất thích vai Vương phi Đặng Thị Huệ trong vở “Công lý không gục ngã” nhưng đã “nhường” cho đàn em Bảo Thanh để diễn viên trẻ này có cơ hội được thử sức và tỏa sáng.
Bởi thế, đã có rất nhiều người đoạt được những thành công sáng chói tại Liên hoan Sân khấu kịch Toàn quốc năm 2015 vừa qua. Điển hình là nữ nghệ sĩ trẻ Lương Thu Trang (Đoàn kịch 1) đã đoạt Huy chương vàng trong vở “Sống tử tế”; nam diễn viên Thanh Sơn (Đoàn kịch 2) đóng vai chính và đoạt Huy chương vàng trong vở “Ai là thủ phạm”; Bảo Thanh đoạt hai Huy chương bạc tại Hội diễn sân khấu kịch toàn quốc với vai Vương phi Đặng Thị Huệ trong vở “Công lý không gục ngã” và vai Thanh trong vở “Ai là thủ phạm"; Đinh Hương Thủy đoạt Huy chương bạc cũng trong vở “Công lý không gục ngã”. Đặc biệt, nghệ sĩ Quang Ánh, Bí thư Đoàn Thanh niên của Nhà hát Tuổi trẻ, đã đoạt hai Huy chương vàng với vai Cậu Trời trong vở “Công lý không gục ngã”, Đại tá Lâm trong “Cho cuộc sống bình yên” và vừa được kết nạp Đảng nhân dịp ngày 26/3 vừa qua.
Ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trẻ là điều vô cùng cần thiết bởi đây là lĩnh vực phục vụ công chúng, luôn đòi hỏi sự mới mẻ, trẻ trung và cả những đột phá, những ý tưởng mới mà người trẻ thì rất sẵn nhiệt huyết và sự phá cách. Rất nhiều diễn viên, đạo diễn, nghệ sĩ trẻ nhờ có những “cơ chế thoáng” mà phát huy được tài năng của mình, từng bước đi lên vững chắc. Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền luôn cảm kích khi mình về hãng Điện ảnh Quân đội được một năm, chỉ đang trong giai đoạn hợp đồng thì đã được tin tưởng cho làm bộ phim truyện đầu tay là phim “Đêm vùng biên”. Trong Liên hoan phim lần thứ 14 năm đó, bộ phim này đoạt giải quay phim xuất sắc nhất và diễn viên nam chính xuất sắc nhất.
Ít ai biết, chính chị là người đề đạt với ban lãnh đạo Điện ảnh Quân đội nên đưa phim ra ngoài chiếu cho báo giới và công chúng xem. Chưa bao giờ một phim về đề tài chiến tranh cách mạng, được đặt hàng để chào mừng ngày lễ lớn của đất nước như “Người trở về” lại được khán giả chào đón nồng nhiệt đến mức lần nào công chiếu cũng chật kín rạp. Tại LHP Việt Nam lần thứ 19, “Người trở về” đoạt giải của Ban giám khảo cho kịch bản xuất sắc nhất. Bản thân Đặng Thái Huyền cũng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc với phim “Đất lành” và phim này cũng đoạt giải Bông sen Bạc. Phim cũng vừa nhận giải Cánh diều Bạc trong Liên hoan phim Cánh diều 2015 diễn ra hôm 20/4.
Như vậy, Đặng Thái Huyền chính là người mạnh dạn phá bỏ tiền lệ và bản thân những người đứng đầu đơn vị nghệ thuật là hãng Điện ảnh Quân đội cũng rất tạo điều kiện để người trẻ đưa ra những đề nghị, làm theo đề nghị đó và đã rất thành công.
Trao niềm tin cho người trẻ, tạo điều kiện để cho họ dám đương đầu với cái mới, với thử thách sẽ có thể mang tới nhiều thành công. Điều đó sẽ khiến người trẻ có thêm hứng khởi và động lực để phấn đấu, vươn lên không mệt mỏi.
(Còn nữa)
Cẩm Tú
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Làng chài miền Tây giữa đại ngàn Tây Nguyên

Bài 5: Điểm tựa tâm linh trên đảo tiền tiêu

Bài 4: Sức sống xanh giữa mặn mòi biển cả

Bài 3: “ Mắt biển ” không bao giờ tắt

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió

Những “cột mốc sống” ở Trường Sa

Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương

Hương Tết "làng" chổi đót

Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại
